Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

1. Thông tư số 13/2018/TT-BKHCN ngày 05/9/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.

Thông tư liên tịch này quy định các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ đối với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ sử dụng trong y tế và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân; yêu cầu đối với phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng làm việc với nguồn phóng xạ và thuốc phóng xạ, phòng lưu người bệnh điều trị bằng phóng xạ (tiêm, truyền, uống thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ) và kho lưu giữ nguồn phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ; yêu cầu đối với việc lắp đặt, vận hành thiết bị bức xạ; yêu cầu kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp, chiếu xạ công chúng và chiếu xạ y tế; yêu cầu về ứng phó sự cố bức xạ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.

Thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế là các thiết bị phát tia X được sử dụng để chiếu, chụp chẩn đoán bệnh, bao gồm: Thiết bị X-quang chụp răng (chụp răng toàn cảnh, chụp sọ, chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng, chụp cắt lớp vi tính sử dụng chùm tia hình nón); thiết bị X-quang chụp vú; thiết bị X-quang di động; thiết bị X-quang đo mật độ xương; thiết bị chiếu, chụp X-quang tổng hợp; thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình; thiết bị chụp cắt lớp vi tính; thiết bị X-quang thú y.

Thiết bị xạ trị là các thiết bị phát bức xạ ion hóa được sử dụng trong y tế để điều trị bệnh, ví dụ như thiết bị X-quang xạ trị, máy gia tốc tuyến tính, thiết bị xạ trị từ xa dùng nguồn phóng xạ, thiết bị xạ trị áp sát, thiết bị Gamma Knife, thiết bị Cyber Knife, thiết bị X Knife, thiết bị Tomotherapy, thiết bị xạ trị Proton và các thiết bị khác

Theo Thông tư, các cơ sở y tế không được sử dụng người dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

2. Thông tư số 22/2018/TT-BYT ngày 12/9/2018 của Bộ Y tế quy định danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.

Danh mục này bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư, trước ngày 01/7/2019, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố trước ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.

Thông tư này quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (sau đây gọi tắt là sản phẩm) không bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quy định tại Điều 1 Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, có hai hình thức thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm là thu hồi tự nguyện và thu hồi bắt buộc. Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi sản phẩm do tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm (sau đây gọi tắt là chủ sản phẩm), tự nguyện thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ảnh của tổ chức, cá nhân về sản phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3. Thu hồi bắt buộc là việc chủ sản phẩm thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền sau đây:

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm).

- Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Sau khi bị thu hồi, những thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ được xử lý theo một trong các hình thức sau:

- Khắc phục lỗi ghi nhãn: Áp dụng đối với sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.

- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng với sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác.

- Tái xuất: Áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

- Tiêu hủy: Áp dụng với trường hợp sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

4. Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 Bộ Tài chính ban hành quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan Trung ương).

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là địa phương).

- Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Các tổ chức sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Nguồn kinh phí thực hiện là từ ngân sách nhà nước; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập; các khoản đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu phí được để lại theo quy định của pháp luật phí, lệ phí (trong trường hợp có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi tiếp khách nước ngoài, chi hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiếp khách trong nước).

Thông tư cũng quy định các khoản chi liên quan đến chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam do Việt Nam chi toàn bộ chi phí trong nước, như:

- Chi tặng hoa tại sân bay đối với khách hạng đặc biệt; tặng hoa trưởng đoàn khách hạng A, hạng B thì mức chi là 500.000 đồng/người. Chi thuê phòng chờ tại sân bay áp dụng đối với khách hạng đặc biệt, khách hạng A, khách hạng B. Giá thuê phòng chờ thanh toán căn cứ theo hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

- Đối với tiêu chuẩn xe ô tô, khách hạng đặc biệt sử dụng xe lễ tân Nhà nước theo quy chế của Bộ Ngoại giao và các quy định hiện hành có liên quan. Đoàn là khách hạng A thì Trưởng đoàn bố trí một xe riêng, Phó đoàn và đoàn viên 3 người/một xe. Riêng trường hợp phó đoàn và đoàn viên là cấp Bộ trưởng bố trí 1 người/xe, phó đoàn và đoàn viên là cấp Thứ trưởng và tương đương 2 người/xe. Đoàn tuỳ tùng đi xe nhiều chỗ ngồi.

Đoàn là khách hạng B, hạng C, trưởng đoàn bố trí một xe riêng. Riêng trường hợp phó đoàn là cấp thứ trưởng và cấp tương đương bố trí 2 người/xe. Các đoàn viên trong đoàn đi xe nhiều chỗ ngồi. Giá thuê xe được thanh toán căn cứ vào hợp đồng thuê xe và hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

- Về vấn đề chỗ ở, tiêu chuẩn thuê chỗ ở của khách hạng đặc biệt do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt. Đối với đoàn là khách hạng A, Trưởng đoàn là 5,5 triệu đồng/người/ngày; Phó đoàn là 4,5 triệu đồng/người/ngày; đoàn viên là 3,5 triệu đồng/người/ngày.

Trường hợp đoàn là khách hạng B thì mức chi cho trưởng đoàn, phó đoàn là 4,5 triệu đồng/người/ngày; đoàn viên là 2,8 triệu đồng/người/ngày. Đối với đoàn khách hạng C, Trưởng đoàn là 2,5 triệu đồng/người/ngày; đoàn viên là 1,8 triệu đồng/người/ngày. Khách mời quốc tế khác là 800 nghìn đồng/người/ngày.

- Mức chi ăn hàng ngày đã bao gồm tiền đồ uống (khuyến khích sử dụng đồ uống sản xuất tại Việt Nam), cụ thể:

+ Khách hạng đặc biệt: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt trong chương trình, đề án đón đoàn.

+ Đoàn là khách hạng A: 1.500.000 đồng/ngày/người.

+ Đoàn là khách hạng B: 1.000.000 đồng/ngày/người.

+ Đoàn là khách hạng C: 800.000 đồng/ngày/người.

+ Khách mời quốc tế khác: 600.000 đồng/ngày/người.

Trong trường hợp cần thiết phải có cán bộ của cơ quan, đơn vị đón tiếp đi ăn cùng đoàn thì được tiêu chuẩn ăn như đối với đoàn viên của đoàn khách nước ngoài.

Chứng từ thanh toán căn cứ vào hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật…

5. Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2018.

Thông tư nêu rõ chỉ tiêu và thời gian tuyển quân hằng năm, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giao chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về tiêu chuẩn tuyển quân: Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

VB P2 2
Ảnh minh họa: Internet

Tiêu chuẩn sức khỏe: Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

Tiêu chuẩn văn hóa: Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không bảo đảm đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

Về quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ: Theo Thông tư, tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%...

Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây: Con của liệt sỹ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sỹ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

6. Thông tư số 150/2018/TT-BQP ngày 11/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2018.

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tiêu chuẩn doanh cụ ban hành kèm theo Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định trong Thông tư thì thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư này.

Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm:

- Cơ quan, đơn vị, đoàn kinh tế quốc phòng và tổ chức khác thuộc Bộ Quốc phòng được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động; Ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoạt động chuyên trách được thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong Bộ Quốc phòng.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ; công nhân và viên chức quốc phòng trong tổ chức biên chế của Bộ Quốc phòng.

Theo Thông tư, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho các chức danh lãnh đạo: Thủ trưởng các quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; các cục, vụ, viện, trung tâm trực thuộc Bộ; vùng Hải quân, vùng Cảnh sát Biển; các cục thuộc Bộ Tổng Tham mưu, các cục thuộc tổng cục; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; các bệnh viện: TWQĐ 108, 175, Viện Y học CTQĐ; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ban Cơ yếu Chính phủ và tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,00 đến dưới 1,25), được quy định chi tiết tại Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

TT

Tiêu chuẩn, định mức

Số lượng tối đa

Mức giá tối đa (triệu đồng/chiếc hoặc bộ)

II

Thủ trưởng các quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; các cục, vụ, viện, trung tâm trực thuộc Bộ; vùng Hải quân, vùng Cảnh sát Biển; các cục thuộc Bộ Tổng Tham mưu, các cục thuộc tổng cục; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; các bệnh viện: TWQĐ 108, 175; Viện Y học CTQĐ; BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ban Cơ yếu Chính phủ và tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,00 đến dưới 1,25)

1

Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh (tính cho 01 người)

1. Bộ bàn ghế ngồi làm việc

01 bộ

10

2. Tủ đựng tài liệu

02 chiếc

5

3. Máy vi tính để bàn hoặc máy vi tính xách tay (hoặc thiết bị điện tử tương đương)

01 bộ hoặc 01 chiếc

15

4. Máy in

01 chiếc

10

5. Điện thoại cố định (không kể điện thoại công vụ)

01 chiếc

0,75

2

Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho phòng làm việc của chức danh (tính cho 01 phòng làm việc)

1. Bộ bàn ghế họp

01 bộ

10

2. Bộ bàn ghế tiếp khách

01 bộ

10

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quy định chi tiết tại Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

TT

Tiêu chuẩn, định mức

Số lượng tối đa

Mức giá tối đa (triệu đồng/chiếc hoặc bộ)

II

Cơ quan quân khu, quân chủng, BTL Biên phòng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, BTL Thủ đô Hà Nội, BTL Cảnh sát Biển, BTL 86, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; các bệnh viện: TWQĐ 108, 175, Viện Y học CTQĐ; Ban Cơ yếu Chính phủ

1

Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến (tính cho 01 người)

1. Bộ bàn ghế ngồi làm việc

01 bộ

5

2. Tủ đựng tài liệu

01 chiếc

5

3. Máy vi tính để bàn hoặc máy vi tính xách tay

01 bộ

15

4. Điện thoại cố định

01 chiếc

0,3

2

Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho phòng làm việc (tính cho 01 phòng làm việc)

1. Bộ bàn ghế họp, tiếp khách

01 bộ

10

2. Máy in

01 chiếc

10

3. Điện thoại cố định

01 chiếc

0,3

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho phòng làm việc Văn thư bảo mật cơ quan, đơn vị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quy định chi tiết tại Mục II Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

TT

Tiêu chuẩn, định mức

Số lượng tối đa

Mức giá tối đa (triệu đồng/chiếc hoặc bộ)

II

Các quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, BTL Thủ đô Hà Nội, BTL Cảnh sát Biển, BTL 86, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ; Ban Cơ yếu Chính phủ

1

Bộ bàn ghế họp, tiếp khách

01 bộ

10

2

Tủ đựng tài liệu

05 chiếc

5

3

Giá đựng công văn đi, đến

01 bộ

2

4

Máy tính để bàn

03 bộ

15

5

Máy in

03 chiếc

10

6

Máy photocopy

02 chiếc

90

7

Máy fax

01 chiếc

7

8

Máy điện thoại cố định

01 chiếc

0,3

9

Máy scan

01 chiếc

25

10

Máy hút bụi

02 chiếc

7

11

Máy hút ẩm

02 chiếc

10

12

Máy hủy tài liệu

01 chiếc

10

13

Két sắt

02 chiếc

15

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho phòng Lưu trữ cơ quan, đơn vị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Mục II Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

TT

Tiêu chuẩn, định mức

Số lượng tối đa

Mức giá tối đa (triệu đồng/chiếc hoặc bộ)

II

Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, BTL Thủ đô Hà Nội, BTL Cảnh sát Biển, BTL 86, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ; Ban Cơ yếu Chính phủ

1

Máy tính để bàn

01 bộ

15

2

Máy in

01 chiếc

10

3

Máy photocopy

01 chiếc

90

4

Điện thoại cố định

01 chiếc

0,3

5

Máy hút bụi

01 chiếc

7

6

Máy hút ẩm

01 chiếc

10

7

Máy hủy tài liệu

01 chiếc

10

8

Két sắt

02 chiếc

15

Máy móc, thiết bị đã được trang bị tại các phòng Văn thư bảo mật, phòng Lưu trữ hoặc đang triển khai theo các dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo Quyết định số 162/2002/QĐ-BQP ngày 08/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành tiêu chuẩn trang bị ngành Văn thư, bảo mật, lưu trữ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2018 và thay thế Quyết định số 162/2002/QĐ-BQP ngày 08/11/2002 của Bộ Quốc phòng về việc ban hành tiêu chuẩn trang bị ngành Văn thư, bảo mật, lưu trữ.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: