Lắng nghe - một kỹ năng tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng làm được. Thực tế không ít người, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện chủ quan, duy ý chí, phớt lờ trước những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, của người dân; cực đoan, bảo thủ không chịu lắng nghe cả những lời nói phải, đánh mất đi sự sáng suốt cần thiết…
Những bài học từ lịch sử
Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII của Đảng khi nhìn nhận những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã chỉ ra một biểu hiện nguy hiểm: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”. Trong biểu hiện trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Đảng ta rất lo ngại, cảnh báo về “bệnh” không chịu lắng nghe.
Đối với dân tộc Việt Nam, cha ông ta từng rút ra nhiều bài học sâu sắc. Các nhà cách mạng tiền bối thì chỉ rõ trong nhiều tác phẩm lý luận.
Lịch sử dân tộc còn ghi chuyện thời Trần Dụ Tông, triều chính, đất nước rối ren. Vua ham mê tửu sắc, trong triều gian thần liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc, người dân đói khổ. Thầy giáo Chu Văn An, Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám đã viết Thất trảm sớ dâng vua đề xuất chém 7 tên gian thần. Tuy vua phớt lờ, không trả lời nhưng như nhà sử học Lê Tung ở thế kỷ 15 nhận xét: "Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn" (tức Tờ sớ thất trảm, nghĩa khí động trời đất), đã để lại những bài học đắt giá khi sau này nhà Trần suy tàn, có nguyên nhân do không biết lắng nghe những lời nói phải. Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng lớn của dân tộc ta từ thế kỷ 15 đã phân tích nguyên nhân khiến triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh".
Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn
Nhà cách mạng kiệt xuất V.I.Lê-nin ngay từ những ngày đầu trên cương vị lãnh đạo chính quyền cách mạng non trẻ đã cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm của những người cộng sản có liên quan đến việc lắng nghe. Đó là căn bệnh kiêu ngạo cộng sản. Bệnh kiêu ngạo cộng sản làm cán bộ quan liêu, không chịu lắng nghe, dẫn đến ấu trĩ tả khuynh. Chính V.I.Lê-nin cũng từng rất khó khăn khi thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP). Trong bức thư bí mật gửi Đại hội XV của Đảng Cộng sản (b) toàn Liên Xô được công bố sau này, V.I.Lê-nin thẳng thắn chỉ ra sự quan liêu, hành chính hóa và ít lắng nghe của một số cán bộ cấp cao. Theo PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá: Tiếc là nhiều nội dung quan trọng góp ý ấy đã không được tiếp thu khiến nạn lạm dụng quyền lực ngày càng phổ biến, kéo dài nhiều nhiệm kỳ tiếp theo làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng suy yếu, đúng như cảnh báo của V.I.Lê-nin từ năm 1922: “… Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó...”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta luôn là một tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần dân, trọng dân, luôn chân thành lắng nghe và giải quyết kịp thời mọi ý kiến của nhân dân. Với Bác, sự lắng nghe không chỉ là đòi hỏi thường ngày trong mỗi công việc mà càng được coi trọng trong những sự việc khó khăn, phức tạp, thậm chí cả những thất bại cũng không né tránh. Theo sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 6 (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008), vào khoảng tháng 4-1956, tại một cuộc họp Bộ Chính trị, như thường lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói mọi người hãy làm một tour d'horizon (nhìn quanh chân trời), xem tình hình thế giới, trong nước ra sao, ai biết gì cứ nói. Đây là một cách lắng nghe ý kiến hết sức dân chủ mà Người thường làm. Khi nghe một đồng chí nói về cải cách ruộng đất “... Có nên xem lại không?”, Người đã yêu cầu phải kiểm tra kỹ việc thực hiện cải cách ruộng đất. Chỉ mấy ngày sau, các báo cáo gửi về phản ánh nhiều sai lầm nghiêm trọng. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 mở rộng (9-1956), từ việc chỉ ra và phân tích những sai lầm trong quá trình thực hiện, Đảng ta đã có những chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm, mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Bệnh” nặng cần chữa
Đúng như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII chỉ ra, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác bắt nguồn từ sự duy ý chí, bảo thủ. Biểu hiện của người không biết lắng nghe, như các nhà tâm lý học chỉ ra không chỉ ở chỗ ít ghi nhận, tiếp thu ý kiến người khác mà còn thể hiện ở thái độ bàng quan, vô cảm, thiếu thân thiện, luôn áp đặt ý kiến cá nhân mình, luôn phê bình, bác bỏ ý kiến người khác, nhất là những ý kiến phản biện. Biểu hiện xấu hơn của căn bệnh không biết lắng nghe dẫn đến quan liêu, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cấp dưới và của nhân dân. Từ đó, dẫn đến xa dân, trở thành những ông “quan cách mạng” như Bác Hồ từng cảnh báo.
Tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn quốc tổ chức vào tháng 5-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã phải triệu tập lãnh đạo 27 địa phương có khiếu kiện đông người, phức tạp để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý. Một trong những nguyên nhân được tìm ra chính là do cán bộ xa dân, ít tiếp xúc, lắng nghe nhân dân. Thủ tướng cho biết có lần đi thực tế xử lý một vụ việc, xuống gặp hỏi người dân có biết mặt chủ tịch UBND huyện hay không thì người dân trả lời "chưa từng gặp chủ tịch UBND huyện này". Cách đây chưa lâu, có đại biểu Quốc hội từng nêu thực tế cử tri phản ánh có nơi 6 tháng liền chủ tịch UBND huyện không tiếp dân theo quy định.
Với phong cách gần dân, trong vòng 10 năm (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… Bác đi từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi năm Bác xuống với cơ sở 60 lượt. Thế nhưng ngày nay, chúng ta thật đau xót khi bắt gặp những câu chuyện có Bộ trưởng có năm đi nước ngoài tới hơn 160 ngày mà lại rất ít đi cơ sở trong nước, rất ít gần gũi cán bộ cấp dưới và nhân dân. Ít đi cơ sở, thì làm sao lắng nghe được tiếng nói từ cơ sở.
Một biểu hiện đáng buồn nữa hiện nay là có không ít cán bộ quan liêu đến mức không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn kiến nghị của nhân dân. Thậm chí, có người còn thản nhiên đặt cho mình thói quen “số lạ tôi không bao giờ nghe” trong khi được Nhà nước trả tiền cước điện thoại từ thuế của nhân dân. Có thể với nhiều cán bộ lãnh đạo ở vị trí cấp cao, khó có thể trực tiếp nhắn tin, trả lời hết các cuộc gọi, nhưng cũng không thể quan liêu, vô cảm tới mức cứ số điện thoại lạ là không nghe thì làm sao có thể có được những kênh thông tin phong phú từ nhân dân.
Không biết lắng nghe không chỉ thể hiện ở cấp trên quan liêu không nghe cấp dưới mà còn có nhiều điều đáng cảnh báo ở hiện tượng trên nóng dưới lạnh, “trên bảo dưới không nghe”, tình trạng bảo thủ phớt lờ cả sự thật và chân lý, đi ngược với điều cha ông ta đã dạy “nói phải củ cải cũng phải nghe”. Cùng với tình trạng thiếu chấp hành kỷ cương pháp luật, lạm quyền vì lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ các cấp, việc "trên bảo dưới không nghe" và nhiều trường hợp "dưới nói trên cũng không nghe" đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương pháp luật và tính liêm chính của chính quyền các cấp.
Trong một lần phát biểu chỉ đạo về công tác dân vận gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phê phán thực tế tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Một số cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành có biểu hiện tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng… Trong khi ở không ít nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng.
Những phương thuốc đặc trị
Để không còn những hiện tượng cán bộ xa dân, không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi lắng nghe là một kỹ năng, phương pháp không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành". Trên cơ sở ý thức được sự cần thiết của việc lắng nghe, cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho được phong cách làm việc gần dân, trọng dân, bám sát cơ sở và thực tiễn, tôn trọng các quy luật khách quan, không được quan liêu, hành chính hóa, mệnh lệnh hóa trong công tác. Nói một cách đơn giản thì cán bộ phải làm sao thực hiện cho được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Theo TS. Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, cũng cần phải có cơ chế để luật hóa những quy định về việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác đối với cán bộ, công chức. Khi có luật rồi, áp dụng phải thật nghiêm, nâng cao trách nhiệm hoạt động thanh tra công vụ. Mặt khác, không nên chỉ dừng lại ở mức độ hô hào, kêu gọi lương tâm của công chức mà cần đưa vào quá trình hoạt động công vụ những giải pháp, những biện pháp kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức, dù muốn hay không muốn vẫn phải tuân thủ chấp hành như áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Trong guồng máy vận hành theo hệ thống như vậy, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, không làm đúng quy chế cam kết sẽ bị loại ra lập tức. Mặt khác, cần phát huy tốt hơn vai trò giám sát của nhân dân một cách khoa học, thông qua điều tra, khảo sát về sự hài lòng của công dân đối với các cơ quan công quyền như mô hình cơ chế giám sát của xã hội đối với quan chức ở Anh. Hệ thống giám sát bao gồm công chúng, phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội, mạng lưới giám sát xã hội. Có tới 24 mạng lưới thông tin về chất lượng phục vụ của công chức.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Một số mô hình, cách làm hiệu quả cần được nhân rộng và phát huy, như các kênh thông tin “Lắng nghe và trao đổi”, truyền thanh trực tiếp “đối thoại cùng chính quyền thành phố” ở Thành phố Hồ Chí Minh; “dân chấm điểm cơ quan công quyền” ở Quảng Bình; đường dây nóng, cổng thông tin điện tử giải quyết kiến nghị của nhân dân, camera công vụ… Phải có cơ chế thật sự hiệu quả để người dân góp ý, hiến kế cũng như bày tỏ các bức xúc, thắc mắc và tham gia giám sát…
Tin tưởng rằng nếu như chúng ta sớm tạo ra những thay đổi từ sự lắng nghe thì sẽ có nhiều chuyển động mạnh mẽ trong bộ máy, để mỗi cán bộ ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là công bộc của dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước càng tốt hơn và bộ máy công quyền hoạt động ngày càng hiệu lực và hiệu quả hơn.
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đàm Anh (st)