Trong những thời khắc lịch sử đặc biệt, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn gắn liền với con số 9 một cách rất tự nhiên.
Nhà thơ, nhà báo Kim Quốc Hoa vừa tặng tôi cuốn sách “Trong mắt người già”. Cuốn sách thật hay, dù chỉ là thông tin, bình luận ngắn, nhưng rất bổ ích, tăng thêm kiến thức cho người già.
Trong bài “Kỳ lạ con số 9”, trang 11 và 12 đã “bắt” tôi phải đọc đi đọc lại: “Trong dãy số tự nhiên, con số 9 là số cuối cùng, số lớn nhất. Trong tâm thức của số đông xưa và nay ở nước ta, sự ngưỡng mộ, lựa chọn con số 9 như một “báu vật” để gửi gắm vào đó niềm tin, hy vọng.
Thời @, một bộ phận lớp trẻ, doanh nhân, quan chức sùng bái con số 9 như một cách “chơi”. Người ta có thể bỏ ra cả tỷ đồng chỉ để mua một sim điện thoại có 8-9 con số 9. Tương tự, nếu biển xe có nhiều con số 9 người ta sẵn sàng mua với giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Còn vàng thì loại có giá trị nhất là vàng 9999. Trong các siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu (cả ở nước ngoài) thường trưng bảng giá sản phẩm có đuôi con số 9 (99k, 289k,499k, 1299k…).
Con số 9 có đặc điểm kì lạ là bất kỳ dãy số nào nhân với 9 đem cộng lại cũng cho kết quả cuối cùng là 9. Ví dụ: 4 x 9 = 36 (3 + 6 = 9); 9 x 9 = 81 (8 + 1 = 9); 54 x 9 = 486 (4 + 8 + 6 =18 và 1 + 8 = 9)…
Trong tôn giáo và tâm linh, con số 9 được vận dụng ở nhiều lĩnh vực. Trước hết là xây dựng chùa, Phật giáo thường lấy con số 9 làm căn cứ để đặt số cột chùa chính. Hầu hết các chùa cổ ở miền Bắc có 18 cột, 27 cột, 36 cột, 45 cột… Nhiều chùa sắp đặt 9 ban thờ. Tại cố đô Huế, ngoài sân rồng đặt 9 đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh). Tôn giáo quan niệm con người về nước thiên đàng phải vượt qua cửu trùng (9 tầng mây), chết đi bị đày dưới 9 địa ngục (hoặc về nơi 9 suối). Nhà vua kén rể thách lễ voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao…
Trong cơ thể con người, tạo hóa sinh ra cũng có nhiều hình thái ứng vào con số 9. Các cơ quan trong cơ thể luôn tiết ra 9 loại nước, dịch. Còn theo Đông y, cơ thể con người có 9 chân khí tiên thiên: Thận khí, phế khí, can khí, tì khí, tâm khí, huyệt khí, tạng khí, dương khí và âm khí…”.
Đọc bài của Kim Quốc Hoa, tôi lại nhớ đến cuộc trò chuyện với Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) sau ngày Bác Hồ đi xa mới 3 tháng. Nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài TNVN nhắc chúng tôi cố gắng suy nghĩ để viết một trường ca thơ, hoặc một giao hưởng hợp xướng nhiều chương về những con số 9 rất tự nhiên mà kỳ diệu của Bác Hồ.
Sự diễn giải của ông Trần Lâm làm cho chúng tôi đầy lý thú và cũng thấy thật kỳ lạ: “Bác Hồ của chúng ta sinh ngày 19/5/1890 ở thế kỷ 19 (XIX), cộng lại có 4 số 9. Ngày 02/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, cộng lại có 3 số 9. Người đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 19/12/1946 (cộng lại có 3 số 9) với câu nói nổi tiếng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (đúng 19 từ).
Trước khi về tiếp quản Thủ Đô Hà Nội, tại đền Giếng ở Khu Di tích Đền Hùng, Hồ Chủ tịch căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong và Trung đoàn 57 rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói lịch sử này Bác nói vào ngày 19/9/1954 (cộng lại có 4 số 9). Bác Hồ từ trần vào lúc 9h47 ngày 02/9/1969, thọ 79 tuổi.
Đặc biệt trong Di chúc của Người, có đoạn văn Bác viết rất xúc động: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Cả đoạn viết này cũng đúng 79 từ (ứng với 79 tuổi thọ của Bác).
Trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngày 17/7/1966 Bác nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói bất hủ ấy đủ 9 từ.
Ai đã từng vào Lăng viếng Bác Hồ, hẳn còn nhớ dòng chữ này khi ta bước vào Lăng. Ngay tên của Người là Hồ Chí Minh cũng đủ 9 âm tiết. Nếu ta lấy ngày và tháng sinh của Người cộng lại (19 + 5 = 24) con số 24 này đúng với số năm trên cương vị Chủ tịch Nước của Người (1945 - 1969).
Và một sự trùng hợp kỳ lạ và linh thiêng là ngày 02/9/1945 là ngày lịch sử trọng đại nhất của đất nước, thì cũng là ngày Bác về với tổ tiên, về với thế giới người hiền 02/9/1969. Người đã để lại muôn vàn tình thân thương cho toàn dân, toàn Đảng. Đúng là ít người để ý nhưng hết sức thú vị, đó là trong những thời khắc lịch sử đặc biệt, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn gắn liền với con số 9 một cách rất tự nhiên”.
Tiếc thay, điều mà ông Trần Lâm đề nghị, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi lỗi hẹn với người Tổng Biên tập đầu tiên của Đài TNVN, một nhà báo tài ba trong lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình Việt Nam (ông đã đi xa). Biết đâu đây là một thông tin, một gợi ý để các nhà thơ, các nhạc sĩ, bằng hàm lượng chất xám của mình, tiếp tục viết nên những trường ca, những giao hưởng, hợp xướng về những con số 9 của lãnh tụ Hồ Chí Minh./.
Nhạc sĩ Dân Huyền
Theo Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam
Bích Hồng (st)