1. Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2018.
Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã được quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên.
Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên (quy định cũ là 05 năm trở lên).
Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học (quy định cũ là 03 năm trở lên); từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp (quy định cũ là 05 năm trở lên).
- Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
2.Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2018.
Theo đó, với các đối tượng là người có công với cách mạng đang định cư tại nước ngoài, được quy định cụ thể tại nghị định nêu trên sẽ được trợ cấp 4.000.000 đồng đối với người đủ 2 năm công tác trở xuống. Với người từ trên 2 năm thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng.
Trường hợp đã mất trước ngày nghị định có hiệu lực thì thân nhân được nhận trợ cấp một lần 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, các đối tượng trên, kể từ tháng về nước định cư:
- Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối tượng người có công với cách mạng, cựu chiến;
- Khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
3. Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2018.
Quyết định này quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quyết định này không áp dụng đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng trên, liên quan đến hoạt động gửi, nhận văn bản với các bộ, ngành, địa phương, nếu đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để áp dụng, được thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
Văn bản điện tử sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký ban hành, ký số theo quy định của pháp luật và gửi đến Bên nhận thông qua các hệ thống quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông với nhau. Bên gửi có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, bảo đảm văn bản điện tử được gửi đến đúng Bên nhận. Trường hợp thu hồi văn bản điện tử, Bên gửi phải thông báo trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho Bên nhận biết để xử lý văn bản điện tử được thu hồi.
4. Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 06/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2018.
Thông tư quy định như sau:
- Bộ Tài chính có trách nhiệm khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ công tác lập kế hoạch (ngắn hạn, dài hạn), công tác chỉ đạo, điều hành, báo cáo, phân tích dự báo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan.
Cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương; Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm việc nhập, duyệt, chuẩn hoá dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính, bảo đảm tính bảo mật của dữ liệu.
Về khai thác, sử dụng thông tin, Bộ được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc (nếu có) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thu Hiền (tổng hợp)