Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, “có ý nghĩa lịch sử”, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, “Tạo ra thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước”[1, tr.29].
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng như hiện nay, thì “nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại” [1, tr.29]. Quá trình phát triển trong những năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là: “Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước” [1, tr.165]. Những hạn chế, yếu kém đó do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cần được nghiên cứu tỉ mỉ, thận trọng để có thể đưa ra những giải pháp khắc phục chính xác và tối ưu. Trong đó, có một nguyên nhân rất lớn đó là chúng ta chưa thực sự phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong phát triển đất nước; thậm chí đã làm “hao mòn”, lãng phí sức dân bằng nhiều cách khác nhau. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta không thể không nhớ đến những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, trong đó triết lý về “Tiết kiệm sức dân” của Người có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn rất sâu sắc.
Tư tưởng về tiết kiệm sức dân ở Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ Chủ nghĩa nhân văn cao cả của Người. Trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, Người luôn xác định: Con người là vốn quý nhất. Con người vừa là lực lượng, là động lực chủ yếu, trực tiếp, vừa là mục tiêu của lịch sử. Đó là sự thống nhất biện chứng của các yếu tố đó trong con người với tư cách là nhân tố quyết định, sáng tạo ra lịch sử. Vì vậy, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng.
Với Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sinh thời Người từng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [6, tr.276]. Quan điểm đó trước hết thể hiện ở lòng yêu thương vô hạn, sự tin tưởng tuyệt đối vào con người trong nhân cách Hồ Chí Minh. Giáo sư Vũ Khiêu nhận xét: “yêu người mới là cốt lõi trong chủ nghĩa yêu nước và trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” [2, tr.260]. Tất cả sự chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ có một chủ đích tư tưởng và hành động: làm thế nào để giải phóng đồng bào khỏi áp bức, bóc lộ, nghèo khổ, suốt đời Người chỉ có một ham muốn, đó là “ham muốn tột bật, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3, tr.161-162].
Lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh theo lập trường cách mạng tất yếu đòi hỏi sự tin tưởng và tôn trọng con người trên cơ sở thấy được vai trò quyết định của con người đối với lịch sử. Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, có dân thì có tất cả, không dựa vào dân thì không thể làm được việc gì. Sức mạnh của Đảng, của Nhà nước là dựa trên sức mạnh và sự ủng hộ của nhân dân. Lòng tin của Hồ Chí Minh đối với con người không chỉ ở chỗ thấy được vai trò sức mạnh của nhân dân trong cách mạng mà còn ở chỗ thấy được những khả năng tiềm ẩn của họ.
Thương người, tin người, trọng người tất yếu phải biết tiết kiệm sức người, đây là một nội dung tích cực của chủ nghĩa nhân đạo trong lịch sử tư tưởng.
Tư tưởng Nho giáo có quan niệm của Khổng Tử: “Bớt tiêu dùng và yêu người” và “sai khiến dân đúng thời”. Đến Tuân Tử, ông cho rằng: “tiết kiệm tiêu dùng và làm giàu cho dân”.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, coi trọng vốn quý con người gắn liền với chính sách tiết kiệm sức người. Trần Quốc Tuấn coi “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi coi: “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”... Như vậy, coi trọng và tiết kiệm sức người không chỉ là quy luật tồn vong của một chế độ mà phải trở thành một đường lối, một chính sách trị nước tích cực của mọi thời đại, mọi chế độ chính trị.
Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng một hệ thống các quan niệm về tiết kiệm sức người hết sức phong phú, sâu sắc, đó là tiết kiệm sức lao động, tiền công, của công, thời gian, nguyên vật liệu, giấy bút, máy móc, ruộng đất, đặc biệt là tiết kiệm sinh mạng con người trong khởi nghĩa giành chính quyền, trong chiến tranh giải phóng dân tộc và trong mỗi trận đánh… nói cách khác, theo nghĩa rộng, nội dung của nó bao gồm:
Khoan thư sức dân: Tức là “giảm sự đóng góp của nhân dân”, “ra sức bảo vệ sản xuất, bình ổn vật giá”… đặc biệt “Phải bồi dưỡng lực lượng cho dân nhiều hơn yêu cầu đóng góp” [5, tr.464].
An dân: Coi “Nhân hoà là quan trọng hơn hết” [5, tr.479]. Muốn vậy thì: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm…Khi ai có điều gì oan ức thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy” [5, tr.66].
Dưỡng dân: Phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa - giáo dục, từng bước nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân. Đó là kế sách “làm cho dân giàu và giáo dục dân”, và cũng là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nước ta. “Phát triển kinh tế và văn hóa tức là dần dần xây dựng chủ nghĩa xã hội” [7, tr.2].
Để tiết kiệm sức người, sức của, Hồ Chí Minh yêu cầu: Mọi chủ trương, chính sách, các công việc đều phải có kế hoạch chu đáo, có chuẩn bị, có lãnh đạo, có trọng tâm, thiết thực và có hướng dẫn chặt chẽ. Trong bài Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban nhân dân - Báo Cứu quốc ngày 4-10-1945, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “…Trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại” [3, tr.39]. Một trong những nguyên nhân gây lãng phí, kém hiệu quả trong tổ chức lãnh đạo, quản lý chính là sự “chủ quan”, sự “khờ dại” và “quan liêu” của cán bộ. Mặt khác, phải biết quý trọng sáng kiến, phổ biến kinh nghiệm, đảm bảo an toàn lao động, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, thi đua, chăm lo sức khoẻ và phân phối, sử dụng hợp lý sức lao động… là những biện pháp hữu hiệu, góp phần tiết kiệm sức người, sức của. Trong bài nói chuyện ở Trường cán bộ Công đoàn ngày 19-1-1957, Người nhấn mạnh: “Hiện nay có hai khẩu hiệu: Tăng gia sản xuất và Thực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được”. [6, tr.296].
Hồ Chí Minh là người khởi xướng và là tấm gương trong các phong trào thi đua tiết kiệm cho kháng chiến và kiến quốc như “tuần lễ vàng”, “quỹ nghĩa thương” trong nông dân, “phong trào mùa đông chiến sỹ”, “hũ gạo kháng chiến”…
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm là những giá trị có ý nghĩa to lớn đối với giai đoạn hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng ta đã có “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trình bày ngày 19 - 4 - 2001 đã nhấn mạnh đất nước ta đang đang phải đối mặt với nhiều thách thức với bốn nguy cơ cơ bản. Trong đó có hai nguy cơ đáng lưu ý là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nạn tham nhũng và tệ quan liêu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là một thách thức to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, tìm hiểu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “tiết kiệm sức dân” đang trở thành vấn đề cấp bách.
Đến nay những nguy cơ đó không những chưa mất đi, mà còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây những tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước và đời sống của nhân dân. Ở nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình kinh tế, và ở các cấp, các ngành nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn gây thất thoát ngân sách của Nhà nước và tiền của của nhân dân đã được phát hiện và xử lý trong những năm qua. Tình trạng lãng phí, dàn trải trong quy hoạch phát triển và đầu tư công còn lớn. Các dự án treo, sa mạc hoá đất nông nghiệp, rồi các cảng biển, sân bay, các khu kinh tế, nhà máy thép, xi măng, sân golf…được đầu tư xây dựng ở nhiều tỉnh thành bất chấp hiệu quả kinh tế. Nhiều nhà máy không hoạt động được do thiếu nguyên liệu sản xuất, những công trình xây dựng xuống cấp nhanh chóng…là vấn đề chúng ta đang quan tâm hiện nay. Nhân dân hiện cũng đang đối mặt với nạn buôn lậu và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến chúng ta không thể không suy ngẫm. Đặc biệt là tình trạng “lãng phí chất xám”, “bạc hoá chất xám” do những yếu kém trong công tác tổ chức và bố trí cán bộ ở các cấp, các ngành còn diễn ra; một bộ phận cán bộ, công chức những người trong “biên chế” nhà nước làm việc kém hiệu quả, ỷ lại, trông chờ cũng là sự lãng phí lớn đối với “sức dân”. Gần đây, báo giới đã thông tin số liệu rằng: Hiện có khoảng hơn 30% cán bộ, công chức làm việc tương đối tốt, nhưng cũng có khoảng trên 30% không làm việc gì và cũng bằng chừng đó số cán bộ , công chức yếu kém về năng lực. Điều đó không thể không làm ta phải suy nghĩ, trăn trở, dù rằng số liệu chỉ là tương đối.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “…năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện. Đầu tư vẫn dàn trải. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn thấp, còn thất thoát, lãng phí, nhất là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước… Chất lượng nhiều công trình xây dựng cơ bản còn thấp. Quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả chưa cao, còn lãng phí… Một số tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, gây bức xúc trong xã hội… Chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, vùng, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn yếu, gây lãng phí, thất thoát lớn…” [1, tr.166-167]. Và: “…Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước… Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội” [1, tr.172]. Thêm vào đó là: “…Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; … đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa…” [1, tr.246]
Tất cả những hạn chế, yếu kém và khuyến điểm trên đây đã và đang làm “hao mòn” sức dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; và đó là những rào cản không nhỏ trong quá trình phát triển đất nước. Nó cần được nghiên cứu và giải quyết một cách thấu đáo, triệt để nhằm tạo động lực, củng cố và phát huy sức dân cho phát triển. Và như vậy, trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay, chúng ta không thể không nghiên cứu, quán triệt tư tưởng và tấm gương của Người về “Tiết kiệm sức dân” - một vấn đề có ý nghĩa thời đại và cấp bách hiện nay!
Nguyễn Gia Lộc
Danh mục tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Vũ Khiêu (1993), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc và nhân loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Theo truongchinhtritohieuhp.gov.vn
Phương Thúy (st).