Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) được biết đến với vai trò là nhân chứng lịch sử trong những ngày bà cùng đồng đội chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cũng như những kỷ niệm trong thời gian bà làm cận vệ của Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm của “thời thanh xuân sôi nổi” mà bà không bao giờ quên trong đời dù khi tôi gặp, bà đã khá cao tuổi.
Bà Bích Thuận (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Bác Hồ. Ảnh: Tư liệu
Lấy vải thờ may cờ Tổ quốc
Tôi được tiếp cận Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận sau lần gặp phỏng vấn ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương và được ông giới thiệu năm 2016. Nhà nữ Đại tá chỉ cách nhà ông Vũ Oanh vài nhà. Khi gặp bà, tôi hơi ngạc nhiên bởi dù đã ở tuổi 95 nhưng Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn còn rất khỏe mạnh, giọng bà sang sảng, nhất là khi kể về quãng thời gian tham gia cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận sinh năm 1922, trong một gia đình công nhân viên chức nghèo ở Lãng Yên, nay là phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mẹ mất sớm, cô bé Thuận hồi nhỏ được nuôi dạy trong sự thương yêu của bà nội và bố. Cuối năm 1944, bà tham gia Mặt trận Việt Minh. Bà sinh hoạt ở tổ Việt Minh cùng với các đồng chí Hà Giang, Hoàng Mười... Bà nhiệt tình trong mọi hoạt động như tuyên truyền kết nạp hội viên, bán tín phiếu lấy tiền xây dựng quỹ cho tổ chức, dự mít tinh, thành viên của tổ chức Phụ nữ thành Hoàng Diệu...
Tháng 7/1945, Hà Nội đang sục sôi trong không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, bà Thuận được vận động may một lá cờ, để treo trên đỉnh Tháp Rùa đúng vào ngày Chính phủ Trần Trọng Kim treo cờ quẻ ly (quốc kỳ của Chính phủ Trần Trọng Kim).
Tình hình lúc đó rất rối ren, muốn làm được cờ thì phải có vải đỏ, vải vàng, nhưng nếu ra chợ mua những loại vải này rất dễ bị lộ thân thế, điều ấy khiến bà trằn trọc mất ngủ nhiều đêm. Trong một tối mất ngủ, bà ngước lên bàn thờ gia tiên, trên ngai thờ tổ của gia đình có phủ một mảnh vải đỏ, tươi màu. Ngay lập tức, bà đã đi đến một quyết định: Cắt tấm vải đỏ để may cờ. Nền lá cờ hình chữ nhật khoảng 40x50cm. Phần vải còn lại bà đặt lên ngai thờ. Bà lại tìm được vải vàng, cắt thành ngôi sao gắn vào tấm vải đỏ, thành lá cờ.
Lá cờ đỏ sao vàng ấy đã lọt qua sự canh phòng cẩn mật quân Nhật, tung bay trên đỉnh Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm theo đúng kế hoạch, gây hoang mang trong hàng ngũ của địch, đồng thời, có tác động rất lớn đến tinh thần các tầng lớp nhân dân đang sục sôi, chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa. Cho đến sau này, bà vẫn luôn tâm niệm rằng: “Nếu có biết, chắc bố tôi hiểu việc tôi làm”. Bà phấn khởi, tự hào vì đã đóng góp một phần bé nhỏ vào sự hiện diện vẻ vang của lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Thủ đô Hà Nội trước sự canh phòng cẩn mật của quân Nhật.
73 năm đã trôi qua, nhưng bà Bích Thuận không thể nào quên được buổi sáng mùa Thu 02/9/1945 đã đi vào lịch sử ấy. Buổi sáng đó, hòa cùng không khí sôi sục khí thế cách mạng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bà được vinh dự đi trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về Quảng trường Ba Đình dự Lễ Độc lập 02/9. Khi thấy Bác trên lễ đài, bà không nén nổi xúc động, tự dưng trong lòng trào dâng niềm tin mãnh liệt: “Cách mạng nhất định thành công”, bà Thuận tâm sự. Thật bất ngờ, một khoảng thời gian sau đó, bà vinh hạnh được tham gia bảo vệ Người. Tháng 10-1945, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nữ cận vệ bảo vệ Bác Hồ
Sau thời gian hoạt động cách mạng, bà Thuận được cấp trên cử đi học Trường Đại học Y Dược. Năm 1961, bà Thuận là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Dược với tấm bằng đỏ chuyên ngành Hóa độc chất. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn bố trí đưa bà sang Liên Xô học các phương pháp bảo vệ lãnh tụ. Trở về nước, bà Thuận được phân công công tác tại Cục Cảnh vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác.
Nhận nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ mà mình vô cùng kính yêu, bà Bích Thuận vừa mừng vừa lo. Bà luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm trách công việc sao cho tốt nhất. “Tất cả thực phẩm Bác dùng, tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng. Khi phát hiện thức ăn của Bác không bảo đảm, tôi kiên quyết yêu cầu thay. Thư, quà gửi đến Bác cũng được kiểm tra tỉ mỉ. Tôi còn kiểm tra xe ô tô và lốp xe trước khi Bác lên xe. Nơi nào Bác đến cũng được rà soát nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn” - Bà Bích Thuận bộc bạch.
Từ khi nhận nhiệm vụ tham gia trong Đội cận vệ bảo vệ Bác cho đến lúc Bác Hồ mất, bà được tháp tùng Bác đi nhiều nơi, chuyến đi nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Ấn tượng khó quên nhất về Bác với bà là sự giản dị, gần gũi, là tình cảm ấm áp của người cha già đối với con cháu, với nhân dân. Được sống và làm việc gần Bác Hồ, bà Bích Thuận luôn được Bác động viên, dạy bảo, nhất là trong công tác. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành. Bà kể lại kỷ niệm có dịp được Bác bảo ngồi ăn cơm cùng và được khuyên bảo như một người cha. “Biết tôi đi học ở Liên Xô về, Bác dặn, học ở nước ngoài nhiều cái hay, nhưng không nên bắt chước một cách rập khuôn, mà phải tùy tình hình thực tế mà áp dụng cho phù hợp” - Bà Bích Thuận trải lòng.
Gần 10 năm được đi theo bảo vệ Bác, với biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Sau này, bà vẫn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác, bởi bà luôn tâm niệm: Phải làm đúng theo lời Bác dạy và mỗi thế hệ đi trước, phải có trách nhiệm nêu gương sáng cho các thế hệ sau.
Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà còn làm tròn trách nhiệm của phu nhân đồng chí Lê Văn Lương - vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bà đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Về hưu nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác ở khu phố.
Mùa Xuân 2018, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo quy luật của tạo hóa. Sự ra đi của bà để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho những người được làm việc cùng bà, cũng như với những người đã gặp bà.
Thanh Nguyên
Theo Báo Biên phòng
Đàm Anh (st)