Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng không chỉ thăng hoa trong nghiệp võ, với nghiệp văn - trong thời kỳ dạy học tại Hà Nội, ông luôn có những luận bàn hết sức sâu sắc về giáo dục, về người thầy, nghề giáo và những đường hướng cho một cuộc chấn hưng giáo dục.

Người thầy - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục

Đại tướng Võ Nguyên Giáp người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm trọng trách Tổng Tư lệnh vào năm 1945 và phong Đại tướng cho ông vào năm 1948. Khi chiến tranh đã lùi xa, người đời vẫn thường gọi ông là “Tướng Giáp”, nhà chỉ huy, nhà lý luận quân sự xuất sắc của Việt Nam. Nhưng không chỉ thành công trong nghiệp võ, mà với nghiệp văn, khi là Giáo sư trường Thăng Long, được Đảng phân công phụ trách Ban dạy học của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938) hay ở cương vị chỉ đạo công tác khoa học - giáo dục (1981-1985), người thầy Võ Nguyên Giáp đã có tư tưởng sâu sắc về giáo dục.

Tác phẩm “Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục” và bài viết tâm huyết “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”, đã ghi lại nhiều ý kiến đặc sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập đến vấn đề phát triển khoa học - giáo dục Việt Nam. Nói về vị trí của người giáo viên, đội ngũ giáo viên của chế độ mới ngay từ năm 1986, ông đã lưu ý: “Trong công tác giáo dục đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục là nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục”.

Chúng ta cần có kế hoạch và quy hoạch bồi dưỡng kịp thời đội ngũ giáo viên đương chức, đồng thời tiến hành thật tốt và khẩn trương cải cách công tác sư phạm để sớm có đội ngũ giáo viên đồng bộ, có đủ phẩm chất, có năng lực, tạo điều kiện phát huy tài năng sáng tạo của anh chị em, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển mới ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với việc bồi dưỡng trình độ văn hóa, khoa học và năng lực giảng dạy, nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, cần chú ý thích đáng tới việc bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, lòng say mê thiết tha yêu nghề, năng lực và kết hợp nhà trường với cơ sở sản xuất của địa phương và khả năng vận dụng tri thức và kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Cần sớm hoàn thành và thực hiện tốt các chủ trương tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục.

Trong công tác củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, cần chú trọng khai thác và sử dụng một cách hợp lý lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ giảng dạy ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật ở địa phương vào việc giảng dạy về lao động kỹ thuật, hướng nghiệp và dạy nghề.

Sớm hoàn thiện chương trình giáo dục theo mục tiêu đào tạo, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Đặc biệt chú ý tinh giản chương trình làm sao cho nội dung dạy và học vừa thiết thực trước mắt vừa tính đến sự phát triển tương lai, bảo đảm các yêu cầu phổ thông cơ bản, hiện đại, Việt Nam phát huy được óc sáng tạo và năng lực vận dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn của học sinh; đồng thời đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp, dạy kỹ thuật tổng hợp, dạy nghề.

Bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục là điều kiện rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, nhiều địa phương đã nhanh chóng xây dựng được “trường ra trường, lớp ra lớp”, xây dựng được các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, các trung tâm thí nghiệm, thực hành.

Trước mắt, chính quyền các cấp, đặc biệt là phường, xã, cần tập trung lực lượng xây dựng phòng học cho trường phổ thông cơ sở, chính quyền cấp quận, huyện phải ra sức chăm lo cho các trường phổ thông trung học có đầy đủ cơ sở thí nghiệm, hướng nghiệp, học nghề và thực hành sản xuất. Ngành Giáo dục cùng với địa phương cần có kế hoạch từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục. Từng bước đưa các phương tiện kỹ thuật hiện đại kể cả máy tính điện tử và sử dụng rộng rãi các phương tiện thông tin đại chúng vào công tác giáo dục trong nhà trường cũng như ngoài xã hội.

Vấn đề chăm lo đời sống giáo viên, trong hoàn cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đảng và Nhà nước tuy đã hết sức quan tâm, nhưng do điều kiện khó khăn về kinh tế, nên những chế độ chính sách đã ban hành cũng chưa cải thiện được bao nhiêu đời sống của giáo viên. Vì vậy, ngành Giáo dục phải cùng với các địa phương cần phải có biện pháp tích cực chăm lo, giúp đỡ các thầy giáo, cô giáo tăng thêm thu nhập một cách chính đáng. Nhà trường cần đặc biệt chú ý nghiên cứu những hình thức thích hợp để tổ chức sản xuất cải thiện đời sống.

Nhận thức đúng sức mạnh của giáo dục

Tháng 9/2007, khi đề cập đến các nhiệm vụ cấp bách của công cuộc đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lưu ý: “Đào tạo đội ngũ thầy giáo có trình độ quốc tế là vấn đề quyết định để đổi mới, hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. Coi trọng việc lựa chọn đúng cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chức Bộ trưởng, Hiệu trưởng các trường đại học lớn và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Những cán bộ ấy phải là những người có tâm và có tầm, có phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ năng động, sáng tạo, không bảo thủ, giáo điều, có uy tín, có cách làm việc tập hợp được nhân tài, phát huy được trí tuệ của chuyên gia giỏi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục”.

Nói về mối quan hệ giữa việc tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao - giảng viên đại học - tác động đến chất lượng phổ thông và dạy nghề, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của cấp đại học. Nâng cao chất lượng cấp đại học là cơ sở để nâng cao chất lượng cấp trung học phổ thông và dạy nghề”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tha thiết với công cuộc chấn hưng giáo dục. Ông thường nhắc nhở các cấp có thẩm quyền và những người có trách nhiệm của ngành Giáo dục nhận thức đúng sức mạnh của giáo dục. Theo ông, giáo dục là mục đích của cuộc sống, vì con người, vì cuộc sống, không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà còn có sức mạnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần thúc đẩy phát triển sự tiến bộ cả xã hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở: “Mục tiêu cao nhất của giáo dục là chuẩn bị những người chủ hiện tại và tương lai của xã hội, những người sẽ quyết định vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo

Nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục

Theo Tạp chí mặt trận

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: