Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thúc Bá ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tham gia cách mạng từ thuở thiếu niên, chưa tròn 20 tuổi đã trở thành y tá trưởng của Đại đội 1, Tiểu đoàn 72, tỉnh Quảng Nam và nổi bật bởi tinh thần chiến đấu bảo vệ thương binh, tử sĩ.
Có trận, ông ra vào cửa mở đến tám lần để cõng thương binh, tử sĩ về phía sau. Qua 65 trận đánh, ông tiêu diệt và bắt sống hơn 60 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 17-9-1967. Ông Bá kể:
…Tháng 3 năm 1968, tôi và đồng chí Trần Đình ở Sư đoàn 2 được cử ra Bắc học tập. Cuối tháng 4 năm ấy, chúng tôi đến Thủ đô Hà Nội và nghỉ tại Trạm khách Bộ Quốc phòng ở 83 Lý Nam Đế. Sáng sớm ngày 19-5-1968, Trạm trưởng thông báo: "Hai đồng chí Bá và Đình 9 giờ đi công tác, mặc quần áo quân giải phóng". Chúng tôi phấp phỏng đoán là sự kiện quan trọng, vì theo quy định, tất cả cán bộ miền Nam ở đây đều mặc thường phục.
…Chiếc ô tô chở chúng tôi chạy được một lát, anh cán bộ phụ trách mới phổ biến ngắn gọn: "Bác Hồ muốn gặp một số anh hùng ở miền Nam. Trạm chọn hai đồng chí vào báo cáo với Bác". Chao ôi! Hai chúng tôi ngập tràn niềm vui mừng, hạnh phúc, vì được gặp Bác là điều mơ ước của biết bao đồng bào, chiến sĩ miền Nam!
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thúc Bá (người vuốt chòm râu Bác) và một số Anh hùng dũng sĩ miền Nam thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (3-1969)
Bác và đồng chí Vũ Kỳ đón chúng tôi tại vườn hoa bán nguyệt trong Phủ Chủ tịch. Không biết đã được báo trước nhân dạng, hay là do sự cảm nhận tài tình, mà vừa bắt tay tôi, Bác đã hỏi:
Chú là Huỳnh Thúc Bá?
- Dạ! - Tôi lễ phép thưa.
Bác tiếp tục bắt tay đồng chí Đình và bảo:
- Hai cháu là anh hùng của quê hương "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".
Bác ân cần hỏi chúng tôi về việc ăn, nghỉ, sinh hoạt. Tôi cảm nhận rất rõ tình thương yêu của Bác khi Người hỏi về bệnh sốt rét và các vết thương của tôi. Bác âu yếm cầm tay tôi, thấy tay tôi gầy, nổi lên những đường gân xanh, Bác xúc động, rơm rớm nước mắt. Ôi! Bác là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, mà sao gần gũi, hiền từ như người ông, người cha của mình. Bác dặn chúng tôi phải cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, dưỡng bệnh để có đủ sức khỏe học tập và nhớ phải bền bỉ phấn đấu không ngừng. Bác đãi bánh ga-tô và còn bảo chúng tôi mang về cho anh em trong Trạm.
Lần thứ hai, tôi được gặp Bác vào dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1968. Tại hội trường Ba Đình, tôi và 50 anh hùng, dũng sĩ, cán bộ miền Nam được nghe Bác dặn dò, động viên phấn đấu, học tập cho tốt và sẵn sàng nhận nhiệm vụ trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Tháng 3 năm 1969, tôi lại được vinh dự gặp Bác trước khi trở vào miền Nam. Lần này, tôi là thành viên trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Khi Đoàn đang nghỉ tại nhà 103 phố Quán Thánh thì được thông báo đi gặp Bác. Đồng chí phụ trách căn dặn: "Sức khỏe của Bác hiện nay rất yếu, nhưng Bác muốn gặp các đồng chí. Yêu cầu tất cả ngồi xa, kẻo Bác mệt". Hôm ấy, Bác Hồ và Bác Tôn cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đón chúng tôi tại Phủ Chủ tịch. Nhớ lời dặn, chúng tôi ý tứ đứng xa, nhìn lên Bác. Vừa thấy tôi, Bác đã vẫy lại, trìu mến hỏi:
- Cháu Bá đã hết sốt chưa? Học tập có tốt không?
Quá xúc động, tôi không sao cầm được nước mắt. Bác bận biết bao công việc trọng đại mà vẫn nhớ đến bệnh sốt rét của tôi! Lần đó, cả Đoàn được chụp ảnh với Bác. Tôi hoàn toàn không ngờ đó là lần cuối cùng được nhìn thấy Bác!
Ba lần được gặp Bác Hồ là kỉ niệm sâu sắc, không thể nào phai mờ của Anh hùng Huỳnh Thúc Bá, là nguồn sức mạnh to lớn để ông tiếp tục chiến đấu, công tác, lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông về hưu năm 2002, với quân hàm Đại tá. Nhớ lời Bác dạy "phải bền bỉ phấn đấu không ngừng", ông hăng hái tham gia công tác địa phương và nhiều năm được bầu làm Bí thư Chi bộ. Ông đã dẫn dắt phong trào thi đua của khu phố đạt nhiều thành tích tiêu biểu.
Theo baomoi.com
Thúy Hằng (st)