Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai nhà yêu nước có tư tưởng canh tân nổi bật đầu thế kỷ 20. Dù cùng mưu cầu độc lập cho nước nhà nhưng chủ trương của hai ông về phương pháp cứu nước rất khác nhau.

Phan Bội Châu chủ trương cứu nước bằng con đường bạo động. Phan Chu Trinh chủ trương cứu nước bằng con đường bất bạo động và cho rằng, bạo động là chết. Nhưng có một điểm hội tụ giữa hai ông, cả hai nhà chí sĩ yêu nước này đều gửi gắm niềm tin vào nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc...

“Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác”


diem hoi tu 1
Chí sĩ Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu

Giáo sư Vĩnh Sinh trong quá trình khảo cứu đã phát hiện được lá thư của chí sĩ Phan Bội Châu gửi cho Nguyễn Ái Quốc đề ngày 21 tháng Một âm lịch (tức ngày 22-02-1925). Đây là thư viết bằng chữ Hán, được lưu trữ ở Aix-en Provence (Pháp). Căn cứ thời điểm gửi thư thì thấy thời điểm đó, cả Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc cùng đang hoạt động tại Trung Quốc. Phan Bội Châu sau thất bại của phong trào Đông Du đã về Hàng Châu (Trung Quốc), từng bước cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Đảng Quốc dân Việt Nam, mưu cứu nước theo đường lối của Tôn Trung Sơn. Còn Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy bí danh là Lý Thụy, hoạt động trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô sang giúp đỡ Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch (lúc này Tưởng Giới Thạch chưa lộ mặt phản động). Đây cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Thư của Phan Bội Châu gửi Nguyễn Ái Quốc viết: “Người cháu rất kính yêu của bác, hôm trước, anh Lâm Đức Thụ và anh Hồ Tùng Mậu gửi lá thư của cháu, trong thư có nói tường tận chuyện ông Hy Mã Phan Chu Trinh. Trong thư, dựa trực tiếp trên chuyện thật nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như 20 năm về trước. Nhớ lại 20 năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu, gõ án ngâm thơ, anh em cháu tất thảy đều chưa thành niên. Lúc ra đi, Phan Bội Châu đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như ngày nay.

Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho bản thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối đã xuất hiện ánh ban mai.

Một đời tân khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai dễ nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được. Cháu học vấn rộng rãi, đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục, cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác”.

Cuối thư, Phan Bội Châu khuyên Nguyễn Ái Quốc có kế hoạch mở rộng phong trào yêu nước trong nước “vì nếu không có kế hoạch thì bất quá chỉ làm khách tha hương than thở không đâu cho hồn cố quốc, chả giống ông Hy Mã Phan Chu Trinh thì cũng chỉ giống Phan Bội Châu mà thôi!”.

Lời lẽ trong thư không chỉ thể hiện niềm tin, sự ủy thác của Phan Bội Châu vào Nguyễn Ái Quốc mà còn tiết lộ quan hệ gắn bó giữa hai bác - cháu. Phan Bội Châu vốn là bạn thân của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Nguyễn Ái Quốc. Khi Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Sinh Cung) còn nhỏ, Phan Bội Châu thường đến nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc uống rượu, gõ án ngâm thơ, bàn chuyện cứu nước. Nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại được cho thấy, năm 1905, trước khi xuất dương sang Nhật Bản, Phan Bội Châu có về quê Nam Đàn (Nghệ An) sửa sang mồ mả tiên tổ nên hay sang nhà bạn Nguyễn Sinh Sắc chơi. Chàng thiếu niên Nguyễn Tất Thành năm đó mới 15 tuổi nhưng đã gây dấu ấn với chí sĩ Phan Sào Nam bởi tư chất thông minh và khả năng đối đáp xuất chúng. Năm 1906, Phan Bội Châu đưa Nguyễn Tất Thành vào danh sách học sinh đi Đông Du ở Nhật Bản nhưng chàng thanh niên 16 tuổi đã từ chối vì cảm nhận rằng con đường cứu nước của cụ Phan có gì đó chưa ổn thỏa. Sau này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cho rằng, chủ trương dựa vào đế quốc Nhật Bản để đánh đuổi thực dân Pháp là “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng cho rằng, khi đặt niềm tin vào Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu đã chuẩn bị cải biến tổ chức Đảng Quốc dân Việt Nam của mình theo hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước đó, Phan Bội Châu đã nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ông từng viết một cuốn sách giới thiệu Chủ nghĩa Mác và một cuốn sách về Lê-nin. Tuy nhiên, ngày 30-6-1925, thực dân Pháp đã bắt cóc ông và đưa về giam lỏng tại Huế. Trong 15 năm cuối đời, “Ông già Bến Ngự” luôn treo ảnh Lê-nin trong nhà mình.

Học giả Đào Duy Anh trong sách “Một số hồi ức chưa được công bố về Phan Bội Châu” kể rằng, cụ Phan thường bộc bạch với bạn bè: “Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi tuy tôi có lòng mà thực bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào cũng độc lập. Hiện nay đã có người khác lớn hơn chúng tôi nhiều... Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không? Vì ông ấy giỏi, chứ có như tôi đâu. Ông ấy lại có nhiều vây cánh và bè bạn khắp thế giới”.

diem hoi tu 2
Phan Chu Trinh. Ảnh tư liệu

Phan Chu Trinh: “Sự nghiệp độc lập nước nhà trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”

Tiến sĩ Thu Trang, một Việt kiều tại Pháp đã xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh à Paris” tại Nhà xuất bản L’Harmattan, Pháp (sách này tác giả đã tặng lại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch). Trong sách công bố lá thư đề ngày 18-02-1922 của Phan Chu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc. Bức thư thể hiện sự kỳ vọng của Phan Chu Trinh vào nhà cách mạng trẻ tuổi dù quan điểm và phương pháp cứu nước của hai người lúc đó khác hẳn nhau.

Thư viết: “Bấy lâu nay tôi cùng anh và anh Phan (Phan Văn Trường - TG) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi; còn tôi thì lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền đãi thời đột nội (Tạm dịch: Hoạt động ở nước ngoài, tập hợp người tài, chờ thời cơ thâm nhập vào trong nước) của anh và cả cái phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng người hủ nho hủ cựu.

Cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận anh tí nào cả, bởi vì suy ra thì tôi thấy rằng: Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói đọ gì với anh Phan. Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước tế; tôi nói thế chẳng hề đem ví anh là kẻ tử mã lục thạch (Tạm dịch: Ngựa non háu đá), thực tình từ trước tới nay, tôi chẳng khinh thị anh mà tôi còn phục anh nữa là khác. Tôi thực tình có sao nói nấy, không ton hót anh chút nào. Mấy cái việc nói qua trên kia để bọn mình ôn cố một chút, còn lần này tôi phải viết cái thơ này cho anh là tôi có cái hy vọng muốn anh nghe theo tôi mà lo cái đại sự”.

Có thể thấy, mặc dù không tán thành phương châm cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, lại biết rõ Nguyễn Ái Quốc từng phê phán phương pháp “khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của mình nhưng Phan Chu Trinh không hề giận Nguyễn Ái Quốc, người mà tuổi tác thuộc hàng con cháu ông. Đặc biệt hơn nữa, Phan Chu Trinh biết Nguyễn Ái Quốc đã chọn cứu nước theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thư ông viết: “Tôi biết anh hấp thu được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Các Mác), ông Lý Ninh (Lê-nin) nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ. Ông Mã vốn sinh trưởng trên đất Đức Ý Chí, ông bị chánh phủ tầm nã vì cái tội cách mệnh, đành lánh nạn sang nước Anh Cát Lợi. Ông ta học cái hay, cái tốt ở trên đất nước người, sau lại về Đức Ý Chí mà làm việc và lại còn nói cách mệnh dân quyền của cả thế gian là cái rốn chính ở ngay trên đất Đức Ý Chí, nên ông về đó làm việc. Ông Lý cũng bị cái chánh phủ cường quyền Nga La Tư truy nã, ông phải lánh nạn sang xứ Phất La Tây, Đức Ý Chí và Lang Sa, rồi ông lại trở về nước hô hào dân thợ, dân cày, lính tráng kết đoàn mới làm nổi cách mệnh mà dân Âu Mỹ đều bàng hoàng”. Từ đó, Phan Chu Trinh khuyên Nguyễn Ái Quốc trở về nước dùng phương pháp “khẩu thuyết vô bằng” (tức là tuyên truyền miệng, không để lại bằng chứng buộc tội) để mở mang trí tuệ người dân, tăng khí phách dân chúng, nâng cao đời sống nhân dân, sau đó tập hợp lực lượng đạp đổ cường quyền. Phan Chu Trinh cũng tin tưởng rằng, nếu Nguyễn Ái Quốc trở về nước, đi sâu vào dân chúng, thợ thuyền tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì “tôi tin không bao lâu cái chủ nghĩa của anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ”.

Trong lá thư này, Phan Chu Trinh tự đánh giá mình đã già “như con ngựa đã hết nước tế”, nên sự nghiệp cứu nước mà ông ôm ấp cả đời đều trông mong vào Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh vốn lên đường sang Pháp tìm đường cứu nước cùng một năm. Nguyễn Ái Quốc rời Bến Nhà Rồng ngày 05-6-1911, còn Phan Chu Trinh lên tàu đi Pháp trước đó, ngày 01-4-1911. Cụ Phan đi một mạch đến Pháp nên chỉ mất 27 ngày (27-4-1911). Còn Nguyễn Ái Quốc ra đi với hai bàn tay trắng, xin làm bồi bàn trên tàu vận tải nên phải đến ngày 15-7-1911 mới cập cảng Le Havre của nước Pháp. Trong suốt những năm đầu hoạt động tại Pháp, Phan Chu Trinh là người đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường cùng với Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành một “bộ tam ái quốc” luôn trăn trở ngày đêm về con đường giải phóng dân tộc. Vào tháng 11-1919, mật thám Pháp đã nhận xét về ba người như sau: “Đa số những người thông ngôn đã nhận xét về Phan Chu Trinh là một nhà cách mạng khôn khéo, Phan Văn Trường là người đã dịch tư tưởng của ông, còn Quốc thì là một nhà nho cộng sự của hai người trên, ít ai biết”. Năm 1925, Phan Chu Trinh về nước và qua đời vào năm 1926. Trong những năm tháng cuối đời, Phan Chu Trinh thường tâm sự với các chí sĩ đương thời như Lê Văn Huân, Huỳnh Thúc Kháng rằng “sự nghiệp độc lập nước nhà trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.

Cũng như đối với Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đánh giá cao và đặc biệt quý mến chí sĩ Phan Chu Trinh. Trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam”, Người nhắc đến phong trào cả nước để tang cụ Phan Chu Trinh: “Năm 1926, có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già - Phan Chu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức lễ truy điệu. Chữ “chủ nghĩa quốc gia” từ đó được nói và viết một cách công khai. Những giáo viên Pháp tìm cách ngăn cấm học sinh tham gia các cuộc mít tinh đó. Nam nữ học sinh ở nhiều trường, đặc biệt là ở Sài Gòn là nơi tổ chức đám tang, đã tuyên bố bãi khóa. 20.000 người đi theo linh cữu, mang biểu ngữ viết những khẩu hiệu có tính chất quốc gia chủ nghĩa. Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử”.

Kính trọng, quý mến, hiểu được nỗi niềm mà hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu gửi gắm đến mình nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lắng nghe hai ông một cách chọn lọc để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Con đường “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chọn lựa thực sự đã kế thừa những tinh hoa tư tưởng trong truyền thống văn hóa dân tộc, kết hợp tài tình sức mạnh của phong trào yêu nước với phong trào cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02-9-1945./.

Đại tá, PGS, TS. LÊ DUY CHƯƠNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Khánh An (st)

Bài viết khác: