Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người sáng lập ra Đảng ta. Trong quá trình rèn luyện, dẫn dắt Đảng ta lãnh đạo phong trào cách mạng, Người rất quan tâm đến việc truyền bá, giảng dạy và học tập lý luận. Ngay từ ngày đầu của phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động... Việc học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận... là những việc cần kíp của Đảng. Vì vậy, giảng dạy và học tập lý luận là nhiệm vụ rất quan trọng đối với cách mạng.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên của nước ta quan tâm tới lý luận cách mạng và thực hành kiên trì, bền bỉ việc giáo dục lý luận chính trị cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Người đã để lại cho cách mạng Việt Nam cả một di sản to lớn về giáo dục lý luận chính trị. Đó là cả một hệ thống quan điểm của Người về khái niệm giáo dục chính trị, về vị trí và mục đích của giáo dục lý luận chính trị, cũng như về nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục lý luận chính trị.

Nói về phương pháp dạy và học lý luận chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một số phương pháp cơ bản, chủ yếu như sau:

Thứ nhất, dạy và học lý luận chính trị phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải biết tự động học tập, phải lấy tự học làm cốt.

Hồ Chí Minh đề cao vấn đề tự học trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Người cho rằng: Học tập ở trường của đoàn thể không phải như học ở các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập. Phải giành nhiều thời gian cho khâu tự học của học viên, bao gồm tự nghiên cứu làm đề cương, thảo luận, tranh luận... theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Như vậy, bằng phương pháp này của Hồ Chí Minh nếu được thực hiện tốt ở các trường Chính trị nói chung, Trường Chính trị Hậu Giang nói riêng thì sẽ chuyển từ phương pháp cũ, từ cách truyền thụ kiến thức một chiều - thầy giảng, trò ghi, sang cách tổ chức quá trình nhận thức năng động của người học. Người học và người dạy cùng làm việc trên lớp, trong thảo luận hoặc người học tự làm việc theo hướng dẫn của giảng viên.

Thực hiện phương pháp này bắt buộc người học phải chuẩn bị kỹ nội dung qua các khâu học tập trên cơ sở giáo trình, giáo khoa và tài liệu tham khảo có liên quan. Người nói: phải khiêm tốn, thật thà trong học tập, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói là không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Mặt khác cũng phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ phải hoàn thành cho được... nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.

Thực hiện phương pháp này cũng đòi hỏi người giảng viên phải có sự đầu tư và chuẩn bị thật chu đáo từ khâu soạn bài giảng, thực hiện bài giảng, thảo luận... Đồng thời, người giảng viên phải không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức về lý luận cũng như thực tiễn để không ngừng nâng cao tri thức của người thầy. Như vậy mới có thể “biết mười dạy một” mà những điều dạy đó lại phải là kết quả của sự chọn lọc, gợi mở hướng dẫn cho học viên biết tự động học tập nâng cao hiểu biết. Người dạy: Trong khi giảng dạy cần phải khơi dậy tính chủ động của người học. Đặc biệt là gợi ý để trao đổi những kinh nghiệm công tác (cả kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại), từ đó gom lại thành bài học quý. Bởi vì mỗi cán bộ ở các lĩnh vực công tác khác nhau đều có những bài học kinh nghiệm bổ ích, nếu biết tập hợp lại và đem ra trao đổi sẽ làm cho hiệu quả công tác của các đồng chí khác cao hơn, tránh những sai lầm đã gặp phải.

Hai là, trong dạy và học lý luận chính trị, phải thực hành phương pháp “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”

Đối với phương pháp này Người yêu cầu người học cần phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì cần phải đặt câu hỏi Vì sao?  đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyêt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Chỉ có như vậy mới tránh được bệnh giáo điều và việc học mới có ích cho cách mạng. 

Đối với người dạy Hồ Chí Minh cho rằng, không phải ai cũng làm công tác huấn luyện được, muốn huấn luyện được người khác phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc... Về chuyên môn, để trở thành người huấn luyện lý luận giỏi thì người dạy phải nắm chắc lý luận trong giảng dạy cần xác định nội dung cốt lõi, nội dung chính, trọng tâm cần nắm vững và vận dụng; có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, tình trạng chung chung, đại khái, chỉ biết rừng mà không biết các loại cây cụ thể. Đồng thời trong huấn luyện phải chú ý vào rèn  phương pháp, kỹ năng, tạo cho người học nắm được bản chất linh hồn của các quan điểm lý luận, có thể độc lập, tự chủ xử trí đúng công việc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ba là, công tác giáo dục lý luận chính trị phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng, với thực tiễn.

Hồ Chí Minh cho rằng công tác giảng dạy phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước, của địa phương phù hợp với từng đối tượng cán bộ công tác ở cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện, thị... Theo Người, việc huấn luyện cốt yếu ở thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều. Việc cốt yếu là phải làm cho người đọc thấu hiểu vấn đề. Nhưng thấu hiểu vấn đề cũng có nhiều cách: có cách thấu hiểu thật tỷ mỉ, nhưng dạy theo cách đó tốn rất nhiều thì giờ. Trái lại, cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học thấu hiểu được vấn đề.

Giảng viên cần hiểu rõ và nắm chắc nhu cầu nhận thức của người học và mối liện hệ giữa nội dung học tập với chức trách, nhiệm vụ của người học và thực tiễn địa phương, đơn vị công tác của họ. Đồng thời Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng giảng dạy và huấn luyện phải gắn lý luận với thực tế trong quá trình giảng dạy. Phải dạy người học cả kỹ năng tiếp cận và phương pháp thực hành để vận dụng lý luận đó vào cuộc sống và thực tế công tác của họ. Nếu chỉ dạy lý luận mà không dạy thực hành thì mới chỉ đạt một nử a yêu cầu mà thôi. Người viết, lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Điều kiện có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ và chất lượng giảng viên làm công tác đào tạo.

Hồ Chí Minh cho rằng: không phải ai cũng huấn luyện được nhất là người huấn luyện của Đoàn thể cần phải có trình độ hiểu biết chuyên sâu. Người đã đặt vấn đề “phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó”, người huấn luyện phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc...

Hồ Chí Minh cho rằng, do chức năng của mình, một đặc trưng, phẩm chất của người giảng dạy lý luận chính trị là phải không ngừng học tập, người giảng viên phải có lòng đam mê, khiêm tốn học tập, không có thái độ kỳ thị, học thêm mãi, biết kết hợp và làm giàu trí tuệ của mình. Người giảng viên nào tự cho mình là đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nát nhất và người đó không thể làm công việc giảng dạy được. Người giảng viên lý luận chính trị phải thực hiện học không biết chán, dạy không biết mỏi. Nếu ngưng học tập thì kiến thức lý luận đó sẽ trở nên cũ, xơ cứng, nó không phản ánh thực tiễn sinh động nên làm cho việc dạy và học không có hiệu quả.

Năm là, tổ chức quản lý học viên trong quá trình đào tạo.

Muốn huấn luyện lý luận chính trị trước hết phải có tổ chức, có lãnh đạo sâu sát tỉ mỉ và chu đáo.

Tổ chức huấn luyện phải bám sát cả yêu cầu số lượng và chất lượng; đồng thời, Hồ Chí Minh quan tâm đến cách thức tổ chức lớp. Người chỉ ra một khuyết điểm cần sữa chữa ngay trong việc huấn luyện, đó là “tham làm nhiều mà không chu đáo”. Rõ ràng nhất là trong việc mở lớp huấn luyện: lớp quá đông; Mở lớp lung tung… Người căn dặn: chúng ta mở lớp nào phải cho ra lớp nấy, lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận, đừng mở lớp lung tung.

Người phê phán việc mở lớp lung tung, chồng chéo lẫn nhau và lớp học quá đông, tốn sức, tốn của của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà kết quả lại không đâu vào đâu. Người cho rằng: chúng ta không được mở lớp tràn lan. Vì mở nhiều lớp sẽ thiếu người giảng nên người đi giảng lúc nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không chu đáo được. Thậm chí có người giảng sai lại có hại cho học sinh, hại cho đoàn thể. Mặt khác, lớp đông sẽ có sự chênh lệch lớn về trình độ của người học, nên nhận biết của họ không đều. Do vậy, phải mở lớp nào cho ra lớp đó, lựa chọn người dạy và không mở lớp tràn lan.

Các lớp huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên; chương trình, giáo trình phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. “ Sắp xếp thời gian và bài học phải logic, mạch lạc với nhau mà không xung đột với nhau”. Phải xem giáo dục lý luận là công việc thường xuyên của Đảng, của đoàn thể; là nhu cầu thường trực của cán bộ, đảng viên, gắn liền với quá trình hoàn thiện nhân cách nói chung.

Đối với người học, Hồ Chí Minh cho rằng, vì nhiệm vụ cách mạng mà ai cũng phải học lý luận. Đối tượng cần huấn luyện bao gồm: Cán bộ, hội viên của đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền và nhân dân. Trong đó huấn luyện cán bộ là quan trọng nhất, vì cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Cán bộ tốt thì thành công, cán bộ không tốt thì hỏng việc.

Sáu là, để giáo dục lý luận chính trị đạt hiệu quả cao cần chuẩn bị tốt các phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập của đội ngũ giảng viên và học viên.

Ngoài nguồn lực con người như là nhân tố quyết định, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị còn phụ thuộc vào phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật trực tiếp phục vụ cho việc dạy và học. Đó là các loại giáo trình, giáo khoa, lớp học, phương tiện hỗ trợ giảng dạy...

Theo Hồ Chí Minh, tài liệu là một trong những yếu tố giữ vai trò cơ bản và có ý nghĩa quyết định đến kết quả, chất lượng giáo dục lý luận chính trị.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Tài liệu phải được lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có lợi gì.

Người còn chỉ ra rằng, ngoài những tài liệu có sẵn như trên, còn có những tài liệu thiết thực khác. Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học. Việc trao đổi gom góp kinh nghiệm này phải có tổ chức hẳn hoi chứ không phải mạnh ai nấy nói.

Tóm lại, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Chúng ta làm cách mạng nhằm mục đích cải tạo thế giới, cải tạo xã hội. Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta”. Phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình và giúp vào việc cải tạo xã hội; phải nâng cao nhận thức chính trị để có lập trường vững vàng và xem xét đúng đắn các vấn đề quốc tế cũng như trong nước. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình.

Truong chinh tri hau giang
Tam trang(st)

 

Bài viết khác: