Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đặt mục tiêu “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Để đạt được mục tiêu này phải cần đến những giải pháp đồng bộ và có những bước đi thích hợp.

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

Đây là một trong những đột phá quan trọng của cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TƯ.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cơ quan chủ trì xây dựng đề án cải cách chính sách BHXH trình Chính phủ và Trung ương Đảng, đề án thiết kế 3 tầng BHXH để mở rộng diện bao phủ BHXH.

Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

bai 2 bao hiem
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách Nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.

Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Thực chất là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và NLĐ có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Sửa đổi cách tính lương hưu để bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt.

Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ. Thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Sửa đổi các quy định để khuyến khích NLĐ tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỷ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với NLĐ muốn nhận chế độ hưu trí sớm.

Lộ trình và nguồn lực thực hiện

Nghị quyết số 28-NQ/TƯ đặt mục tiêu đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35 % lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28 % lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45 % số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35 % lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55 % số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45 % lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60 % số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Nghị quyết xác định sẽ thể chế hóa các chủ trương và hoàn thiện pháp luật, chính sách về BHXH. Hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH. Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH; đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH. 

Để bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn và phù hợp với xu hướng già hóa dân số, từ năm 2021, chúng ta sẽ thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Việt Nam cũng là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc dạng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ không kịp thời đối phó với tốc độ già hóa dân số này. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành đã được ban hành từ năm 1960, khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam mới hơn 40 tuổi. Trong 60 năm qua, tuổi thọ của nam giới đã lên mức 78 tuổi, nữ giới là 79,5 tuổi - mức thọ bình quân cao nhất khu vực. Nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của Việt Nam lại thuộc dạng thấp nhất trong khu vực (bình quân tuổi nghỉ hưu là 54,3, với 55,6 tuổi đối với nam, 52,6 tuổi đối với nữ). Trong khi đó, tuổi bình quân đóng BHXH của nam là 28 năm, hưởng lương hưu là 22,5 năm. Nữ đóng bình quân 23 năm, hưởng lương hưu là 27 năm. Mức đóng bình quân cả nam và nữ vào BHXH là 22 % và mức hưởng bình quân tới 70 %, một số người hưởng cao tới 75 %.

Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các quỹ BHXH, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ yêu cầu đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.  

TS. KIM HÀ - PHÚ THỌ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Lệ Minh (st)

 

Bài viết khác: