Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 1. Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).

Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Người lao động được tham gia ý kiến về xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể; đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

Người lao động được quyết định giao kết, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; tham gia hoặc không tham gia đình công theo đúng quy định của pháp luật; biểu quyết nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật; biểu quyết nội dung Nghị quyết Hội nghị người lao động; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát gồm: Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.

Nghị định cũng quy định các hình thức thực hiện dân chủ khác: Hệ thống thông tin nội bộ; hòm thư góp ý kiến; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; các hình thức khác do doanh nghiệp quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để bảo đảm thực hiện các quy định tại Nghị định này. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và được phổ biến công khai đến người lao động trước khi thực hiện.

2. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

So với các quy định hiện hành, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao trung bình của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa cụ thể; tiêu chí cụ thể của từng loại rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Đồng thời, trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các văn bản hiện hành về thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ rừng; khai thác rừng; Nghị định quy định mới một số nội dung như quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Nghị định quy định cụ thể về nội dung chủ yếu của đề án; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của chủ rừng; chủ rừng được tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt.

Chủ rừng được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng; thời gian thuê là 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

Quy định về trình tự, thủ tục đóng, mở cửa rừng tự nhiên gồm nội dung cơ bản của đề án đóng hoặc mở cửa rừng tự nhiên; trình tự, thủ tục đóng hoặc mở cửa rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng được thực hiện thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đây là điểm thay đổi căn bản so với quy định hiện hành, đã giảm các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khi thực hiện các hoạt động này.

Nghị định cũng có quy định mới về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Điểm đáng chú ý nữa của Nghị định này là quy định cụ thể một số loại đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng mới như cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

Trong đó, đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thí điểm đến hết năm 2020, tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.

Theo đó, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định cụ thể, đối với cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm; cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước là 50 đồng/m3; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ; doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Khi giá bán lẻ điện, nước bình quân chung biến động tăng hoặc giảm 20%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tương ứng.

3. Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

vb 3
Ảnh minh họa: Internet

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.

Mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

4. Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2019.

Theo Nghị định số 158/2018/NĐ-CP, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.

Việc thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính phải bảo đảm không vượt khung số lượng tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.

Nghị định quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính. Theo đó, tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ 5 điều kiện:

1. Có cơ sở pháp lý.

2. Đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật.

3. Có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính.

4. Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác.

5. Loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

Tổ chức hành chính được tổ chức lại trong các trường hợp sau: Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi, đối tượng quản lý theo quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; tổ chức hành chính được tổ chức lại khi hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Việc tổ chức lại để hình thành tổ chức hành chính mới phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành chính quy định nêu trên.

Tổ chức hành chính được giải thể trong trường hợp tổ chức đó không còn chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: