“Bình Ngô đại cáo” và “Tuyên ngôn Độc lập” với lý lẽ đanh thép đã vạch rõ tội ác của giặc Minh, thực dân Pháp và thông qua đó thể hiện sự chính nghĩa của Nhà nước mới.
“Căm giặc nước thề không cùng sống”!
Trong “Bình Ngô đại cáo” viết năm 1428, Nguyễn Trãi đã thay lời Bình Định vương Lê Lợi vạch rõ tội ác của giặc Minh.
Đó là, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Đó là bọn giặc Minh đã gây ra cảnh giết chóc khi tiến sang xâm lược và đô hộ nước ta.
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - tác giả “Bình Ngô đại cáo”.
Đó là, “Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế”. Tháng 9-1406, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, tướng giặc Trương Phụ đã lừa dối và hứa hẹn sẽ bắt cha con Hồ Quý Ly, tìm con cháu họ Trần lập làm An Nam quốc vương để “rửa nỗi oan ức cho u linh dưới suối vàng, cứu dân trong nước khỏi cơn cực khổ”. Nhưng sau khi đánh bại nhà Hồ, bắt được cha con Hồ Quý Ly giải về Trung Quốc vào tháng 6-1407, Trương Phụ lại ngầm sai bọn hàng tướng người Việt mạo nhận quan lại và kỳ hào nước ta khai rằng: Con cháu họ Trần bị nhà Hồ giết hết, không còn người nào và “An Nam vốn là quận Giao Chỉ” nên xin cho nội thuộc Trung Quốc như cũ. Trương Phụ cũng tìm cách bắt bớ tông thất nhà Trần giết đi để triệt để thực hiện âm mưu đô hộ nước ta.
Đó là, “Gây binh kết oán trải hai mươi năm”. Khi nhà Hồ thất bại, tông thất nhà Trần đã liên kết lại với nhau cùng nổi lên chống lại quân xâm lược cướp nước. Tuy nhiên, dù anh dũng chiến đấu nhưng nhà Hậu Trần đã bị bọn giặc Minh dìm trong biển máu. Bên cạnh đó, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng đã liên tiếp nổ ra nhưng với quy mô nhỏ lẻ nên đã bị giặc Minh đàn áp dã man. Sách “Bình định Giao Châu lục” của nhà Minh viết: “Lúc bấy giờ từ Đông Quan về phía Đông, giặc cướp nổi lên như ong, gọi là dẹp yên chỉ có một thành Giao Châu mà thôi”. Sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét: “Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được; nhưng từ tháng 5 Đinh Hợi bắt được Hồ (chỉ cha con Hồ Quý Ly) rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, nói đến vua Trùng Quang, trong 5, 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được”. Trên thực tế, nhiều cuộc khởi nghĩa đã tồn tại đến khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, nhiều cuộc khởi nghĩa trong số này đã gia nhập vào khởi nghĩa Lam Sơn khi cuộc khởi nghĩa này phát triển khắp cả nước.
Đó là, “Nặng thuế khóa sạch không đầm núi”. Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, bọn giặc Minh đã vơ vét mang về Trung Quốc 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 13,6 triệu thạch, thuyền bè 8.670 chiếc, binh khí hơn 2,5 triệu chiếc. Sau khi áp đặt được bộ máy thống trị, chính sách thuế khóa của nhà Minh áp dụng với nước ta rất nặng nề. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời lũ hoạn quan vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình. Năm 1414, sau khi đàn áp xong nhà Hậu Trần, nhà Minh bắt dân Việt kê khai số ruộng đất trồng rau, trưng thu lương thực, tơ tằm và bắt đầu định ngạch thuế ruộng. Trên danh nghĩa thì lấy mức thu 5 thăng trên 1 mẫu như thời nhà Hồ, nhưng bắt dân tự khai khống 1 mẫu thành 3 mẫu để thu 3 phần thuế. Do đó trên thực tế mức thu cao gấp 3 lần nhà Hồ. Ngoài thuế ruộng, còn nhiều loại thuế thủ công nghiệp và thương mại. Hàng loạt Ty Thuế khóa, Ty Hà bạc, Ty tuần kiểm được đặt ra để tận thu.
Tổng kết lại tội ác của giặc, Nguyễn Trãi đã viết rằng: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Đối với nhân dân ta, tội ác của giặc Minh trong 20 năm lớn đến mức không thể nào ghi hết và nhân dân ta cũng chẳng bao giờ lãng quên những tội ác đó. Bởi vậy, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi khẳng định: “Lẽ nào trời đất dung tha/ Ai bảo thần dân chịu được?” và ông chỉ rõ bản thân Lê Lợi cũng luôn tâm niệm rằng: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống”.
Bởi vậy, việc Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa là đã “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Nhân nghĩa là cội nguồn của cuộc sống. Có nhân nghĩa thì thành công, không nhân nghĩa thì thất bại. Bọn giặc Minh xâm lược đã: “Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời” (“Bình Ngô đại cáo”). Cho nên, “Lam Sơn thực lục” cho biết, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, “nhân dân chẳng ai là không vui mừng, tranh nhau đem trâu, rượu ra đón khao dùng vào quân dụng”. Khi nghĩa quân Lam Sơn cho một bộ phận đột nhiên quay trở lại đánh úp Tây Đô thì nhân dân Thanh Hóa đều thi nhau đến cửa quân, xin hăng hái ra sức để mưu báo đền. “Lam Sơn thực lục” cho biết thêm nữa, khi tiến ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn được nhân dân các lộ Đông kinh cùng phiên trấn các xứ hân hoan, tranh nhau đem bò, dê, lương thực đến để khao tướng sĩ. Cuối năm 1426, khi quân của Lê Lợi tiến ra vây thành Đông Đô thì: “Trong ba ngày đầu, nhân dân kinh lộ và các phủ châu huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập đến cửa quân, xin ra sức liều chết để đánh thành giặc các nơi”. Kết quả là sau 10 năm chiến đấu, trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã tiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi đã đánh thắng quân cứu viện của giặc Minh, Lê Lợi đã mở đường hiếu sinh cho chúng. “Bình Ngô đại cáo” viết: “Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng/ Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/ Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho 500 chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”. Việc tổ chức Hội thề Đông Quan, để cho Vương Thông rút quân về nước là một cách “đánh vào lòng người” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã đưa ra lý do là: “Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức/ Chẳng những mưu kế kỳ diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay”. Bởi lúc đó, thế ta đã thắng hoàn toàn nên việc không tiêu diệt đạo quân Vương Thông “đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng” không chỉ giúp “dập tắt muôn đời chiến tranh”, “mở ra muôn thuở thái bình”, đỡ hao tổn thêm xương máu của quân dân ta mà còn cho nhân dân ta và triều đình nhà Minh thấy được lòng nhân nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.
Thực thi “Bản án” với chế độ thực dân Pháp!
Cách đây 73 năm, vào ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
Đầu tiên, “Tuyên ngôn Độc lập” vạch mặt thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Về chính trị, thực dân Pháp “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.
Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh tư liệu.
“Tuyên ngôn Độc lập” cũng đã trực tiếp nói tới sự bóc lột của bọn thực dân Pháp về kinh tế đối với nhân dân Việt Nam ta như sau: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Dơ bẩn hơn là vào “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
“Tuyên ngôn Độc lập” còn chỉ rõ thực dân Pháp cũng đã tàn nhẫn khi khủng bố Việt Minh, một lực lượng yêu nước chống phát xít Nhật và đã tuyên bố đứng về phe Đồng Minh chống phát xít. “Tuyên ngôn Độc lập” viết: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
Mặc dù thực dân Pháp đối xử vô nhân đạo đối với nhân dân ta nhưng cách mạng vẫn hết lòng cứu giúp những người Pháp khỏi tay phát xít Nhật. “Tuyên ngôn Độc lập” viết: “Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Sự nhân nghĩa đối với kẻ thù là đỉnh cao của sự chính nghĩa của cách mạng Việt Nam và cũng là thế chính nghĩa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể nói, “Tuyên ngôn Độc lập” là bản án xét xử chính thức “chế độ thực dân Pháp” đã gây khổ đau cho dân tộc Việt Nam suốt hơn 80 năm. Bởi vậy, thông qua “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố nước ta đã “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” và kêu gọi “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”./.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Khánh An (st)