Đối với bác sĩ Đỗ Thanh Tâm, nguyên là nhân viên y tế của cơ quan Ban Tổ chức Trung ương, kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà là vào 25 Tết Ất Tỵ năm 1965, bà vinh dự được gặp Bác Hồ.

ky niem gap Bac 1
Bà Đỗ Thanh Tâm (chấm xanh) được gặp Bác Hồ trong lần Bác về thăm 
và chúc Tết Ban Tổ chức Trung ương Đảng Tết Ất Tỵ năm 1965

Bà Thanh Tâm bùi ngùi nhớ lại: Đó là vào 25 Tết 1965, Bác Hồ cùng các cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đến K15 - Ban Tổ chức Trung ương thăm các Anh hùng Lực lượng vũ trang của Mặt trận ra Bắc để bồi dưỡng sức khỏe và đi học. Bác Hồ đến thăm cũng là chúc Tết Ất Tỵ cán bộ, công nhân viên tại đây. Lúc đó bà Thanh Tâm là nhân viên y tế của cơ quan Ban Tổ chức Trung ương.

Bà Tâm nhớ lại, khi Bác đến ai cũng ùa ra chạy đến vây quanh Bác. “Gặp mọi người, Bác ân cần thăm hỏi, giọng Người đầm ấm, riêng bà và một số người được ngồi cạnh Bác được Bác xoa đầu và ân cần thăm hỏi, dặn dò công việc và chúc Tết”, bà kể. Lúc gặp Bác xong bà có làm một bài thơ “Bên Bác” để lưu giữ lại kỷ niệm đáng nhớ này:

“Thật quá bất ngờ được Bác đến thăm

Tất cả ngỡ ngàng ùa đến vây quanh Bác

Tôi may mắn hơn bao bạn khác

Được ngồi bên Người, được Bác cầm tay

Tôi ngắm nhìn Người bằng cặp mắt thơ ngây

Lòng xốn xang muốn nói gì chẳng nói

Bác xoa đầu tôi Bác mỉm cười thăm hỏi

Tôi bồi hồi xúc động trước người Cha

Chỉ có chừng mươi phút đi qua

Với cuộc đời không bao giờ quên được

Như chim nhỏ đậu bên núi lớn

Đầy cỏ hoa thơm ngát cả đất trời

Mươi phút đi qua sáng cả một đời”.

Chỉ vào tấm ảnh chụp cùng Bác, bác sĩ Thanh Tâm xúc động: “Bà là người mặc áo trắng, tay bà ôm cánh tay Bác, mặt kề vai Bác, ngồi phía sau bà là Anh hùng Trần Thị Lý - một nhà hoạt động cách mạng, nữ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên đấy”.

ky niem gap Bac 2
Bà Thanh Tâm còn là một nhà thơ, nhà văn.

Bác sĩ Thanh Tâm tâm sự, lời dạy của Bác luôn văng vẳng trong cuộc đời bà. Đó là động lực giúp bà phấn đấu vươn lên. Nhờ lời Bác dạy, bà luôn phấn đấu làm một bác sĩ tâm huyết, giúp người, giúp đời. Bác sĩ Thanh Tâm sinh năm 1945, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội, làm việc và nghỉ hưu ở ngoài Bắc, sau đó vào Nam sinh sống. Bà còn là một nhà thơ, nhà văn có nhiều bài thơ được yêu thích, hiện bà đã xuất bản 5 tập thơ, truyện ngắn Bâng khuâng, Mảnh chiều nghiêng… và có một bài thơ được phổ nhạc là Nha Trang chiều biển hát.

Bác sĩ Đỗ Thanh Tâm còn có nhiều dịp được gặp Bác Hồ, trong những lần Bác về thăm đơn vị, mỗi lần như vậy bà đều viết nhật ký để lưu giữ kỷ niệm đẹp trong đời.

Dương Cầm

Theo Tạp chí Cao su Việt Nam

Minh Quân (st)

Bài viết khác: