Một trong những phương thức để vận động quần chúng được các nhà kinh điển Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải là phương pháp nêu gương trước quần chúng của người cán bộ, đảng viên.
1. QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN
Mac đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), Mác viết: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân…”(1); “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(2). Trong tác phẩm Gia đình thần thánh (1844), C. Mac và Ph. Angghen nhận xét vai trò của quần chúng nhân dân đặc biệt thể hiện rõ trong thời kỳ cách mạng: “Hoạt động lịch sử càng lớn lao thì do đó, quần chúng, mà hoạt động lịch sử đó là sự nghiệp của mình, cũng sẽ lớn lên theo”(3).
Phát triển tư tưởng của C. Mac và Ph. Angghen trong điều kiện mới, V. I. Lenin, trong tác phẩm Chào mừng những người cộng sản Ý, Pháp và Đức (1919), đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được…”(4). Không chỉ khẳng định “quần chúng là người làm nên lịch sử”, chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ ra phương pháp vận động quần chúng phù hợp, đặc biệt là phương pháp nêu gương.
Trong công tác vận động quần chúng, Angghen căn dặn, phải có phương pháp, đặc biệt là phương pháp nêu gương và giúp đỡ, không được dùng phương pháp mệnh lệnh, áp đặt. Phương pháp nêu gương đặc biệt có giá trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Trong tác phẩm Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao? Lênin chỉ rõ: Chỉ khi nào chủ nghĩa xã hội khoa học được truyền bá sâu rộng trong giai cấp công nhân thì lúc đó mới lật đổ được nền chuyên chế, dọn đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lênin rất coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục và nêu gương đối với quần chúng nhân dân. Người đề ra nhiệm vụ hàng đầu cho các Đảng Cộng sản là phải “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(5). Lênin phê phán những đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng không gương mẫu, không dũng cảm hoặc “rất ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống, để giáo dục quần chúng”(6). Người yêu cầu thực hành phương pháp lấy kinh nghiệm lâu dài, lấy ví dụ thực tế để chứng minh cho quần chúng thấy rõ sự cần thiết của công việc; mở rộng dân chủ, công khai làm cho mọi người dân biết công việc của Đảng, của Nhà nước. “… Một nước mạnh là nhờ ở sự giác ngộ của quần chúng. Nước mạnh là khi nào quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hành động một cách có ý thức”(7).
Tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Lênin lắng nghe và tiếp thu những tâm nguyện của quần chúng và yêu cầu Đảng của giai cấp công nhân phải tập hợp, tổng kết những ý kiến của quần chúng làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách. Người cũng đề nghị tìm mọi cách để duy trì, phát triển và mở rộng những hội nghị công nhân, nông dân ngoài Đảng, vì thông qua những hội nghị như thế, Đảng có thể: “… Nhận xét tâm trạng của quần chúng, gần gũi họ, giải quyết những nhu cầu của họ, giao cho những phần tử tốt nhất trong số họ đảm nhận những những chức vụ trong bộ máy nhà nước v.v..”(8). Đồng thời, Lênin luôn đánh giá cao tinh thần sáng tạo của quần chúng, vai trò của quần chúng trong việc nâng cao năng suất lao động; cho rằng, xây dựng một phong trào quần chúng tự giác tham gia vào sự kiến thiết chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng bàn tay pháp luật mà phải bằng cả sự vận động quần chúng, bằng phương pháp nêu gương tham gia tự giác vào công việc cụ thể chứ không phải chỉ bằng lời nói.
2. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP NÊU GƯƠNG TRƯỚC QUẦN CHÚNG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Trong các bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương” với tần suất lớn. Chỉ riêng trong “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, Người nhắc đến từ “nêu gương”, “làm gương” tới 240 lần. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương pháp nêu gương trước quần chúng của người cán bộ, đảng viên và xuất phát từ tư duy biện chứng, khoa học và cách mạng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ; trong nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giải pháp nêu gương của đội ngũ cán bộ. Có thể khái quát tư tưởng này của Người trên một số nội dung cơ bản sau:
Một là, vì sao phải nêu gương? Trong quá trình hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(9). Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo, tức là phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống, là đạo lý của dân tộc và tư cách người cách mạng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao, trong Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(10).
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn đẩy mạnh các mặt sản xuất, chiến đấu, văn hóa và các mặt khác, thì trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm…(11)
Hai là, phải nêu gương như thế nào? Theo Hồ Chí Minh, nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình - tiên tiến để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương, xét ở góc độ tâm lí, chính là sự “bắt chước” một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế…”(12).
Nêu gương còn là “nói đi đôi với làm”, nếu không thì chỉ là những người hứa suông hoặc là “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội, trốn tránh nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…”(13). Chính vì vậy, Người yêu cầu: “Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng”(14). Đây là nội dung của phong cách nêu gương về mọi mặt của cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Người, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”(15).
Ba là, Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân. Không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Không chỉ là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, bản thân Hồ Chí Minh còn luôn ca ngợi và tự răn mình phải học tập tấm gương của các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(16).
Khi kêu gọi toàn dân tiết kiệm, Hồ Chí Minh nghiêm túc, gương mẫu thực hiện, từ việc ăn, mặc đến sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Trong hoàn cảnh nước nhà vừa giành được độc lập, năm 1945, đứng trước nạn đói hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói, đồng thời chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện. Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải như thế nào? Với bút danh C.T trên Báo Cứu Quốc, số 105 ngày 30/11/1945, Người viết: “Hồ Chủ tịch đã nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời”(17).
Tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn với một cuộc sống mẫu mực tự nhiên trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương cho mọi người chúng ta học tập và phấn đấu làm theo./.
Thiếu tá, TS. Hà Sơn Thái
Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Đức Lâm (st)
----------------------------------------
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 11/2018
(1), (2), (3) C. Mac và Ph. Angghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.1, tr.347, 350, 123.
(4) V. I. Lenin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.3, tr. 251.
(5), (8) V. I. Lenin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr. 208, 109.
(6) V. I. Lenin: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.411-412.
(7) V. I. Lenin: Toàn tập, Sđd, t.35, tr.423.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.1, tr. 284.
(10) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t4, tr. 223, 183.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, Sđd, tr. 393.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 291.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 16.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 494.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 602. (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 126.