Trung tuần tháng 11, sau một buổi làm việc của Hội đồng Chính phủ, Bác hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?”, đồng chí trả lời: “Phải cố giữ thì ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở thành phố trong trường hợp địch gây chiến”, Bác lại hỏi:” Các thành phố khác và vùng nông thôn thì sao?”, “Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn, còn vùng nông thôn nhất định ta giữ được”, Người suy nghĩ giây lát rồi nói: “Ta lại trở về Tân Trào”. Tình hình Hà Nội căng thẳng như một thùng thuốc súng sắp bùng nổ vì kẻ thù tìm mọi cách khiêu khích ta nhiều hơn, chúng theo dõi sát sao những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí còn bố trí súng máy chĩa vào cửa sổ Bắc Bộ phủ, nơi Người thường làm việc.

Để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra, 19h30 ngày 26/11/1946, trong một chiếc xe Ford cũ mui vải, Bác bí mật rời Hà Nội chuyển ra ở trong một ngôi nhà gần ngã tư Canh, rẽ hướng Sơn Tây về Đại Mỗ. Khu biệt thự này đặc biệt có một chiếc ao to trước cửa trồng nhiều liễu nên mọi người gọi đây là biệt thự Cây liễu. Chỉ khi nào cần thiết Bác mới vào thành phố, còn ở đây Người làm việc hầu như suốt ngày đêm.

Ngày 03/12, 6h sáng, Bác rời Canh ra Bắc Bộ phủ, Người làm việc đến 18h thì tiếp Sainteny - đại diện chính trị của Chính phủ Pháp để thỏa thuận một số điều khoản.

Đến 19h cùng ngày, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đón Bác đi thẳng vào làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), theo một con đường lát gạch đến nhà ông Nguyễn Văn Dương, một cơ sở của ta. Bác theo một cầu thang hẹp lên gác 2. Tầng trên có một phòng rộng bày bàn thờ và một căn buồng nhỏ khoảng 15m2. Bác làm việc, ăn uống trên căn gác xép cả ngày và chỉ trước khi đi ngủ, Bác xuống sân tập vài đường quyền với đồng chí Kháng cảnh vệ cho giãn gân cốt. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thường đến làm việc với Bác tại đây theo quy định: Mỗi người đến cách nhau ít nhất 5 phút.

Ngày 05/12, tại Bắc Bộ phủ, Bác gặp và giao nhiệm vụ cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa chuẩn bị quân dụng, vũ khí cho cuộc kháng chiến.

Ngày 09/12, Pháp đưa thêm hơn 800 lính lê dương vào Đà Nẵng, nhưng tinh thần chiến đấu của nhân dân ta đang lên rất cao, gần 1 triệu thanh niên nam nữ đã xung phong vào các đội du kích, cùng bộ đội và dân quân đêm ngày luyện tập. Các làng chiến đấu cũng được xây dựng khẩn trương. Ngày 16/12, Cao ủy Pháp D’Argenlieu ngang nhiên tuyên bố Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp. Cả Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu. Nhiều đề kháng được nhanh chóng dựng thêm. Ngày 17/12, tướng Pháp Morliere đem quân và xe ủi đất phá các ụ chiến đấu của ta ở Lò Đúc, một xe tải Pháp bị tấn công rồi xung đột xảy ra. Ngày 18/12, quân địch dùng xe tăng chiếm Nha tài chính, đưa tối hậu thư cho ta đòi đến ngày 20 sẽ đảm nhận việc giữ gìn trị an ở Hà Nội. Đêm hôm đó ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya để hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lịch sử.

Ngày 19/12, buổi sáng, quân Pháp gửi tiếp tối hậu thư đòi phía ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, giao nộp vũ khí và đe dọa trong vòng 24 giờ không thực hiện thì chúng sẽ hành động. Từ 14h30 đến 15h15, Bác họp với các đồng chí Trung ương ở Vạn Phúc, thông qua lời kêu gọi kháng chiến. Đến 18h45, Bác thu xếp tài liệu và cùng bộ phận tiếp cận lúc ấy có 8 người vừa làm bảo vệ kiêm liên lạc, thư ký mà Bác đặt biệt danh là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong rời Vạn Phúc đi Xuyên Dương, bắt đầu chặng đường kháng chiến trường kỳ gian khổ.

Đến xã Xuyên Dương (Thanh Oai, Hà Tây), Bác ở nhà đồng chí Trúc, Xã đội trưởng. Trong suốt 25 ngày (từ 19/12/1946 đến 13/01/1947), Bác rất ít khi ra ngoài, Người dành thời gian miệt mài biên soạn nhiều tài liệu về cách đánh du kích.

Tối ngày 26/12, Bác đến một địa điểm bí mật ở thị xã Hà Đông để chủ trì một phiên họp mở rộng của Hội đồng Chính phủ có cả Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban kiến thiết). Trong một gian phòng kín, bốn bề tĩnh lặng, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, sau lời tuyên bố quyết chiến của Hồ Chủ tịch, tất cả thành viên Chính phủ và Quốc hội có mặt tại Hội nghị đều giơ nắm tay lên, biểu dương ý chí quyết chiến vì độc lập, tượng trưng cho tinh thần quật cường của cả một dân tộc. Hội nghị kéo dài đến 1h sáng.

Chiều tối 13/01/1947, Bác qua phà Ba Thá sang Chương Mỹ và đến nhà đồng chí Thủ Bạ, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch xã tại xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Sơn Tây). Bác ở trong một gian buồng nhỏ cuối nhà, trong buồng có một chiếc giường tre lót ổ rơm và một chiếc bàn con làm việc. Bác hầu như làm việc và suy nghĩ suốt ngày, theo dõi tình hình chiến sự trên các mặt trận, đọc báo cáo từ các địa phương và có hôm Bác còn ngồi vẽ cả sơ đồ về biên chế và cách thức hoạt động của các cơ quan trong Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể. Mặc dù vô cùng bận rộn, Người vẫn thường xuyên viết bài đăng các báo bằng những lời văn giản dị, dễ hiểu, khi thì châm biếm, mỉa mai, khi thì động viên thúc giục.

Ngày 16/01, Bác chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình mặt trận ba miền Trung - Nam - Bắc, báo cáo của Bộ Nội vụ về tinh thần kháng chiến nhân dân và thảo luận các vấn đề di cư, tản cư, giáo dục trong thời chiến, chăm sóc thương binh.

Ngày 20/01, buổi chiều, Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp tới địa điểm họp Hội đồng Chính phủ nhưng cuộc họp bị hoãn vì không đủ thành viên, Bác đợi đến 23h mới ra về. Chiều thứ ba ngày 21/01 (tức 30 Tết), từ Cần Kiệm, Bác đi dự phiên họp tất niên Hội đồng Chính phủ tại thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai, sát chùa Thầy, trong ngôi miếu thờ thần trước hang Thánh hóa. Trời mưa, đường trơn, ô tô vừa chạy được một quãng thì sa một bánh xuống ruộng. Đi tìm người khênh xe tối 30 Tết không phải là dễ. May mà mấy người dân trong xóm gần đấy không kiêng cữ, đốt đuốc đến đẩy giúp xe mới đi tiếp. 21h Bác mới tới được phiên họp tất niên để chúc mừng năm mới và bàn định một số công việc cần kíp. Nhấp một ngụm chè nóng rồi mở đầu cuộc họp bằng câu chuyện xe sa lầy phải nhờ nhân dân khiêng giúp, Bác nói vui: “Chỉ một việc đi xe thôi, không có nhân dân thì Chủ tịch Nước cũng đành chịu. Huống hồ việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn, vĩ đại, nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới ắt thành công”.

22h30, Bác lên xe đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang đặt tại hang chùa Trầm để đọc lời chúc mừng năm mới Đinh Hợi đúng giờ giao thừa. Ánh đèn pha chiếu phía trước nhòa đi vì mưa rất to và nặng hạt. Đường càng lầy và trơn hơn, nhiều lúc bánh xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên tại chỗ, anh em đành phải xuống đẩy. Xe vòng quanh Xuân Mai rồi rẽ xuống, gần 24h mới tới chùa Trầm. Điện trong hang vẫn sáng trưng, tiếng máy nổ ầm ầm. Trước máy thu thanh, Người đọc bài thơ chúc Tết kháng chiến đầu tiên gửi đồng bào cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió; Tiếng kèn kháng trận vang dậy non sông; Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến; Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng; Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”

Sau khi đọc thơ chúc Tết trong phòng bá âm, Bác ra nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh đang quây quần đón Bác. Người nói với đồng chí Trần Lâm, phụ trách Đài mang đến mấy tờ giấy hồng, Bác viết hai câu đối: Kháng chiến tất thắng - Kiến quốc tất thành bằng chữ Hán để tặng sư cụ chùa Trầm. Ở đây cũng có khá nhiều anh em, bạn bè các nước đứng trong hàng ngũ chống đế quốc đến góp phần cùng nhân dân Việt Nam kháng chiến. Đang câu chuyện, Bác chợt trông thấy áo sơ mi của anh Nguyễn Nhất bị rách ở vai, Bác cười nói với chị Dương Thị Ngân là người phụ nữ duy nhất ở đài lúc ấy: “Cô phải chú ý vá lại áo cho đồng chí này nhé, ở đây chỉ có mình cô là nữ”. Sau phút ngạc nhiên vui vẻ, mọi người rất cảm động vì sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của Bác đối với mỗi cán bộ. Lúc Bác sắp ra về, sư cụ chùa Trầm xin yết kiến. Sư cụ thành kính chắp tay nói giọng run run, mong Bác thu nhận cho lòng thành của nhà chùa: Đó là mâm bánh chưng mà chú tiểu dâng lên Người. Bác cảm ơn, chúc nhà chùa sang năm mới ra sức cầu Phật cho kháng chiến mau chóng thành công.

0h45 phút mồng một Tết Bác ra về. Trời vẫn mưa to, anh em lại phải xuống xe đẩy mấy quãng nhưng cách nhà chừng hai cây số thì xe tụt cả hai bánh xuống ruộng. Vào giờ ấy thì khó mà mượn người khênh xe nên đồng chí lái xe đành ngủ lại trông xe còn mấy Bác cháu lội bộ về nhà “xông đất”.

Ngày 22/01, Bác vẫn dậy sớm làm việc như thường lệ. Sau khi phân công từng đồng chí trong cơ quan đi chúc tết các nhà lân cận, Người trịnh trọng viết mấy chữ Hán: Cung hỷ tân xuân trên tờ giấy điều, kèm theo một quả cam, một quả quýt gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. 21h, Bác tiếp các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến chúc tết và cùng các vị họp ngay bên bếp lửa cho đến 1h sáng hôm sau. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký Bác Hồ kể lại trong hồi ký:

“0 giờ 45 phút mồng một Tết xe ra về. Trời vẫn mưa to. Lại phải xuống xe đẩy mấy quãng. Lúc này, tôi cố kìm nén để không kêu “chết” nữa. Giao thừa đã qua, năm mới tới giữa lúa trời mưa nặng hạt và bùn trên đường bắn tung tóe! Cách nhà chừng hai cây số thì xe lại tụt cả hai bánh xuống ruộng. Vào giờ này thì khó mượn người khênh xe. Anh tài đành ngủ trên xe. Còn mấy Bác cháu, dù đường lầy lội cũng xuống xe cuốc bộ về nhà “xông đất”. Tờ mờ sáng mới về tới nhà, thở đánh phào một cái. Chẳng để ý gà gáy cầm canh nữa. Tôi rửa chân tay, thay quần áo, ngồi đọc 2 bài báo của Butbién cho Bác nghe, 5 giờ sáng, Bác cháu mới đi nằm. Lúc đó, các nhà dân đã bắt đầu dậy để chuẩn bị cúng tổ tiên. Sáng mồng một Tết, 7 giờ sáng tôi dậy. Ngủ chưa được hai tiếng. Nhưng Bác đã dậy trước. Mấy anh em đi xuất hành cầu may. Theo hướng nào? Đông Bắc! Anh Cả cùng mấy anh em xuất hành đi khiêng xe. Người nào người nấy gọn gàng, quần sắn cao, vai vác đòn, đầu đội nón. Trời tiếp tục mưa, đường lầy trơn như mỡ. Lúc quay về vào nhà dân để nhờ xe, chủ nhà mời ăn cỗ Tết đã là 9 giờ sáng. Nhà này đã có người “xông đất” nên chúng tôi mới dám vào. Rượu cay thịt mỡ, bánh chưng xanh. Trên bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút. Về nhà, không khí vẫn tĩnh lặng như mọi ngày. Trưa, tôi ngủ một mạch từ 11 giờ đến 2 giờ rưỡi chiều. Bác vẫn như ngày thường, vẫn làm việc đúng giờ giấc, vẫn đôi kính trắng ngồi đọc sách, tay cầm bút chì đỏ gạch những đoạn cần sửa trong quyển “Vấn đề du kích”. Tết ở đâu, chẳng phải ở đây, nhất là lúc đang kháng chiến. Bác Hồ đã trải qua gần 60 mùa Xuân nhưng có lẽ chẳng mấy khi được hưởng Tết. Chiều mồng một Tết, anh Ninh và tôi ăn cơm nguội, còn mấy anh em ăn Tết cùng đồng bào. Riêng Bác có một xuất cơm nóng, nhưng là cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải, những món ăn rất quen thuộc đối với Bác. Nghĩ đến xuất cơm Tết kháng chiến đầu tiên đó, tôi thấy thương và lo cho sức khỏe của Người. Buổi tối, mấy Bác cháu cùng nhau ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa. Trong ánh lửa lung linh, những kỷ niệm Tết đã qua như sống lại. Giờ đây, chẳng phải riêng gì một mình ai mà cả dân tộc đang phải gắng sức trước một cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, Tết này gian khổ để cho những Tết sau được sum vầy. Lửa đỏ hồng. Mắt ai cũng mơ màng như mơ về một cái Tết vui vẻ và đầm ấm. Chín giờ tối, các anh Nhân, Văn, Nam vào họp và chúc Tết Bác. Anh Cả và anh Ninh cùng họp. Các anh đến vui nhưng báo tin xúi quẩy là xe cũng bị tụt bánh, lại nhờ tụi tôi đi khênh hộ. “Giông” cả năm. Tết này là Tết khênh xe. Trời mưa, lạnh buốt. 12 giờ đêm mới về. Một giờ sáng các anh mới ra đi”.

Ngày 02/02, 20h, Bác chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về quốc phòng, ngoại giao và thảo luận một số vấn đề về tài chính, kinh tế, tăng gia sản xuất. Cuộc họp kéo dài đến 4h30 sáng hôm sau, tuy vẫn còn nhiều vấn đề nhưng các thành viên phải về sớm để tránh máy bay. Buổi chiều, Bác mời cụ chủ nhà sang để cảm ơn và căn dặn cụ cùng các con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến và giữ gìn bí mật trước khi Người rời đi. Lúc 18h, ô tô đón Bác chuyển đến khu chùa Một Mái trên núi Thầy, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Tây) và Bác ở trong gian buồng đầu hồi phía trái Nhà Tổ vốn là chỗ ở của người trông chùa, vỏn vẹn chỉ có một tấm phản, một chiếc bàn nhỏ để máy chữ và cây đèn dầu.

Trước đó, các sư và vãi ở đây đã tản cư sang chùa khác, khu vực chùa Thầy trở nên tĩnh lặng hơn. Bác đề nghị phải bảo đảm cho mọi sinh hoạt của nhà chùa như bình thường, thế là anh em cảnh vệ cắt cử nhau thỉnh chuông, gõ mõ đúng giờ như chùa vẫn làm. Tại sân chùa Một Mái, thường vào buổi chiều, Bác bảo các đồng chí giúp Bác tập lại đi xe đạp để khi cần thì di chuyển cho nhanh. Bác kể hồi hoạt động ở Pari (Pháp) có nhiều lúc Bác cũng đi xe đạp, nhưng bỏ lâu rồi nên phải tập lại cho thạo.

Ngày 10/02, 10h, Bác đi phủ Nho Quan để chủ tọa Hội nghị điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình, bàn việc tăng gia sản xuất, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư và ủng hộ Chính phủ kháng chiến. Ngày 14/02, buổi sáng, Bác tự tay thảo bức điện mật cho đồng chí Đặng Việt Châu, đặc phái viên Bộ Nội vụ tại Thanh Hóa về chủ trương vào Thanh kinh lý. Buổi chiều, Người chỉ thị cho Bộ Tổng chỉ huy rút các lực lượng chiến đấu ở trung tâm Hà Nội ra khỏi thành phố để bảo toàn chủ lực, kháng chiến lâu dài.

Ngày 16/02, Bác chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo của Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao và bàn một số vấn đề khác.

Ngày 17/02, Bác làm việc với các đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để bàn và giải quyết một số vấn đề về quốc phòng, nội vụ, tài chính và thông báo về chuyến đi Thanh Hóa hôm sau của Người. Trong căn phòng ấm cúng, trên một bộ ván sập không trải chiếu, năm thành viên Chính phủ bàn luận sôi nổi về những vấn đề cần kíp của đất nước. Sau khi làm việc, Bác mời các đồng chí ở lại cùng ăn cơm. Bác chiêu đãi anh em một bữa tiệc đặc biệt có cả rượu vang, gà quay và cam tráng miệng. Mọi người giải tán lúc 21h30.

Ngày 18/02, 19h, Bác khởi hành vào Thanh. Để giữ bí mật, Người chỉ chọn hai đồng chí cảnh vệ là Lý và Văn đi cùng, nhưng đề phòng bất trắc, tất cả anh em kể cả lái xe Nền, ngoài súng ngắn còn được trang bị thêm cả tiểu liên với cơ số đạn gấp đôi bình thường. Lộ trình chuyến đi do Bác vạch ra cụ thể: Theo đường 6A qua Xuân Mai, rẽ trái đường 21 về Chi Nê rồi ra đường 59 đến Nho Quan đi theo đường 12A ra Ga Gềnh thuộc vùng tự do Thanh Hóa.

Ngày 19, Bác nghỉ đêm ở Chi Nê, mờ sáng hôm sau đi tiếp khoảng 8h ngày 20/02 thì đến nơi. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Người gặp gỡ cán bộ trong tỉnh đến dự cuộc mít tinh của đại biểu các tầng lớp nhân dân. Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cán bộ và nêu lên những đức tính cần thiết của người cán bộ trong việc đối xử với đồng chí, công việc, với nhân dân và đoàn thể. Người căn dặn rất cụ thể về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa để xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Khoảng 17h, Bác rời Thanh Hóa về nghỉ tại đồn điền của ông Đỗ Đình Thiện ở Chi Nê, sáng hôm sau Người đến thăm Bộ Canh nông, Bộ Tài chính và Xưởng in bạc giấy đang sơ tán gần đó. Bác đi thăm thực tế từng nơi, nói chuyện với anh em công nhân, tự vệ chiến đấu và thăm các nhà dân, thăm chợ Đầm Đa. Bác còn hỏi chuyện cả các cháu nhỏ và khen những cháu nào đã biết chữ, còn cháu nào chưa biết Bác gọi ngay mấy anh thanh niên đến giao trách nhiệm kèm cặp cho đến khi các cháu biết đọc, biết viết. Trong một ngày thăm và làm việc của Bác, công tác bảo vệ được các lực lượng phối hợp với nhau làm rất tốt, ngay đêm 21/02, anh em đưa Bác về đến chùa Thầy thì sáng hôm sau Pháp cho máy bay ném bom đồn điền của ông Thiện, sau mới biết do có Việt gian chỉ điểm.

Cuộc kháng chiến bước sang tháng thứ tư, quân Pháp đã chiếm được Hải Phòng, Hà Nội và đưa quân ra Hà Đông, Phùng chuẩn bị chiếm Sơn Tây. Bác vẫn làm việc tại chùa Một Mái. Ngày 02/3, nhận được tin báo xe tăng Pháp đến gần khu vực Sài Sơn, nhưng 20h, tại Trúc Sơn, Bác vẫn chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình quân sự, ngoại giao và cho ý kiến về một số dự án sắc lệnh. Hội nghị cũng bàn một vấn đề quan trọng là cấp tốc dời cơ quan Chính phủ lên Phú Thọ. Ngày 03/3, chiều tối, Bác chuyển đến động Hoàng Xá gần huyện lỵ Quốc Oai nhưng xe tăng giặc đã chiếm bờ đê phía đối diện nên mờ sáng ngày 04/3, Bác rời Sơn Tây. Lúc này quân Pháp sắp sửa đánh chiếm Xuân Mai cho nên xe đưa Bác đi phải vượt qua ngã ba đường Xuân Mai đi Sơn Tây trong đêm.

Chiếc xe Ford cũ chạy rất chậm vì đồng bào gồng gánh đi tản cư trên đường rất đông. Xe đi được nửa tiếng thì nổ lốp. Nhưng may còn có lốp dự trữ. Anh em bảo vệ và đồng chí Nền lái xe vội vàng thay lốp. Nhưng đi được nửa tiếng nữa, lại nổ lốp tiếp. Anh em quyết định cho xe tranh thủ thời gian chạy tiếp thế rồi cũng qua Xuân Mai một cách an toàn. Qua ngã ba đường Xuân Mai thì chiếc xe ọc ạch không thể đi được nữa, Bác và anh em bảo vệ xuống xe đi tiếp bằng xe ngựa chở thuê của dân. Để bảo đảm bí mật, Bác quàng khăn che kín râu, tay xách nải chuối chín như một người dân tản cư. Thấy có tốp trẻ em chạy theo xe, Bác liền bẻ chuối chia cho các cháu. Tới bến phà Trung Hà vì quá đông xe nên anh em mời Bác đi đò rồi xe sang sau đón Bác đi tiếp đến đồn điền Bà Triệu, tạm nghỉ chân ở nhà cụ Nguyễn Liên (thân sinh đồng chí Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông).

Buổi tối anh em đưa Bác đến nhà cụ Hoàng Văn Nguyên (bố vợ đồng chí Đỗ Văn Mô, Phó Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh) ở Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ. Đêm ấy Bác thức khuya, đi bách bộ quanh vườn. Sáng sớm ngày 06/3, Bác gọi tất cả anh em ngồi quây quần và nói: “Bây giờ chiến tranh mở rộng, chúng ta phải sinh hoạt quân sự hóa. Đến ở, giữ bí mật. Chuyển nhanh, không để lại dấu vết. Mỗi chú mang một chiếc ba lô để đựng những thứ cần thiết, tiện thể may luôn cho Bác một cái để Bác mang chiếc máy chữ...”. Để thể hiện quyết tâm kháng chiến của toàn quân và dân ta và cũng là để giữ bí mật, Người đã đổi tên cho cả 8 anh em của Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Trong thời gian ở Cổ Tiết, Bác tranh thủ thời gian đọc các sách về lịch sử Việt Nam, đặc biệt cuốn Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo là cuốn sách gối đầu giường của Người. Bác cũng dịch sơ thảo sang tiếng Việt cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Anghen viết.

Ngày 18/3, buổi sáng, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ đến 12h. Chiều tối, Bác qua bến Ghềnh, Ba Triệu sang xã Xứ Nhu, qua phố huyện Lâm Thao, xã Xuân Dũng rồi đến Chu Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ ở tại gia đình ông Nguyễn Ngọc Đa tới ngày 29/3. Trong thời gian ở đây, Người chủ trì một số cuộc họp của Thường vụ Trung ương và Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng thường đến báo cáo tình hình với Người.

Ngày 30/3, Bác rời Chu Hóa theo quốc lộ 2 qua Tiên Kiên, Phú Lộc, Phú Hộ, Chân Mộng với quãng đường gần 50 km, chiều tối thì đến Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ. Trong 3 ngày liền, máy bay địch hoạt động và oanh tạc dữ dội, ban ngày Bác phải mang tài liệu ra rừng làm việc, tối mới về ngủ. Nhà cửa chật chội nên Người và các đồng chí bảo vệ phải tháo cánh cửa kê xuống đất làm giường nằm. Một buổi trưa, máy bay địch kéo đến tìm kiếm, oanh tạc có chủ đích rõ ràng, anh em đi nắm tình hình dự đoán có chỉ điểm, thế là tối 01/4, anh em đưa Bác rời Phú Thọ di chuyển đến làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương thuộc châu Tự Do, tỉnh Tuyên Quang (tên gọi Châu Tự Do vốn được ra đời từ ngày rằm tháng 3/1945, khi nhân dân Sơn Dương nổi dậy dùng giáo mác và súng khai hậu cướp châu đường, bắt các hào lý nộp ấn, triện rồi lập ra Ủy ban nhân dân cách mạng để tự quản).

8h tối ngày 02/4, các đồng chí lãnh đạo xã Hợp Thành được cử đi đón Bác. Đến khoảng 24h thì đón được Bác ở Đăng Châu, đưa về nhà ông Ma Văn Hiển ở thôn Làng Sảo, còn 9 đồng chí cận vệ, cấp dưỡng thì ở nhà bà Đinh Thị Tư cách đó 50m. Đến cuối tháng 4, Bác chuyển lên ở trong căn lán nhỏ dùng để chứa thóc của gia đình bà Tư.

Đầu tháng 5/1947, khi thấy địa điểm này không bí mật nên Người đề nghị anh em lui sâu vào rừng Bình Phú, dựng một cái lán dài dưới gốc cây cổ thụ khá kín đáo. Anh em ngăn đôi: Một nửa để Bác làm vịêc, một nửa Đội Bảo vệ ở đồng thời dùng làm phòng ăn, phòng họp. Bác ở đó đến ngày 19/5. Lúc này, khu căn cứ địa của ta đã sẵn sàng. Việt Bắc là một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã được chọn làm an toàn khu (ATK). Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Chủ tịch phủ, Bộ Tổng chỉ huy và các cơ quan đoàn thể khác.

Ngày 19/4, 20h, tại Mỏ Giác (một địa điểm ở châu Tự Do), Bác đến họp Hội đồng Chính phủ nhưng một số thành viên đến muộn vì phương tiện trục trặc nên 20h30 mới khai mạc được. Cuộc họp này bàn chủ yếu về vấn đề ngoại giao, đặc biệt là thảo luận về bức thư của Bác gửi sang Pháp đề nghị giảng hòa. Đến 2h sáng hôm sau mọi người mới giải tán.

Ngày 30/4, tại một địa điểm cách Mỏ Giác 10km, Hội đồng Chính phủ cũng gửi thông báo họp. Lúc chập tối, khi các thành viên đang ăn cơm thì Bác đến trong bộ quần áo nâu, lưng mang gùi, vai mang súng, đội mũ bộ đội trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai nhận ra được. Sau khi cùng ăn tối với mọi người xong, đúng 19h, Bác bắt đầu khai mạc phiên họp. Mọi người cùng ngồi xếp bằng tròn quanh mấy chiếc chiếu dài, ở giữa đặt mấy chiếc đèn dầu giống như một sòng tổ tôm. Cuộc họp dành một phút mặc niệm vì có hai tin buồn: Cụ Huỳnh Thúc Kháng mất ở Quảng Ngãi và ông Hoàng Hữu Nam bị lũ cuốn trên sông Lô, như vậy là Bộ Nội vụ không còn vị lãnh đạo nào. Theo gợi ý của Bác, Hội đồng Chính phủ đã chuẩn y cử hai đồng chí Tôn Đức Thắng và Trần Duy Hưng làm Bộ trưởng và Thứ trưởng của Bộ Nội vụ. Hội nghị tiếp tục bàn về công tác ngoại giao đến tận 3h sáng hôm sau và kết thúc bằng một bữa cháo gà bồi dưỡng lấy sức trước khi các thành viên giải tán.

Đầu tháng 5, đặc phái viên Paul Mus của Cao ủy Pháp đề nghị được gặp Bác để đàm phán, hai bên thỏa thuận địa điểm tại thị xã Thái Nguyên vào ngày 12/5.

Ngày 15/5, 20h, tại Châu Tự Do, Bác chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ để bàn về vấn đề ngoại giao với Pháp sau cuộc hội kiến của Bác với Paul Mus. Toàn thể Hội đồng đã quyết nghị kháng chiến đến cùng, đồng thời cảnh cáo bọn quân nhân thực dân Pháp phá hoại nền hoà bình giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Cuộc họp kết thúc lúc gần sáng.

Ngày 19/5 là ngày sinh của Bác, anh em muốn tổ chức một bữa liên hoan nhưng Bác nói: “Công việc kháng chiến còn nhiều khó khăn, vất vả. Khi nào kháng chiến thành công, về Hà Nội, các chú tổ chức sinh nhật Bác cho đàng hoàng”. Và do tình hình chiến sự bắt đầu diễn biến phức tạp nên từ 18h30, Bác cho anh em chuyển chỗ ở từ Sơn Dương (Tuyên Quang) đến thôn Điềm Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cuộc hành quân đi suốt đêm, xuyên rừng, trèo đèo, lội suối, vừa đi đường, Bác vừa kể những mẩu chuyện trong thời gian hoạt động bí mật và cả những câu chuyện vui cho anh em vơi bớt đi nỗi mệt nhọc. Điềm Mạc là nơi Bác ở lâu nhất trong thời gian chín năm kháng chiến: 4 tháng 22 ngày…

Đỗ Hoàng Linh

Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Xuân Đức (st)

Tài liệu tham khảo:

1, Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2007. Tập IV

2, Chủ tịch Hồ Chí Minh- hành trình kháng chiến. Nxb Công an nhân dân 2005

3, Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Nxb Chính trị quốc gia 2005. Tập II

4, Bác Hồ với Thái Nguyên. Nxb Lý luận chính trị 2007

5, Càng nhớ Bác Hồ. Nxb Thanh Niên 1999

6, Nhật ký của một Bộ trưởng. Nxb Đà Nẵng 2004. Tập I

7, Bác Hồ - những chặng đường trường kỳ kháng chiến. Nxb Chính trị quốc gia 2000

Bài viết khác: