Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

thẻ BHYT

1. Từ năm 2019 không in mới, không đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)

Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, ngày 28/12/2018, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5869/BHXH-CST gửi các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc gia hạn thẻ BHYT năm 2019. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT, từ năm 2019 hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, không cần đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Ngoài ra, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hằng năm. Việc cấp thẻ BHYT chỉ thực hiện với các trường hợp như: Mất, hỏng, có thay đổi thông tin quản lý in trên thẻ (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời gian đủ 5 năm liên tục). Cũng từ năm 2019, người tham gia BHYT đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH sẽ thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp đổi thẻ không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Với việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.

Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng... hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 969668 để được nhân viên tổng đài giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp.

2. BHXH thành phố Hà Nội hướng dẫn bổ sung, chuyển đổi thẻ BHYT đối với một số đối tượng, bảo đảm quyền lợi người tham gia theo quy định mới

Nhằm bảo đảm cho các đối tượng có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mã đối tượng và mã quyền lợi mới, ngày 05/12/2018, BHXH thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5313/BHXH-CST về việc bổ sung, chuyển đổi thẻ BHYT đối với một số đối tượng theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, kể từ ngày 01/12/2018, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị quản lý đối tượng thực hiện rà soát, lập danh sách đổi thẻ BHYT và bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

a) Bổ sung một số mã đối tượng theo Nghị định số 146/NĐ-CP

- Mã MD - Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở;

- Mã HK - Người thuộc hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp được cấp thẻ mã đối tượng HN;

- Mã TH - Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

- Mã TV - Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội;

- Mã TD - Thân nhân của công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

- Mã TU - Thân nhân người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

b) Đổi mã đối tượng và mức hưởng

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ mã CK2 sang mã CC1 cho đối tượng Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ 2 sang 4 cho đối tượng Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (có mã đối tượng CK) nhưng không phải là đối tượng Cựu chiến binh quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP;

- Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ mã CT4 sang mã CT2 cho đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Trong thời gian thực hiện đổi thẻ BHYT cho các đối tượng trên sẽ xảy ra các trường hợp người tham gia chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc sử dụng thẻ BHYT cũ để đi khám, chữa bệnh dẫn đến mã đối tượng và mức hưởng trên dữ liệu cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT không khớp với thông tin trên thẻ BHYT.

Vì vậy, khi tiếp nhận các trường hợp trên, BHXH thành phố đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thông báo tới các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT. Trường hợp có thể hiện thẻ BHYT còn giá trị sử dụng thì chấp nhận giải quyết cho đối tượng có thẻ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mã đối tượng và mã quyền lợi mới.

3. Điều chỉnh cách tính giá khám, chữa bệnh BHYT từ đầu năm 2019

Thông tư số 39/2018/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/01/2019 tới đây, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế.

Điểm đáng chú ý, Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định rõ nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế.

So với Thông tư số 15/2018/TT-BYT, Thông tư số 39/2018/TT-BYT vừa được ban hành có một số điểm mới như quy định: “Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền giường điều trị nội trú”.

Thông tư mới cũng bổ sung mức giá khám bệnh của trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, trạm y tế kết hợp quân dân y sẽ áp dụng mức giá của trạm y tế xã.

Đặc biệt, mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III của Thông tư Thông tư số 39/2018/TT-BYT, thay vì căn cứ vào mức giá của bệnh viện hạng IV theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT hiện nay.

Đặc biệt, Thông tư này cho tính chi phí tiền lương tính trong giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế, gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Thông tư số 39/2018/TT-BYT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2019. Riêng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên tại Phụ lục I, II, III của Thông tư số 39/2018/TT-BYT được áp dụng kể từ ngày 15/12/2018.

4. Phát hành thẻ BHYT điện tử từ tháng 01 năm 2020

Quy định này được thể hiện tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đó, chậm nhất đến ngày 01/01/2020, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Ngoài ra, Nghị định cũng làm rõ những quy định: Đối với mức đóng của nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình thì được giảm trừ mức đóng khi các thành viên tham gia BHYT cùng tham gia trong năm tài chính. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Ma Lệ Minh (Tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: