1. Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Nghị định này nêu rõ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến kịp thời và chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên và cùng cấp trên địa bàn được cảnh báo.
Theo Nghị định này, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, xuất hàng dự trữ quốc gia và các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về dự trữ quốc gia.
Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được nguồn hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ, cứu trợ.
2. Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019.
Nghị định này đã quy định mức phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đối với người thuê, lôi kéo, xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau trên tàu bay mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì áp dụng mức phạt từ 07 đến 10 triệu đồng.
Đối với hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách, người khác tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 07 đến 10 triệu đồng…
3. Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT ngày 05/12/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực viễn thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2019.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Phụ lục I của Thông tư số 39/2016/TT-BTTTT như sau:
"b. Thông tin về nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
- Đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố;
- Đảm bảo bí mật thông tin của người sử dụng dịch vụ, chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có được sự đồng ý của người tiêu dùng trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
- Không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 26 Luật Viễn thông;
- Thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông;
- Các nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Khoản 4, Điều 18, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo thời hạn quy định của pháp luật."
4. Thông tư số 31/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Thông tư này quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ hoặc một phần số lượng thuốc trong chu kỳ, liệu trình điều trị cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh do cơ sở kinh doanh dược thực hiện (sau đây gọi tắt là chương trình hỗ trợ thuốc), bao gồm: nguyên tắc thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc, hình thức hỗ trợ, hồ sơ thủ tục phê duyệt chương trình hỗ trợ thuốc, quy định về quản lý và sử dụng thuốc, chế độ phê duyệt, báo cáo và trách nhiệm của các bên.
Một trong những nguyên tắc thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc là người bệnh tham gia chương trình phải thuộc đối tượng áp dụng của chương trình hỗ trợ thuốc và được chẩn đoán xác định bệnh phù hợp với phạm vi chỉ định của chương trình hỗ trợ thuốc; phải được cung cấp thông tin, tư vấn đầy đủ và đồng ý, tự nguyện tham gia chương trình hỗ trợ thuốc theo mẫu.
5. Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Thông tư này quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; tổ chức tiêm chủng; giám sát, điều tra nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; chế độ báo cáo và quản lý hồ sơ về hoạt động tiêm chủng.
Theo đó, các bước thực hiện tiêm chủng được quy định như sau:
1. Kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng.
2. Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.
3. Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm.
4. Bơm tiêm, kim tiêm và vật sắc, nhọn sau khi sử dụng phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, không đậy nắp kim.
Việc theo dõi sau tiêm chủng cũng được quy định rõ trong Thông tư này: Theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng; hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng về việc theo dõi sau tiêm chủng.
6. Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019.
Thông tư này quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Trong đó, giá tối đa dịch vụ khám bệnh được quy định như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt là 37.000 đồng; bệnh viện hạng I là 37.000 đồng; bệnh viện hạng II là 33.000 đồng; bệnh viện hạng III là 29.000 đồng; bệnh viện hạng IV là 26.000 đồng; trạm y tế xã là 26.000 đồng; hội chẩn để xác định ca bệnh khó là 200.000 đồng; khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa (không kể xét nghiệm, X-quang) là 145.000 đồng; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) là 145.000 đồng; khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động (không kể xét nghiệm, X-quang) là 420.000 đồng.
7. Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019.
Theo Thông tư, một số nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là:
1. Viện có giường bệnh, trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện; trung tâm y tế huyện có chức năng khám, chữa bệnh, được xếp hạng bệnh viện: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.
2. Phòng khám Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố không trực thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố: Áp dụng mức giá khám bệnh của bệnh viện hạng II.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng; phòng khám quân y, phòng khám quân dân y, bệnh xá quân y, bệnh xá; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV…
Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế; ví dụ như:
Các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh: Chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, ga, gối, đệm, chiếu, văn phòng phẩm, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa và các vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh; chi phí về điện; nước; nhiên liệu; xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế (rắn, lỏng); giặt, là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng đồ vải, dụng cụ thăm khám; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: Điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt, bàn, ghế, giường, tủ, đèn chiếu sáng, các bộ dụng cụ, công cụ cần thiết khác trong quá trình khám bệnh.
8. Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Các cơ quan, đơn vị phải gửi Bộ Tài chính các tài liệu, số liệu công khai dự toán, quyết toán ngân sách đã được phê duyệt theo quy định tại Thông tư này và thời gian gửi cùng thời gian thực hiện công bố công khai; báo cáo tổng hợp tình hình công khai ngân sách theo quy định. Thời gian gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 5 hằng năm (đối với công khai dự toán năm hiện hành), trước ngày 31 tháng 3 hằng năm (đối với công khai quyết toán năm trước của năm liền kề năm hiện hành); tài liệu, số liệu, báo cáo gửi Bộ Tài chính qua ứng dụng công khai ngân sách nhà nước tại địa chỉ https://ckns.mof.gov.vn là dạng báo cáo điện tử có chữ ký số theo quy định của pháp luật (chữ ký số của người có thẩm quyền hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức).
Định dạng báo cáo, số liệu gửi Bộ Tài chính và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của các đơn vị như sau: Định dạng file excel đối với bảng số liệu, định dạng file word đối với dạng báo cáo văn bản.
Những báo cáo số liệu công khai trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị là dạng báo cáo điện tử có chữ ký số theo quy định của pháp luật. Đơn vị lập chuyên mục riêng về Công khai ngân sách và Cổng thông tin điện tử của đơn vị hiệu chỉnh chuyên mục Công khai ngân sách đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo Phụ lục số 2 đính kèm Thông tư này.
Các đơn vị dự toán cấp I, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ ở Trung ương có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính đường dẫn (link) Chuyên mục Công khai ngân sách trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị trước ngày 25 tháng 02 năm 2019.
9. Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán Nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Thông tư này áp dụng cho các đơn vị kế toán nhà nước bao gồm: Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; các tổ chức được nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo mục tiêu chính trị - xã hội cụ thể.
Theo Thông tư, báo cáo tài chính tổng hợp phải được lập vào thời điểm 31/12 hàng năm. Báo cáo này phải được tổng hợp đầy đủ, bao gồm thông tin tài chính của tất cả đơn vị kế toán cấp dưới trực thuộc theo quy định.
Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phạm vi, danh mục báo cáo tài chính tổng hợp cũng được quy định rõ trong Thông tư này.
10. Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Thông tư đã quy định về chi thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến bao gồm: Chi chế độ trợ cấp, phụ cấp; chi đóng bảo hiểm y tế; chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe; chi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; chi thanh toán chi phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa; chi chế độ ưu đãi khác; chi hỗ trợ hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng và thân nhân do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; chi hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sỹ; chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ; chi hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sỹ; chi phí quản lý; chi trả chế độ cho người thụ hưởng thông qua tổ chức dịch vụ chi trả.
Theo Thông tư, việc chi thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến được quy định rất cụ thể, như hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, Tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tích, thương tật (tổn thương cơ thể), bệnh tật từ 81% trở lên: Mức chi 200.000 đồng/người/ngày. Chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ: Thân nhân liệt sỹ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sỹ được cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sỹ trong nước được hỗ trợ một lần tiền tàu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về), mỗi năm một lần đối với một liệt sỹ. Mức hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km nhân với khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sỹ hoặc địa phương nơi liệt sỹ hy sinh nhưng tối đa không quá 2.400.000 đồng/người...
11. Thông tư số 169/2018/TT-BQP ngày 13/12/2018 của Bộ Quốc phòng ban hành quy chuẩn QCVN 11:2018/BQP, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2019.
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về kỹ thuật, yêu cầu về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, yêu cầu về kiểm tra kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý.
Một số yêu cầu kỹ thuật khi xây dựng nhà kho như: Đối với nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ: Nhà kho phải có 3 buồng độc lập với nhau; mỗi buồng có diện tích sử dụng không nhỏ hơn là 15 m2 và nhà kho có diện tích không lớn hơn 100 m2; mặt bằng nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ quy định tại Phụ lục B, Phụ lục B-1.
Ngoài ra, tổ chức và cá nhân có quyền khiếu nại với Thủ trưởng cấp trên một cấp của đơn vị được giao quản lý, sử dụng kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom và người chỉ huy trực tiếp về những kết luận và các biện pháp xử lý của người phụ trách kiểm tra.
12. Thông tư số 170/2018/TT-BQP ngày 16/12/2018 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2019.
Thông tư này hướng dẫn về đối tượng và điều kiện áp dụng; chế độ hỗ trợ và cách tính hưởng; hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ; phương thức chi trả chế độ hỗ trợ và cấp “Giấy chứng nhận”; trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Chế độ hỗ trợ và cách tính hưởng được quy định rõ trong Thông tư:
Đối với người có công với cách mạng bị dừng hưởng chế độ (bao gồm cả thân nhân liệt sỹ, nhưng không thuộc đối tượng hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 3) còn sống, chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đến (tháng, năm) có quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trực tiếp quản lý, chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng trước khi đối tượng định cư ở nước ngoài.
Đối với đối tượng đã từ trần thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sỹ được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ thời điểm (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp đến tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi. Trường hợp đối tượng từ trần trước thời điểm đủ 18 tuổi thì chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần…
13. Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2019.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.
Việc thí điểm sẽ được triển khai tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với 07 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai, thí điểm tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.
Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm; thời điểm bắt đầu thực hiện thí điểm sau 06 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (10/01/2019).
Thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn ATTP: Theo Quyết định, nội dung thanh tra ATTP gồm thanh tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn có liên quan đến ATTP do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm; hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm ATTP; việc thực hiện các quy định khác của pháp luật về ATTP.
Khánh Linh (tổng hợp)