Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 05/02/2025

Đó là lời Bác Hồ đã dạy trong buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá ngày 20/2/1947. Cũng trong buổi nói chuyện đó, Bác đã trả lời rất cặn kẽ câu hỏi: Cán bộ là gì?

Bác Hồ đã đưa ra một định nghĩa rất dễ hiểu về cán bộ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được...”.

Từ định nghĩa này, Bác đã xác định những phẩm chất mà người cán bộ của chế độ mới cần phải có đối với bản thân mình, đối với đồng chí, đối với công việc, đối với nhân dân và đối với Đoàn thể:

“1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kị và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng, anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói, nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không có anh nói giỏi lên nói.

3. Đối với công việc phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng có hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh.... Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự.

4. Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.

5. Đối với  Đoàn thể: Trước lúc mình vào Đoàn thể nào thì phải hiểu rõ Đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi hiểm nguy phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể. Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như: Làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi.

Một Đoàn thể mạnh thì cái tốt càng ngày càng phát triển, cái dở càng ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh...”.

Chỉ có những ai không làm thì mới không phạm sai lầm. Bất cứ một chính đảng nào khi trở thành lực lượng cầm quyền cũng dễ phải đối mặt “hội chứng vòng nguyệt quế” và vì thế, bị suy giảm uy tín trong xã hội. Hơn ai hết, ngay từ mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ ràng về điều này và có lẽ chính vì thế, Bác Hồ đã luôn nhấn mạnh tới bản chất nhân dân của chính quyền cách mạng. Khi nói tới những công việc đã và đang làm của chính quyền mới, Bác nhấn mạnh:

“Chúng ta không sợ có khuyết điểm.

Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi.

Chúng ta phải lấy lòng chí công vô tư”.

Trong bài Chính phủ là công bộc của dân, viết ngày 19/9/1945 với bút danh Chiến Thắng, Bác đã nêu rõ:

“Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, viết ngày 17/10/1945, Bác cũng đã thống kê ra những sai lầm mà các công bộc mới của nhân dân có thể mắc phải. Đó là:

“1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.

Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?

Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó do ai chịu?

4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

5. Chia rẽ -  Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải đoàn kết toàn dân, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ...”.

Còn nhớ, một trong những việc mà sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu luôn luôn quan tâm hàng đầu chính là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” để tránh được những nguy cơ suy thoái phẩm chất rất dễ xảy ra với bất cứ đảng cầm quyền nào. “Mỗi một đồng chí và tất cả Đoàn thể phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí” - đó là lời dạy của Bác trong Thư ngỏ gửi các đồng chí Bắc Bộ mà Bác đã viết ngày 1/3/1947, giữa khói lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

“Đảng không phải là nơi để thăng quan, để tiến chức, để phát tài.  Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp” - những lời này được trích ra từ bài nói của Bác tại phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc tháng 7 năm 1955.

“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” - trong Di chúc gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa tháng 9 năm 1969, Bác Hồ cũng đã viết như vậy.

Bác Hồ cũng là người đầu tiên ở nước ta đã nêu rõ những nguy cơ có thể dẫn tới suy thoái một chính Đảng Cộng sản cầm quyền. Ngay trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 24/4/1956, Bác Hồ đã nhấn mạnh:

“Đảng ta có lãnh đạo tập thể, nhưng còn thiếu sót:

Vì chúng ta còn kém về trình độ lý luận và về mặt nắm tình hình thực tế.

Vì trong Đảng ta chưa xây dựng hẳn hoi các chế độ công tác thích hợp.

Vì dân chủ nội bộ chưa thật mở rộng; vì tự phê bình và phê bình chưa được phát huy, nhất là phê bình từ dưới lên.

Để sửa chữa những thiếu sót đó, chúng ta phải tăng cường tập thể lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong Đảng và trong cơ quan chính quyền.

Tập thể lãnh đạo phải đi đôi với cá nhân phụ trách.

Phải định rõ chế độ làm việc, bảo vệ nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, tức là tập thể lãnh đạo.

Phải mở rộng dân chủ; phải mở rộng phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên.

Phải nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng.
Phải luôn luôn nhớ rằng: điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện đời sống của nhân dân...”.

Trong Di chúc, Bác cũng đã nhắc nhở, để “gìn giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như con ngươi của mắt mình” thì cần ở “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Đây chính là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Thực tế cho thấy, hễ khi nào, ở đâu đó, chúng ta lơ là không tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc trong xây dựng Đảng mà Bác đã đúc kết thì không sớm thì muộn, không nặng thì nhẹ sẽ xảy ra những hiện tượng có ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp chung, công việc chung, uy tín chung... Đã có không ít những thí dụ về việc này.

Chính Nhân
Theo http://cand.com.vn
Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: