Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi một số luật có liên quan: Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản... Một số điểm đáng chú ý của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 như sau:

- Về nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai, thời kỳ quy hoạch sử dụng đất được quy định là 10 năm. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nên thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải phù hợp với thời kỳ của quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch là 10 năm.

- Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, chỉnh lý khoản 2 Điều 28 theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch. Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng (thuộc phụ lục 2 của Luật Quy hoạch) như quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.

- Với nội dung của Quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch bảo đảm đủ căn cứ để quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.

2. Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21/11/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Luật Thủy sản năm 2017 có 9 chương, 105 điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản năm 2003, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản năm 2003 (105/62). Luật có những quy định mới rất quan trọng:

- Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo quy định này, người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

lua thang 1 nam 2019
Ảnh minh họa: Internet

- Quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Luật quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững….

- Đối với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thủy sản lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm. Như vậy, mức phạt đã được quy định tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt tiền như quy định hiện hành. Theo đó, khi luật có hiệu lực là áp dụng được ngay không phải tiến hành sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Ngoài ra, Luật này cũng quy định xã hội hóa đăng kiểm. Quy định này nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này nhằm giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay.

3. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao số 26/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trực tiếp sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: Khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung 10 nội dung.

- Về những quy định chung:

Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc (Điều 4).

Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động thể dục, thể thao (Điều 10).

- Về thể dục, thể thao quần chúng:

Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 11).

Bổ sung các tiêu chí đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng: Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; số gia đình thể thao; số cộng tác viên thể dục, thể thao; số câu lạc bộ thể thao; số công trình thể thao; số giải thể thao tổ chức hằng năm (Điều 12).

Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng.

- Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường:

Sửa đổi, bổ sung Điều 21: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Sửa đổi, bổ sung Điều 22: Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc

Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về thi đấu thể thao trong nhà trường, quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

- Về thể thao thành tích cao:

Tại Luật Thể dục, thể thao năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng và còn chung chung. Vì vậy, Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (các Điều 37, 38, 40).

Bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp dụng luật thi đấu của môn thể thao (Điều 38a).

- Về thể thao chuyên nghiệp:

Sửa đổi, bổ sung Điều 49 về câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Điều 50 về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

- Về cơ sở thể thao:

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54 về các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (Điều 55).

Sửa đổi, bổ sung quy định về hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 56).

- Về nguồn lực phát triển thể dục, thể thao:

Về đất đai dành cho thể dục, thể thao: Sửa đổi, bổ sung Điều 65 về đất đai cho thể dục thể thao cho phù hợp với Luật quy hoạch, Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho công trình thể dục, thể thao, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế.

Bổ sung Điều 67a về đặt cược thể thao.

- Về các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể dục, thể thao: Sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cho phù hợp với tình hình mới.

Sửa đổi: Một số cụm từ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành.

Bãi bỏ: Điều 79 Luật Thể dục, thể thao 2006 và quy định về hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (ngày 01/01/2019).

4. Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam. Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương, 61 điều. Luật Đo đạc và bản đồ đã được xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cụ thể:

- Luật Đo đạc và bản đồ sẽ bảo đảm thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành. Đây là lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định.

- Luật Đo đạc và bản đồ cũng quy định rõ việc phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.

- Luật Đo đạc và bản đồ sẽ xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, bảo đảm quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành Đo đạc và bản đồ phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

5. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch số 28/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Các luật liên quan được sửa đổi bao gồm: Luật An toàn thực phẩm; Luật Công chứng; Luật Dược; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Hóa chất; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Trẻ em.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

Một số điểm mới của Luật như sau:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, bổ sung một số điểm như xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm; ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị….

- Luật Công chứng được sửa đổi, bổ sung một số điều như văn phòng công chứng phải đăng ký nội dung thay đổi tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đã đăng ký hoạt động; xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng…

- Luật Dược được sửa đổi, bổ sung một số điều như chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp dược…

- Luật Đầu tư được sửa đổi, bổ sung một số như Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế.

Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư, theo đó: “Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có); đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án”.

Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 Điều 35 Luật Đầu tư, theo đó: “Sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có)”.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: