Tác phẩm Đường Kách mệnh
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2012, tại khuôn viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang trưng bày 5 Di thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 25 Bảo vật Quốc gia Việt Nam từ ngày 15/11/2012 đến ngày 25/11/2012.
5 Di thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Bảo vật Quốc gia đó là: Đường Kách mệnh; Nhật ký trong tù; bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản này Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969, lưu trữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
Đầu năm 1927, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách với tên gọi là Đường Kách mệnh. Vì vậy có thể nói "Đường Kách mệnh" tập hợp những bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1925 – 1927. Nội dung tư tưởng của cuốn sách là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm Nhật Ký trong tù
Tác phẩm Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記 - Hán Việt: Ngục trung nhật ký) là một tập thơ của Hồ Chí Minh, viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp 18 nhà giam ở 13 huyện tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký" (tức Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm 133 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép. Tập thơ được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ.
Tác phẩm Nhật ký trong tù đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật bản...
Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" - Bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết hi sinh để giành lại độc lập cho dân tộc; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có với một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh( Văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10/5/1965 - 19/5/1969, hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
Bản Di chúc là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kim Yến