“Mắc bệnh thành tích” là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên và tổ chức đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã chỉ ra. “Mắc bệnh thành tích” trong lĩnh vực nào cũng nguy hiểm nhưng “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng là nguy hiểm hơn cả, vì xây dựng Đảng được coi là nhiệm vụ then chốt.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Bệnh thành tích” là mặt tiêu cực của thành tích, đó là thành tích giả, thành tích ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có, hoặc có thể là thành tích thật nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua mà đạt thành tích bằng mọi giá, “lạng lách, đánh võng” giữa các quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước, thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.
Hiện nay, “bệnh thành tích” được nhắc nhiều trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế, giáo dục, thể thao, công tác Đoàn và phong trào thanh niên… nhưng trên thực tế, Đảng ta là Đảng cầm quyền, nên “bệnh thành tích” trong mọi lĩnh vực cuối cùng đều dồn tụ về công tác xây dựng Đảng.
Theo TS. Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Chống “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất sớm trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947. Thời kỳ này, Người gọi “bệnh thành tích” là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện như: “Làm được ít thì suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”. Có thể khẳng định, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI và Khóa XII) về công tác xây dựng Đảng chính là những lời tuyên chiến rõ ràng, quyết liệt nhất của Đảng ta đối với “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng hiện nay biểu hiện ngay trong công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Trì hoãn, làm lướt, làm ngơ việc phổ biến nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên khi nghị quyết đó “bắt đúng bệnh” của địa phương, đơn vị mình. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Khóa XI), đã có những địa phương cố tình trì hoãn phổ biến Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về chất vấn trong cấp ủy và không chú trọng tổ chức thực hiện ở các cấp vì sợ thực hiện sẽ phát hiện ra những hạn chế, khuyết điểm trong đảng bộ và người đứng đầu địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, việc phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Đảng hiện nay còn có hiện tượng có những giải thích, bình luận làm sai lệch quan điểm, đường lối của Đảng. Những vấn đề có lợi cho “lợi ích nhóm” của người đứng đầu thì phổ biến sâu và lái theo ý đồ của người phổ biến để trục lợi.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng còn biểu hiện qua việc né tránh những vấn đề quan trọng, bức xúc của xã hội. Những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương hay của đơn vị lẽ ra cần được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi thường được ém nhẹm bởi lý do tế nhị, nhạy cảm hoặc được đóng dấu mật để che mắt dư luận. Cùng với đó là hiện tượng thổi phồng, đánh bóng những tập thể, cá nhân nhằm tô vẽ cho những “nhóm lợi ích”. Hiện tượng một số cơ quan báo chí “đánh hội đồng” một tập thể, cá nhân nào đó theo “đơn đặt hàng” hay tập trung tin, bài quá nhiều về một cá nhân, một tập thể trước kỳ mỗi kỳ bầu cử chính là biểu hiện rõ nét của “bệnh thành tích”. Đặc biệt, các địa phương, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp lớn có xu hướng “liên kết nhóm” với các cơ quan truyền thông đại chúng lớn dưới “vỏ bọc” hợp tác, hỗ trợ truyền thông, thông qua đó hạn chế việc đề cập các khuyết điểm, thường chỉ chú trọng thành tích mà không thông tin, tuyên truyền đúng mức tính chất, mức độ các vụ việc tiêu cực xảy ra tại địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đó.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng đang “bám rễ” vào cả mảng công tác tinh hoa, đó là công tác lý luận. Không ít cấp ủy chi tiêu tốn kém cho những công trình, đề tài “đao to, búa lớn” nhằm lấy thành tích cho người đứng đầu mà không tìm ra cái mới, cái thiết thực cho công tác lãnh đạo. Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, “bệnh thành tích” rất rõ qua những ồn ào trong việc tặng thưởng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú hay những cơn “mưa” giải thưởng văn học - nghệ thuật, trong khi nhiều tác phẩm, nghệ sĩ đạt giải cao lại không tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về tổ chức đang có những biểu hiện nghiêm trọng. Cụ thể như việc “bổ nhiệm trong chuyến tàu vét” khi đến lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” từng diễn ra ở Thanh tra Chính phủ trước đây hay Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam là một ví dụ. Chuyện “tân quan, tân chính sách”, mỗi cán bộ khi trở thành người đứng đầu cố “vẽ” thêm những tổ chức mới nhằm xin thêm biên chế hoặc tình trạng “giảm đầu mối” hình thức hiện nay là nguyên nhân khiến cho công tác tinh giản biên chế, tổ chức theo yêu cầu của Bộ Chính trị chưa thực hiện được.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về tổ chức còn thể hiện qua việc kết nạp đảng viên chạy theo số lượng mà chưa chú ý vấn đề chất lượng. Nhiều cấp ủy đảng hay “kêu khó” trong công tác phát triển Đảng để biện minh cho những việc làm trái nguyên tắc của mình mà không thấy rằng kết nạp nhầm đảng viên còn nguy hại hơn nhiều.
“Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng hiện nay gây bức xúc dư luận nhiều nhất là việc lợi dụng các quy định của Đảng về tỷ lệ lãnh đạo để “bổ nhiệm thần tốc” những người thân quen của người đứng đầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần yêu cầu ngành tổ chức - cán bộ trả lời câu hỏi về các hiện tượng “chạy ai, ai chạy”, “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì phả hệ, thứ ba quan hệ, thứ tư tiền tệ, thứ năm trí tuệ”… Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
“Bệnh thành tích” còn có cả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Biểu hiện trong lĩnh vực này tuy ít, nhưng vô cùng nguy hiểm. Như việc một số cấp ủy chạy theo thành tích xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra dàn trải, tràn lan để báo cáo nhưng không thực hiện hoặc kiểm tra qua loa, đại khái, trở thành “tấm khiên” che đỡ cho các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc tình trạng chọn những điển hình tiên tiến để kiểm tra nhằm tạo vẻ đoàn kết, bình yên giả tạo hoặc đánh bóng tên tuổi cho cá nhân, tổ chức cấp trên.
Hậu quả của “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng là vô cùng lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng rằng, đây là một hiện tượng xã hội nguy hại, cần có cách thức phòng, chống phù hợp với những bước đi, việc làm kiên trì và kiên quyết trong từng giai đoạn.
Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ về những vấn đề này, thấy rõ thực trạng, hiểu rõ nguyên nhân, nắm chắc cả khó khăn và thuận lợi khi tiến hành phòng, chống, để từ đó thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này khỏi xã hội.
Các tổ chức đảng cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, với những nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp (trong sinh hoạt chi bộ, thông qua tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội…) để qua đó cung cấp cho đảng viên và quần chúng cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến tướng của “bệnh thành tích”, các biện pháp phòng, chống trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Chống “bệnh thành tích” phải được tổ chức ngay từ những tổ chức đảng nhỏ nhất như tổ đảng, chi ủy, chi bộ cho đến Trung ương. Trước hết, với các tổ chức cơ sở đảng, chống “bệnh thành tích” phải xuất phát từ việc xây dựng các nghị quyết, quy chế, quy định sát đúng, kiên quyết không để các nghị quyết, quy chế, quy định của tập thể trở thành nơi hợp thức hóa những ý chí cá nhân của người đứng đầu. Phải gắn liền giữa chống “bệnh thành tích” với “tư duy nhiệm kỳ”, nếu không nhận rõ vấn đề này thì các cấp ủy dễ bị mất sức chiến đấu, vô hiệu hóa hoặc trở thành bình phong cho người đứng đầu trong việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết.
Trong công tác thi đua hiện nay, các tập thể, cá nhân cần bám sát mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong từng thời gian, nắm chắc Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn để lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả chính là biện pháp cơ bản nhất để chống “bệnh thành tích”. Phải quan tâm khắc phục tình trạng những nơi không đủ điều kiện, khả năng nhưng vẫn cố tham gia phong trào để đạt thành tích nhằm đánh bóng những “nhóm lợi ích” hay người đứng đầu. Đặc biệt, với những lĩnh vực mà “bệnh thành tích” đang có “biểu hiện nặng” như kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, thể thao, công tác Đoàn và phong trào thanh niên… thì cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục của cấp ủy các cấp.
Phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng viên và quần chúng trong mỗi tổ chức đảng hiện nay là biện pháp rất quan trọng để chống “bệnh thành tích”. Quần chúng rất tinh tường trong đánh giá đâu là thành tích thật, đâu là “bệnh thành tích”. Phát huy quyền làm chủ tập thể phải gắn liền với nâng cao trình độ hiểu biết của quần chúng về phong trào thi đua, như thế sẽ tránh được tình trạng lôi kéo, tập hợp quần chúng của những “nhóm lợi ích” trong mỗi tập thể.
Cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong chống “bệnh thành tích”. Thực chất, “bệnh thành tích” tuy là của tập thể nhưng thường gắn liền với người đứng đầu. Việc chọn người đứng đầu có ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với tinh thần tôn trọng khách quan, đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; đặt lợi ích tập thể và lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết… thì sẽ chống “bệnh thành tích” có hiệu quả.
Giải pháp tổng thể để phòng, chống “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng chính là thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu ra, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ thứ nhất “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Với mỗi đảng viên và tổ chức đảng, việc thực hiện chương trình, kế hoạch của cấp mình theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị chính là việc làm cụ thể, thiết thực nhất để góp phần vào công cuộc chống “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng hiện nay.
Nguyễn Hồng - Song Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Khánh Vân (st)