Thủ đô Luân Đôn của Đảo quốc sương mù giờ đây không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế. Đối với mỗi người Việt Nam, đến với Luân Đôn là đến với những ký ức về Bác Hồ, những câu chuyện về viên gạch sưởi ấm, về chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với Vua bếp huyền thoại Escoffier mà ai ai cũng từng được nghe từ những ngày đầu cắp sách tới trường...

dau chan Bac Ho 1
Tòa nhà New Zealand trên nền khách sạn Carlton, nơi Bác Hồ từng làm việc.

Hiện có nhiều thông tin khác nhau về các mốc thời gian Bác làm việc ở Anh. Tuy nhiên, giới nghiên cứu lịch sử cả Việt Nam và quốc tế có lẽ đồng quan điểm rằng thời gian Bác Hồ ở Luân Đôn là từ năm 1913 tới 1917. Nơi được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian Bác ở Luân Đôn là khách sạn Carlton, địa điểm giờ đây là nơi tọa lạc của tòa nhà New Zealand và cũng là nơi làm việc của phái đoàn ngoại giao nước này.

Tòa nhà 19 tầng hiện đại nằm trên phố Haysmarket tấp nập, gần với Quảng trường Tralfagar có những chú sư tử đá biểu tượng của nước Anh, Cung điện của Nữ hoàng và các cơ quan đầu não của Chính phủ Anh, được xây dựng năm 1959 trên nền của khách sạn Carlton trước đây. Nơi đây hiện có tấm biển màu xanh do Hội Hữu nghị Anh - Việt và các bạn bè Anh yêu quý Việt Nam đặt từ những năm 1990 ghi: “Hồ Chí Minh (1890 - 1969) - Người khai sinh ra nước Việt Nam - đã làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà cũ trên nền đất này, năm 1913”.

Ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt, một người bạn thân thiết của Việt Nam, kể rằng việc đặt được tấm biển trên tường của tòa nhà này không phải là dễ dàng. Dự án đặt tấm biển này cũng kéo dài mất 2 - 3 năm và cũng phải nhờ tới các chính trị gia có tiếng mới có thể trở thành hiện thực. Ông Len Aldis nói vui rằng, “vì là tấm biển tưởng niệm Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại được cả thế giới biết đến, chứ nếu là... người khác chắc không được”.

Ông Len kể: “Khi mới tới Carlton, ông Hồ chỉ được giao nhiệm vụ dọn dẹp và rửa bát đĩa. Câu chuyện về việc ông Hồ cất những món ăn thừa để chuyển cho những người nghèo, người ăn xin ngoài đường mà thế hệ trẻ như bạn được nghe chính là bắt nguồn từ đây. Cảm kích trước hành động của ông Hồ, vị đầu bếp huyền thoại người Pháp Escosffier của khách sạn đã chuyển ông Hồ lên khu vực làm bánh và “truyền nghề” cho ông. Nhưng điều đó cũng không thể giữ ông Hồ ở lại xứ sương mù này bởi chất chứa trong ông là hoài bão giải phóng dân tộc...”.

dau chan Bac Ho 2
Ông Lens Aldis (phải), Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt,
đã giúp dựng tấm biển tưởng niệm Hồ Chí Minh tại tòa nhà New Zealand.

Trái ngược với vẻ hiện đại, ngạo nghễ của tòa nhà 19 tầng trên mặt đất, tầng hầm của tòa nhà New Zealand vẫn giữ nguyên từ thuở nó còn là khách sạn Carlton. Qua hai lượt cầu thang đi xuống là khu phòng được cho là nơi nghỉ ngơi của các nhân viên làm việc tại khách sạn trước đây. Khu phòng này có độ cao chỉ hơn 2m một chút với lối đi khá hẹp, có lẽ chỉ đủ cho 2 người và mỗi phòng có diện tích chỉ khoảng 10m2. Hầu hết các phòng này giờ đây chuyển thành phòng chứa đồ cũ.

Nếu tới Luân Đôn vào mùa đông và nhìn những căn phòng bé nhỏ, lạnh lẽo, không có hệ thống lò sưởi này mới thực sự thấu hiểu được câu chuyện Bác phải dùng viên gạch nóng để sưởi ấm trong mùa đông băng tuyết. Như lời ông Len kể, thời Bác Hồ ở Luân Đôn, chỉ có những người giàu có, quý tộc mới được ở trong những căn nhà có lò sưởi chạy bằng khí đốt hoặc mới có điều kiện để dùng lò sưởi đốt gỗ. Luân Đôn ngày đó vắng vẻ, lạnh lẽo và hay mù sương chứ không giống như bây giờ...

Tiến sỹ John Callow, Giám đốc Thư viện Marx ở Luân Đôn, người nghiên cứu khá nhiều về Bác Hồ kể rằng, trong thời gian làm việc ở khách sạn Carlton, Bác Hồ làm việc từ 5 giờ sáng đến trưa và từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Nhờ đó, Bác có thời gian tìm hiểu về Luân Đôn và học tiếng Anh. “Ông Hồ tới đây làm việc không phải chỉ đơn giản là để kiếm tiền và sống mà để tìm hiểu bản chất của những dây xích ràng buộc dân tộc mình và các nước thuộc địa với các nước thực dân. Qua học hỏi, nghiên cứu, ông Hồ hiểu rằng chỉ có lòng dũng cảm thì chưa đủ để giải phóng dân tộc mình mà cần phải nghiên cứu đầy đủ về sự phát triển của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc mới có thể phản kháng một cách hiệu quả...”, ông John Callow cho biết.

dau chan Bac Ho 3
Phố Stephen, nơi Bác từng ở căn nhà số 8, giờ đã khác xưa.

Cũng theo Tiến sỹ John Callow, trong thời gian ở Luân Đôn, Bác từng làm các công việc nặng nhọc như cào tuyết ở trường học, điều khiển hệ thống nước nóng. Còn trong lĩnh vực “bếp núc” thì Bác còn từng làm việc ở khách sạn Drayton Court ở West Ealing, phía tây Luân Đôn, trước khi chuyển đến Carlton. Theo tư liệu ông có được thì Bác Hồ cũng từng ở một căn nhà ở số 8 phố Stephen, cắt phố Tottenham Court, cách khách sạn Carlton khoảng 30 phút đi bộ.

Phố Stephen ngày nay không còn căn nhà số 8 trước kia. Với chiều dài vỏn vẹn khoảng 500m, chặn 2 đầu là phố Tottemham Court và phố Gresse, phố Stephen hiện là nơi tọa lạc của hai tòa nhà, số 1 là khách sạn cao ngất ngưởng và đối diện là số 2 thuộc sở hữu của Viện Phim Anh (BFI). Mặt cắt của phố Stephen với Tottenham Court giờ là những tòa nhà cao tầng với các cửa hàng điện tử, thời trang san sát. Có lẽ những ngôi nhà cũ xưa kia đã bị tàn phá trong trận ném bom “The Blitz” của Đức những năm 1940 - 1941.

dau chan Bac Ho 4
Khách sạn Drayton Court tại West Ealing, nơi Bác Hồ từng làm phụ bếp trước khi tới khách sạn Carlton.

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh - Những năm tháng chưa được biết đến” của NXB Đại học California, tác giả Sophie Quinn-Judge cho biết, Bác cũng đã từng gửi bưu thiếp cho cụ Phan Chu Trinh ở Pari (Pháp) từ địa chỉ ngôi nhà này. Ông John Callow kể rằng, do có mối liên hệ với phong trào công nhân Anh, với phong trào công nhân Việt Nam và là một nhà hoạt động công chúng nên Bác Hồ đã bị cảnh sát Anh chú ý. Căn nhà tại số 8 phố Stephen thường xuyên bị cảnh sát theo dõi, tuy nhiên khi lực lượng cảnh sát Anh đột nhập theo đề nghị bắt giữ Bác của cảnh sát Pháp thì Bác đã trốn khỏi đó và đến tháng 12/1917 thì Bác sang Pháp.

Khách sạn Drayton Court, tại số 2 phố The Avenue, nơi Bác làm việc một thời gian ngắn trước khi tới Carlton, cách trung tâm Luân Đôn khoảng 40 phút đi tàu điện ngầm. Khách sạn Drayton chính thức đi vào hoạt động năm 1894 với 60 phòng, tọa lạc ở khu khá vắng vẻ dân cư, khác hẳn so với khu trung tâm sầm uất, nhộn nhịp ở trung tâm Luân Đôn. Dù vẫn giữ nguyên hình dáng cũ nhưng bộ mặt của khách sạn ngày nay hào nhoáng hơn nhờ tu sửa và trang trí. Sau khi ngừng dịch vụ thuê phòng và chuyển thành quán rượu lớn nhất tại quận Ealing những năm 1940, Drayton Court giờ đây lại trở lại vai trò là một khách sạn với 27 phòng sang trọng và đầy đủ dịch vụ quán rượu và nhà hàng như xưa kia.

Dù tấm biển hiện nay ở tòa nhà New Zealand nói rằng Bác đã bắt đầu làm việc tại đó từ năm 1913 nhưng tư liệu lịch sử của quận Ealing cho rằng Bác đã làm việc ở khách sạn Drayton Court năm 1914. Tư liệu của quận Ealing giới thiệu về khách sạn Drayton Court viết: “Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của Việt Nam, đã làm việc cần cù trong bếp ăn của khách sạn Drayton Court năm 1914, trước khi tiếp tục ra đi tìm đường thay đổi lịch sử đất nước ông, đánh đuổi các lực lượng đến từ Nhật Bản, Pháp và Mỹ”. Trong một tấm bưu thiếp gửi từ địa chỉ khách sạn này cho cụ Phan Chu Trinh ở Pari, Bác Hồ nói rằng mình đã tìm được nơi học tiếng: “Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây suốt”.

Những mốc thời gian cụ thể trong những tháng ngày Bác ở Luân Đôn có thể còn chưa thực sự rõ nhưng một điều rõ ràng không thể phủ nhận là thời gian Bác ở Thủ đô xứ sương mù đã được lịch sử thế giới ghi nhận với sự khâm phục về nghị lực và ý chí của một con người Việt Nam vĩ đại. Tại đây, Bác đã làm rất nhiều việc, từ cào tuyết cho tới rửa bát, phụ bếp để tồn tại và tìm hiểu về bản chất của chủ nghĩa tư bản, từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Người ta nói rằng, đến nước Anh mà chưa đến thăm Di tích lịch sử Stonehenge thì chưa phải là đến nước Anh. Còn đối với những người dân Việt Nam, đến Luân Đôn mà chưa tới thăm lại những nơi Bác đã từng làm việc thì có lẽ chưa phải là đến Luân Đôn…

Theo baotintuc.vn
Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: