Quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) chỉ ra là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây hại trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do vậy, nhận diện căn bệnh này và tìm cách khắc phục nó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, giải quyết mối quan hệ cốt lõi và mật thiết giữa dân với Đảng. Chính quá trình đó cũng đã xây dựng nên quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân; trong đó, cán bộ, đảng viên của Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cũng vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người cán bộ, đảng viên là phải giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với nhân dân. Chỉ có như vậy, cán bộ, đảng viên mới học hỏi được nhân dân, được nhân dân yêu quý, đùm bọc, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, bảo đảm cho Đảng ta thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngược lại, nếu quan liêu, xa rời quần chúng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, làm cho cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo và càng không làm tròn “sứ mệnh” là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết mối quan hệ này ở không ít cán bộ, đảng viên, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng - một căn bệnh hết sức nguy hiểm trong nội bộ Đảng.
Biểu hiện của “căn bệnh” này được thể hiện ở cả suy nghĩ, thái độ, hành vi và việc làm cụ thể ở một số cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) đánh giá: Thời gian qua, có những cán bộ thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, v.v. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đó còn là thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân; thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,… dẫn đến thất bại.
Căn bệnh nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân; chưa nhận thức và giải quyết thấu đáo quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ, đảng viên, tuy nhận thức đúng vấn đề, thấy rõ những nguy hại của căn bệnh đó, nhưng do thiếu bản lĩnh và sự rèn luyện thường xuyên, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực ở các cấp còn thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh nạn chạy chức, chạy quyền, tham ô, lợi ích nhóm, thậm chí tự cho phép mình cái quyền “làm quan cách mạng”, đứng trên nhân dân,… cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng.
Để khắc phục căn bệnh trầm kha này, hơn lúc nào hết, các tổ chức đảng, mà trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, đối với các tổ chức đảng, trực tiếp là các chi bộ đảng phải thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ đảng viên. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu. Các tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư cách đạo đức người cán bộ cách mạng, về bổn phận của người cán bộ trước nhân dân. Đồng thời, quán triệt, nhận thức sâu sắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân; nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.Trên cơ sở đó, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong tư tưởng, nhận thức và hành động. Thời gian qua, ở một số tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp chi bộ, việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên còn bị buông lỏng, nhất là trong khâu nhận xét, đánh giá, kiểm điểm cán bộ, đảng viên còn biểu hiện dĩ hòa vi quý, e dè, nể nang, “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc không đề cập đến, thậm chí xem nhẹ, cho qua những biểu hiện của “căn bệnh xa dân”. Vì thế, hơn lúc nào hết, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Điều lệ Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quy trình về công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đặc biệt, làm tốt công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ có tài, có đức, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân; lấy sự tín nhiệm của quần chúng để đánh giá và quy hoạch cán bộ, không để những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội thực dụng chui vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, khắc phục bệnh xa dân từ gốc rễ. Cùng với đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa và thực hiện đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết 25-NQ/TƯ ngày 03-6-2013 “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Kết luận 120-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 07-01-2016 “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Hai là, thực hiện tốt việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong giải quyết mối quan hệ với nhân dân, phục vụ nhân dân. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu sâu sắc và thực hiện tốt việc tự phê bình phải đi đôi với phê bình; phê bình đồng chí, đồng đội để giúp nhau sửa chữa tiến bộ, để bồi bổ tư cách, không che giấu khuyết điểm, không “làm qua quýt cho xong”, “làm chiếu lệ”, hoặc cho rằng “đó là việc nhỏ, không quan trọng” mà phải thực sự mạnh dạn chỉ cho nhau những hạn chế, khuyết điểm trong quan hệ với nhân dân cả khi làm việc ở cơ quan cũng như khi sinh hoạt ở nơi cư trú. Thông qua đó, kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, hay thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phê phán các biểu hiện mị dân, lợi dụng việc gần dân để mưu cầu lợi ích riêng, dân chủ giả hiệu, hoặc theo đuôi quần chúng, v.v. Cùng với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, cần tăng cường tuyên truyền những tấm gương “người tốt việc tốt”, những “công bộc” hết lòng đối với dân, vì nhân dân phục vụ; làm cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân ngày càng được lan tỏa, củng cố, phát triển, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là học tập và làm theo phong cách làm việc gần dân, thân dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những công việc cụ thể, hằng ngày gắn với cương vị công tác để xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là cách khắc phục, sửa chữa “bệnh” quan liêu, xa rời quần chúng hiệu quả và thiết thực nhất. Bởi vì, mỗi công việc của Đảng phải đứng về phía quần chúng, phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Người đảng viên không chỉ lãnh đạo quần chúng, mà còn phải thấu hiểu quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng; cán bộ, đảng viên không chỉ lo những việc lớn cho dân mà còn phải lo đến “tương, cà, mắm, muối” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên: Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Cho nên, trọng dân, gần dân, sát dân, tin dân, hiểu dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân là “điểm mấu chốt” để khắc phục “bệnh” quan liêu, xa rời quần chúng của cán bộ, đảng viên hiện nay. Để giữ mối liên hệ mật thiết giữa dân với Đảng, thì việc tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ phải trở thành yếu tố quan trọng, thường trực trong nhận thức, tình cảm, ý chí, hành động hàng ngày, hàng giờ, trong từng công việc của mỗi cán bộ, đảng viên; phải “thật lòng, thật tâm, thật tình” với nhân dân. Bởi lẽ, phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên không chỉ là yếu tố tạo nên nhân cách mà còn là tấm gương để quần chúng nhân dân noi theo. Hơn nữa, muốn lãnh đạo được nhân dân, muốn nhân dân tin, nghe và noi theo, thì cán bộ, đảng viên phải “làm mực thước cho người ta bắt chước”. Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mà thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác và hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng và noi theo. Từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân “hòa vào một”, và như thế, “bệnh” quan liêu, xa rời quần chúng cũng tự mất theo.
Quan liêu, xa rời quần chúng là một “căn bệnh” rất nguy hiểm đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên cần phải được “chữa” kịp thời và triệt để. Những biện pháp trên đây là rất cơ bản với mỗi tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ, nơi cán bộ, đảng viên trực tiếp sinh hoạt và công tác cần đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng quản lý, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, đảng viên; nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình, phê bình, tự rèn luyện, bồi dưỡng của mỗi người. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ với nhân dân để thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đại tá, TS. Nguyễn Sỹ Họa, Học viện Lục quân
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)