Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về phần trả lời chất vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I cách đây gần 65 năm.

Ho Chu tich tra loi chat van qua loi ke cua Tuong Giao
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp nhân kỷ niệm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1962

... Quốc hội khóa I, kỳ 2 khai mạc trọng thể vào sáng ngày 28 tháng 10 tại Nhà hát Lớn thành phố. Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về những công việc đã làm từ ngày thành lập, trong đó có cuộc đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp tại Fontainebleau và việc ký Tạm ước ngày 14 tháng 9.

Ngày 31 tháng 10, các đại biểu chất vấn Chính phủ. Có 88 câu hỏi nêu lên thuộc các vấn đề quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính, tư pháp, nội vụ. Những câu hỏi được chuyển tới các Bộ hữu quan, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời về chính sách ngoại giao của Chính phủ, việc ký Tạm ước ngày 14 tháng 9, việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh tự ý bỏ đi.

Người nói: Về chính sách ngoại giao của Chính phủ và việc ký bản Tạm ước ngày 14 tháng 9 trong các báo cáo trước đã nói nhiều. Tóm lại đối với các nước dân chủ, hết sức gây thiện cảm. Các nước ấy tuy chưa công khai thừa nhận ta, nhưng ít nhiều thiện cảm với ta. Còn về ngoại giao với Pháp thì từ khi ký Hiệp định ngày 6 tháng 3, qua các Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau đến Tạm ước ngày 14 tháng 9, Chính phủ quyết tâm giữ vững nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, đồng thời hợp tác thật thà và thân thiện với Pháp. Cố nhiên, người Pháp cũng phải cộng tác với ta trên nguyên tắc bình đẳng...

Người nói tiếp: Tạm ước này có ảnh hưởng tới các Hiệp ước ký sau không? Trong xã hội loài người, có cái gì mà không ảnh hướng tới cái khác. Tuy vậy, những sự điều đình sau đây không thể vì bản tạm ước này mà bị ràng bó. Bản Tạm ước này tùy theo sự thi hành thế nào, sẽ tạo điều kiện đẩy cho những cuộc điều đình sau mau chóng đạt kết quả.

Người chuyển qua vấn đề khác: Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, ông Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh, các ông ấy không có mặt ở đây. Lúc Nhà nước đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao người ấy làm công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực gánh vác, nay chúng ta không có họ ở đây chúng ta cũng cứ gánh vác được như thường. (Tiếng vỗ tay nổi lên). Nhưng nếu các anh em đấy biết nghĩ lại, dối không nổi lương tâm, với đồng bào, với Tổ quốc mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh,

Trước khi bước xuống, Người nói: Nếu trong Chính phủ có các người khác lầm lỡ, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào.

Buổi chiều và buổi tối, các bộ trả lời những điều đại biểu đã hỏi. Nhưng khi các bộ giải đáp xong, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn. Chờ mọi người nêu hết những câu hỏi, một lần nữa, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ để trả lời. Vẫn bằng những lời lẽ giản dị, ôn tồn, Người nói:

Vấn đề Quốc kỳ, Chính phủ không bao giờ dám đòi thay đổi Quốc kỳ. Có một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy nên Chính phủ phải đệ qua Thường trực Quốc hội xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ Sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu các chiến sỹ Việt Nam ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Đôi mắt sáng rực, bằng giọng nói nhấn mạnh, Người tiếp: Bây giờ trừ 25 triệu đồng bào ra còn không ai có quyền gì mà đòi thay đổi Quốc kỳ. Cả Hội trường vang lên tiếng vỗ tay, Bác nói tiếp:

Vấn đề liêm khiết của Chính phủ thì Chính phủ hiện thời đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở ủy ban làng đông lắm. Dù sao Chính phủ cũng đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết. (Tiếng vỗ tay hoan nghênh lại nổi lên).

Còn có đại biểu nói rằng bản Tạm ước ngày 14 tháng 9 là bất bình đẳng thì Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy, mỗi bên đều nhân nhượng ít nhiều, ta bảo đảm cho Pháp một phần những quyền lợi văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải bảo đảm thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ và thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp thành thật thi hành bản Tạm ước hay không thì ta hiểu rằng Pháp cũng có người tốt, có người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng đa số nhân dân Pháp bây giờ tán thành chúng ta độc lập và thống nhất lãnh thổ...

Bằng những lời nói thật giản dị nhưng cũng thật sáng rõ, khúc chiết chặt chẽ, Bác tiếp tục trả lời tất cả những vấn đề mà các đại biểu đã nêu ra. Người nói xong, không ai hỏi gì thêm. Cuộc chất vấn Chính phủ kết thúc đúng vào nửa đêm...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
(Theo sách Hồi ký đại biểu Khóa I)

Theo Khampha.vn
Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: