Cách đây 70 năm, đứng trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của hoạt động tiếp tế hậu cần đã ra đời và ngày càng phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác hậu cần: Là khâu nối liền hậu phương với tiền tuyến và là một trong những nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Đối với ngành Hậu cần Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ bảo ân cần với những tư tưởng rộng lớn và sâu sắc, nhằm xây dựng nên một ngành cung cấp vững mạnh, bảo đảm những yêu cầu cần và đủ cho các lực lượng vũ trang, cho quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Đến giữa năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và của dân ta chuyển sang giai đoạn tiến công và phản công trên chiến trường toàn quốc, đặc biệt trên chiến trường chính Bắc bộ, nhu cầu mọi mặt của cuộc kháng chiến ngày càng nhiều. Vấn đề cung cấp cho quân đội được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm xây dựng để sản xuất, huy động kịp thời và sử dụng tốt các nguồn lực phục vụ cuộc chiến đấu. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL về việc ấn định các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Với việc ban hành Sắc lệnh này, Tổng cục Cung cấp (tiền thân của ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập, có nhiệm vụ: “Quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng”. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 123/SL bổ nhiệm các đồng chí đứng đầu ba cơ quan của Bộ Tổng tư lệnh, trong đó đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp.

Từ đây, ngành Hậu cần Quân đội đã trở thành một hệ thống tổ chức thống nhất trong toàn quân, bao gồm hậu cần cấp chiến lược, hậu cần cấp chiến dịch và hậu cần cấp chiến thuật luôn luôn sẵn sàng phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố cung cấp, hậu cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức trực tiếp tới thăm và gửi thư động viên, khích lệ, chỉ đạo đến các đơn vị đảm nhiệm công tác hậu cần phục vụ cách mạng.

Sau chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950, quân đội ta đã thu được một lượng xe ô tô vận tải của địch và thành lập thành hai đại đội vận tải ô tô đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm: Đại đội 200 và Đại đội 203 đóng quân tại làng Nà Roác, xã Bạch Đằng huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ngày 28/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hai Đại đội xe và ân cần nhắc nhở các cán bộ, chiến sỹ hậu cần: “Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe. Xăng dầu cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu"(1). Ở thời điểm đất nước ta còn nghèo, toàn dân tộc đang phải đứng trước vô vàn khó khăn, công cuộc đánh đuổi kẻ thù xâm lược còn cần nhiều cơ sở vật chất, những lời chỉ bảo ân cần sâu sắc về việc phải ra sức tiết kiệm cho sự nghiệp cách mạng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nguồn động lực mạnh mẽ đối với cán bộ chiến sĩ hậu cần, phụ trách vận chuyển phục vụ chiến đấu.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 6/1951, tại chiến khu Việt Bắc, Tổng cục Cung cấp mở lớp huấn luyện đầu tiên, đào tạo cán bộ hậu cần. Thời kỳ này, tâm lý bộ đội nói chung rất ngại làm công việc cung cấp, cho rằng làm công tác cung cấp vất vả mà cá nhân ít có điều kiện lập được thành tích như cán bộ trên mặt trận, bởi vậy số đông đều muốn tham gia trực tiếp chiến đấu. Kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của bộ đội hậu cần, ngày 02/9/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi lớp huấn luyện đào tạo cán bộ hậu cần đầu tiên. Trong thư Người chỉ rõ tầm quan trọng của công tác hậu cần quân đội: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”(2). Đồng thời, Người cũng thẳng thắn phê phán tư tưởng không đúng của cán bộ làm nhiệm vụ cung cấp lúc bấy giờ cho rằng: Cung cấp là một công việc vất vả, tầm thường, suốt ngày chỉ lo “cơm, áo, gạo, tiền”, dễ bị mang tiếng hủ hóa và khó gây được thành tích như cán bộ chỉ huy đơn vị, nên chỉ muốn tham gia trực tiếp chiến đấu mà không muốn làm công tác cung cấp. Vì vậy, Người đặt câu hỏi: “Nếu mọi người đều ra mặt trận, thì bộ đội lấy gì mà ăn, lấy gì mà đánh?”(3). Đây không chỉ là vấn đề tâm lý mà là quan điểm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích cho cán bộ, chiến sĩ hậu cần theo cách riêng của mình. Người chỉ rõ tầm quan trọng của công tác hậu cần trong quân đội và căn dặn về tinh thần phục vụ của cán bộ cung cấp.

Mục tiêu cao cả của công tác hậu cần là: Tất cả vì bộ đội, hết lòng yêu thương bộ đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đây chính là nét biểu hiện đặc trưng trong ý thức đạo đức của cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần. Mối quan hệ đặc biệt trong hoạt động của ngành Hậu cần Quân đội được nhận thức như là quan hệ máu thịt, sâu sắc và bền chặt, lại được đặt trên cơ sở tình cảm, tình đồng đội chiến đấu, là nền tảng của quan hệ đạo đức, vượt lên trên cả nhiệm vụ, nằm sâu trong bản chất của người quân nhân cách mạng. Theo Người, tinh thần trách nhiệm, tận tâm gắn bó với nghề nghiệp là một vấn đề trọng yếu của ngành Hậu cần, cán bộ cung cấp phải có quan điểm chính trị vững vàng, có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, phải có tình thương yêu chiến sỹ như anh em ruột của mình.

Trong lĩnh vực Hậu cần Quân đội gồm có các ngành chức năng như: Cục Quân lương, Cục Quân trang, Cục Quân y, Cục Quân giới, Cục Vận tải, Cục Quân vụ và Phòng Quân khí, ngành nào cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và chỉ bảo ân cần. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948, Người viết: Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… Khi gặp một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc nên “lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ… Người ta có câu "lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền…”(4). Những lời dạy bảo ân cần của Bác mãi mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho ngành Quân y trong suốt chặng đường lịch sử của mình.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18, tháng 5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần nhắc nhở: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy, cần phải thương yêu đội viên. Từ Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên… Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”(5).

Người yêu cầu: “Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị” của bộ đội, phải thật lòng thương yêu bộ đội, phải là những con người nhiệt tình, luôn luôn chủ động nâng cao ý thức trách nhiệm, trau dồi nhân cách đạo đức: “Phải thấy trước, lo trước. Phải có sáng kiến và phải tháo vát. Phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính” (6).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất tốt đẹp của con người, là đặc trưng của nhân cách người cách mạng, có vai trò to lớn trong xây dựng con người và phát triển xã hội. Với những chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm riêng, cán bộ chiến sỹ ngành Hậu cần càng cần rèn luyện những phẩm chất đó. Hoạt động của ngành Hậu cần gắn liền với một khối lượng lớn cơ sở vật chất: Tiền bạc, hàng hóa, thuốc men, lương thực, phục vụ bảo đảm cho các đơn vị quân đội, nên trực tiếp quan hệ đến ý thức cần - kiệm - liêm - chính trong mỗi con người làm công tác cung cấp. Hoạt động trong môi trường quân sự nhưng lại mang nội dung vật chất, đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần phải bao quát toàn diện, sâu sát, tỷ mỉ, thận trọng và nghiêm túc. Dù là cơ chế cấp phát hiện vật nhưng vẫn phải bảo đảm cấp phát theo tiêu chuẩn, định lượng của bộ đội. Trong hoạt động thực tiễn, để thực sự đạt được phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần phải không ngừng nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao mức sống của bộ đội; sống trong sạch lành mạnh, đề cao dân chủ, trung thực mẫu mực, việc gì có lợi cho bộ đội, cho quân đội thì nhất định làm, việc gì có hại đến dân, đến đời sống bộ đội thì phải hết sức tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một cách rõ ràng rằng: Nếu bộ đội không được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe thì dù có quyết tâm đến mấy, tổ chức kỷ luật thế nào cũng không thể có đủ sức lực để hoạt động, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Bởi vậy Người thường nhắc cán bộ, chiến sỹ Hậu cần: Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy phải quý trọng, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Người căn dặn: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sỹ. Đó là bổn phận của các chú” (7).

Ghi nhớ lời dạy đó, các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên ngành Hậu cần luôn thực hiện tiết kiệm, chắt chiu, bảo vệ mọi tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm đúng định lượng, tiêu chuẩn, chế độ quy định; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô lãng phí, cửa quyền, hách dịch, ăn bớt, cắt xén tiêu chuẩn của bộ đội, của đơn vị làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe và sức chiến đấu của bộ đội.

Khi bàn về vấn đề hủ hóa mà dư luận đánh giá về ngành Hậu cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ngành nào cũng có thể hủ hóa, người nào cũng có thể hủ hóa nếu tự mình không tu luyện đạo đức, không tự phê bình và phê bình, sao nhãng, bỏ bê công việc, không chịu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, v.v.. muốn tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thì phải dân chủ, làm cho mọi người tự phê bình mình và dám phê bình người. Vậy nên để cải chính dư luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc đề nghị cán bộ cung cấp: Không tham ô lãng phí một đồng tiền, một bát gạo, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội và “cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính… để cải chính dư luận bảo rằng: Cán bộ cung cấp thường hủ hóa”.(8)

Với tấm lòng của con người hết lòng vì dân vì nước, luôn lo nghĩ đến đời sống của chiến sỹ ngoài mặt trân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm của mình về công tác, nhiệm vụ, vai trò của ngành Hậu cần Quân đội, Người động viên, cổ vũ, kêu gọi tinh thần trách nhiệm của chiến sĩ làm công tác hậu cần. Đồng thời, Người cũng nêu rõ những yêu cầu căn bản về phẩm chất, trách nhiệm của người làm công tác hậu cần. Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp huấn luyện đào tạo cán bộ hậu cần đã giải tỏa mọi tâm tư, thắc mắc, suy nghĩ tiêu cực, không yên tâm của một số cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần Quân đội. Biết được quan điểm và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành hậu cần quân đội đã quán triệt tinh thần, một lòng tin tưởng, dốc tâm, dốc sức phụng sự kháng chiến.

Trong Hội nghị Cung cấp toàn quân lần thứ nhất ngày 25/6/1952, Chủ tịch Hồ chí Minh nhấn mạnh: “Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy…”(9). Đồng thời, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ hậu cần phải tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ làm tốt công tác mình đảm nhiệm. Theo Người, công tác hậu cần là công tác cách mạng, người làm công tác hậu cần cũng là chiến sĩ cách mạng của Đảng, thế nên phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng, gương mẫu và thật sự là đày tớ của nhân dân. Cán bộ chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đội phải gạt bỏ những tính toán cá nhân, những tư tưởng vụ lợi để tự hào về nghề nghiệp của mình mà gắn bó. Đội ngũ cán bộ hậu cần trong những năm kháng chiến chống Pháp được rèn luyện, trưởng thành nhanh chóng qua thực tiễn công tác là nhờ sự quan tâm chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngành Hậu cần Quân đội luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, ngành Hậu cần quân đội đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngành Hậu cần Quân đội đã đảm nhận vai trò to lớn của mình, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, lực lượng Hậu cần Quân đội đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, vừa sản xuất cung cấp vũ khí, lương thực, quần áo cho bộ đội trên các mặt trận, vừa điều trị thương binh, vừa tham gia chiến đấu. Mùa Xuân năm 1954, tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay lập tức, công tác hậu cần đã được tính toán, chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng phục vụ chiến đấu. Các đoàn xe vận tải ngày đêm vượt đèo Pha đin vận chuyển lương thực, vũ khí; hàng trăm xe đạp thô sơ được chiến sĩ cung cấp sử dụng để thồ chuyển gạo, muối, thuốc men từ dưới xuôi lên miền núi để phục vụ chiến dịch; các trạm quân y, bệnh viện dã chiến cũng được dựng lên giữa rừng xanh phục vụ thương bệnh binh, nhiều đội quân y đường hầm được hình thành, trực tiếp tham gia điều trị các chiến sỹ bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, gian khổ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 07/5/1954, quân và dân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính Phủ và quân đội nhân dân Việt Nam trở về Hà Nội, Người vẫn tiếp tục chú trọng, dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác hậu cần quân đội với mục tiêu phục vụ công cuộc xây dựng kiến thiết miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Người đã dành thời gian đi tham quan và đóng góp ý kiến tại các triển lãm về sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành Hậu cần quân đội, như cải tiến các thiết bị y tế, doanh cụ do bộ đội Hậu cần sản xuất trang bị cho bộ đội, khu trưng bày các sản phẩm tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội. Ngày 04/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và để lại bút tích tại Triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Hậu cần Quân đội: “Cuộc trưng bày này của Tổng cục Hậu cần chứng tỏ rằng quân đội ta đã có cố gắng nhiều và đã có thành tích khá trên con đường cải tiến kỹ thuật nhằm tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm” và “Bác mong chiến sỹ và cán bộ ta cố gắng mãi và tiến bộ nhiều”.

Mùa Thu năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng và qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của toàn quân, toàn dân Việt Nam và bạn bè tiến bộ trên toàn thế giới. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đi xa, nhưng những quan điểm, tư tưởng sâu sắc và lời căn dặn, chỉ bảo ân cần của Người về ngành Hậu cần Quân đội vẫn luôn được cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần khắc ghi và quyết tâm thực hiện tốt nhất.

Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân về nước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì lực lượng cố vấn và bảo trợ cho ngụy quyền Sài Gòn để làm tay sai. Trong bối cảnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngành Hậu cần chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ. Từ chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục Hậu cần xây dựng kế hoạch hậu cần 3 năm (1973 - 1975), trong đó trọng tâm là chi viện lực lượng, phương tiện và vật chất cho miền Nam. Để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, công tác hậu cần đặt ra những yêu cầu hết sức to lớn, phức tạp và vô cùng khẩn trương. Song lực lượng hậu cần đã khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm khối lượng vật chất - kỹ thuật khổng lồ, góp phần quan trọng để chiến dịch toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Hậu cần Quân đội luôn luôn thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và tư tưởng chỉ đạo cùng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thấm nhuần lời dạy của Người, cán bộ, chiến sỹ toàn quân nói chung, ngành Hậu cần Quân đội nói riêng đã thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng và năng lực công tác. Ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mọi nhu cầu vật chất, hậu cần kĩ thuật cho các lực lượng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, từng bước xây dựng và phát triển ngành Hậu cần Quân đội cách mạng, chính quy tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu bảo đảm hậu cần trong thời kỳ mới./.

Nguyễn Thị Lệ Thủy
Phòng Tuyên truyền giáo dục
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/
Lệ Minh (st)

Chú thích:

1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 58.

2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 179.

3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 17, tr. 180.

4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 5, tr. 486.

5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 76.

6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 180.

7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 433.

8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 180.

9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 434.

Bài viết khác: