1. Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2018.
Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ như sau:
- Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại).
- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ: Định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
- Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: Định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
2. Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2018.
Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp thuộc đối tượng tinh giản biên chế gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương...
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.
3. Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2018.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng.
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm...
Ảnh minh họa/ Internet
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Một số mức phạt cụ thể như:
- Phạt 500.000 đồng - 1.000.000 đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay...
- Phạt 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay...
- Phạt 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...
4. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018.
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:
- Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng.
- Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng...
5. Nghị định số 118/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về công tác kết hợp quân dân y, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2018.
Kết hợp quân dân y là sự kết hợp giữa lực lượng quân y và lực lượng dân y nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng y tế bao gồm cả tổ chức, nhân lực, trang thiết bị và nhiệm vụ bảo đảm y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, bộ đội và đáp ứng các tình huống về y tế.
Nội dung kết hợp trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế gồm: Tổ chức thu dung, khám bệnh, điều trị cho nhân dân và lực lượng vũ trang tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn kỹ thuật liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu về bệnh học và các phương pháp điều trị bệnh; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức triển khai các chương trình y tế tại địa phương.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y ngoài nhiệm vụ bảo đảm quân y theo quy định, có trách nhiệm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có trách nhiệm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.
Thu Hiền (tổng hợp)