Quang cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII. (Ảnh: TTXVN)
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, coi đó là nền tảng, là cái gốc của người cách mạng.
Người chỉ dạy: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng vun bồi nền tảng đạo đức cách mạng, giáo dục, rèn luyện đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, mãi trường tồn cùng dân tộc.
Mẫu mực về đạo đức, lối sống - một tư tưởng xuyên suốt, nhất quán
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, với 8 điểm cần gương mẫu thực hiện, 8 điểm cần nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, đề cập toàn diện nhưng cũng rất cụ thể, có trọng tâm trọng điểm những việc cần đề cao trách nhiệm nêu gương. Trong đó, trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống được đặt lên hàng đầu, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung bản Quy định.
Đây là lần đầu tiên, trách nhiệm nêu gương được đề cập một cách thẳng thắn, trực diện đối với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương), thể hiện rõ quan điểm: Việc nêu gương được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới, không có ngoại lệ.
Ngay sau khi ban hành, Quy định số 08-QĐi/TW đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, đánh giá cao.
Quy định lần này nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, phải “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành,” giữ gìn uy tín, hình ảnh tiêu biểu của người cán bộ. Đồng thời, Quy định cũng cảnh báo, kiên quyết phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, biến chất, tiêu cực...
Cách nay 60 năm (tháng 12/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực có bài viết "Đạo đức cách mạng", trong đó chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.”
Nhằm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, trong rất nhiều tác phẩm, bài báo của mình về đạo đức cách mạng, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Người đã nhiều lần nhấn mạnh các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cán bộ mà không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Người căn dặn, làm việc phải đến đúng giờ, làm cho chóng, cho chu đáo, việc hôm nay chớ để ngày mai, “ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương về nếp sống thanh bạch, giản dị, tiết kiệm và luôn kêu gọi cán bộ, đảng viên đi đầu trong thực hành tiết kiệm, bởi “nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.”
Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải lấy chữ “liêm” làm đầu, làm việc gì cũng phải “công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mạng.”
Người phân tích: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”, “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.”
Những tư tưởng đó của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu, có biểu hiện suy thoái, biến chất, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, với tinh thần “cán bộ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”, qua đó củng cố và nâng cao năng lực, uy tín của Đảng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
(Ảnh: TTXVN)
Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong
Không phải ngẫu nhiên mà hai nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng ta đã hai lần ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) để bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà mấu chốt là vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Cả hai Nghị quyết quan trọng của Đảng đều thẳng thắn nhìn nhận và đề ra các nhiệm vụ giải pháp, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; kiến quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Lần đầu tiên tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã chính thức đưa vấn đề đạo đức trở thành một trong bốn trụ cột của công tác xây dựng Đảng, đó là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Quy định 101- QĐ/TW của Ban Bí thư đã xác định 7 nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó nhấn mạnh nội dung nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong.
Theo đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Bản thân cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, không vụ lợi, không để người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.
Việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Khóa XI và sau đó là Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đã tạo ra những chuyển động tích cực trong thực tế. Tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội, nhân việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật, đón các đoàn công tác đến địa phương, cơ sở... đã giảm rõ rệt.
Nhiều địa phương, đơn vị đã đề ra các giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém về tác phong, lề lối làm việc, kỷ luật lao động. Tiêu biểu như việc thực 3 xây, 3 chống của Bộ Y tế (đó là: Xây dựng tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân; Xây dựng tinh thần tự giác học tập; Xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ; chống quan liêu, hách dịch; Chống tham ô, lãng phí; Chống bè phái, cục bộ); thực hiện 3 không, 3 đúng, 3 chống tại An Giang (đó là: Không phiền hà, sách nhiễu nhân dân; Không thờ ơ trước bức xúc của nhân dân; Không nhận hối lộ dưới bất cứ hình thức nào; Đúng nội quy, quy chế làm việc; Đúng quy trình, đúng hẹn; Đúng pháp luật, công tâm, khách quan; Nên vui vẻ; Nên xin lỗi khi làm sai; Nên cảm ơn khi nhân dân đóng góp; Chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, thiếu trung thực; Chống biểu hiện tham vọng chức quyền, gia trưởng, độc đoán, trù dập; Chống đùn đẩy trách nhiệm, chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ)...
Thực hiện các quy định của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện các bộ quy tắc, chuẩn mực đạo đức công vụ gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó tạo được chuyển biến bước đầu trong nhận thức, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ chủ chốt và người đứng đầu là tấm gương về sự khiêm tốn, giản dị, có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi với cấp dưới, với nhân dân; thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên đã đi tiên phong trong phong trào hiến đất mở đường, xây dựng trường học, nông thôn mới như tại Bạc Liêu, Nghệ An, Bình Thuận...
Những nơi nào cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu nêu gương, thì ở đó, phong trào thi đua tốt, kết quả công việc tốt, nhân dân yên tâm, tin tưởng.
Đặc biệt, thời gian qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ gắn liền với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," bước đầu đã ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến,” "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, qua đó mỗi cán bộ, đảng viên tự liên hệ, tự soi mình để rèn luyện, phấn đấu và khắc phục, sữa chữa các hạn chế, khuyết điểm.
Đạo đức là gốc, là nền tảng của người cán bộ cách mạng. Tuy nhiên, đạo đức cách mạng phải do rèn luyện kiên trì, bền bỉ hằng ngày mới có được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức.”
Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.”
Chính vì không giữ được đạo đức cách mạng, không giữ được cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư mà không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đã bị cám dỗ, sa ngã.
Có những cán bộ hàng đầu của tỉnh, đứng đầu một thành phố, hay lãnh đạo một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao trọng trách, nhưng đều do không giữ được liêm, chính, chí công, vô tư, không chăm lo tu dưỡng, rèn luyện, mà dẫn đến sa ngã, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Khi nền tảng, gốc rễ đã bị lung lay, khi đạo đức đã bị xem nhẹ, thì bản chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng không còn nữa, nhân dân mất niềm tin. Và chắc chắn, những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, sớm muộn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Đề cao trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống là một yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong."
Quỳnh Hoa (TTXVN/VIETNAM+)
Hoàng Quân (st)