Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/2018) đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Việc thực hiện tốt Quy định sẽ tạo sự chuyển biến tích cực đối với năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đất nước sẽ tiến thêm một bước quan trọng trên con đường đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ thực tế và quan điểm, gương sáng Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ hơn sự đúng đắn trong Quy định của Trung ương Đảng.


trach nhiem neu guong
Ảnh minh họa: Internet

1. Quan điểm của Đảng ta về trách nhiệm nêu gương

“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” - đó là luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XII (tháng 10/2018) vừa qua. Hội nghị đã xem xét, thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và ngày 25/10/2018 thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định.

Quy định về trách nhiệm nêu gương có những nội dung chung cho tất cả các đảng viên trong việc phải tuân thủ Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị và quy định của Đảng. Có những quy định riêng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó chỉ rõ những đồng chí này phải gương mẫu thực hiện những việc có liên quan với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, với chức trách, nhiệm vụ đảm nhận và đối với gia đình. Quy định này cũng nêu lên nội dung liên quan đến xây và chống, theo đó từng người trước hết phải tự nghiêm khắc với bản thân mình; không nên làm và không được làm một số điều. 

Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được xây dựng trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra qua hơn 5 năm thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và gần 2 năm thực hiện Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng, ngoài việc có nghị quyết tổng thể về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ Chính trị đã ban hành một số quyết định về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quy định số 08-QĐ/TW bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng có liên quan, theo phương châm có xây, có chống; xây trước, chống sau, trong đó nêu rõ 9 nội dung cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Quy định này đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XII tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp hơn 140 ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm cho nội dung của Quy định vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi và sức lan tỏa trong quá trình triển khai thực hiện. 

Quy định này đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ cao cấp nhất của Đảng, đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về nguyên tắc, mọi đảng viên đều phải gương mẫu nhưng cán bộ cấp chiến lược cao nhất phải thực sự là những người gương mẫu, đi đầu và nghiêm khắc thực hiện là điều vô cùng cấp thiết, vì đây là yếu tố tiên quyết làm nên chất lượng tốt của Đảng, nếu không như thế thì cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng sẽ không trở thành hiện thực trong cuộc sống. 

Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc, kiên quyết của toàn Đảng, nhất là các Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tạo ra sức lan tỏa, thuyết phục không những trong nội bộ Đảng mà còn tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Lòng tin của nhân dân là vàng, là tài sản lớn nhất của một đảng chính trị cầm quyền. Mất lòng tin là mất tất cả. Vì vậy, “cầm vàng chớ để vàng rơi” phải trở thành tư tưởng và hành động không được phép quên của đảng viên, đặc biệt là đối với những đảng viên giữ trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phát biểu tại Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương Khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân”1. Đây chính là giải pháp có tính đột phá trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. 

2. Quan điểm về trách nhiệm nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền và có vị trí, vai trò lãnh đạo cách mạng là kết quả của sự hy sinh, phấn đấu của biết bao thế hệ đảng viên và nhân dân; là kết quả từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tin tưởng và đi theo Đảng tiên phong. Điều này có tính tất yếu. Nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, một Đảng hôm nay được mọi người yêu mến thì có thể ngày mai không còn được mọi người ca ngợi nếu Đảng không còn trong sạch, vững mạnh, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, việc Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và tự chỉnh đốn Đảng cũng là điều tất yếu. 

Trước Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XII, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định đúng đắn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những tiêu cực khác. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, gây dư luận xấu trong nội bộ Đảng và nhân dân.

Vì vậy, những người giữ vị trí cao của quyền lực, nếu không tự mình tu dưỡng, gương mẫu thì rất dễ có lúc đứng trên luật pháp, tự cho mình quyền được làm những điều mà quy định không cho phép, tự mình tách ra khỏi cộng đồng để trở thành “ông hoàng, bà chúa”, không còn là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Họ cũng có thể học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng là chỉ ngồi nghe người ta diễn thuyết, hoặc tự họ cũng nói nhưng rồi trong thực tế không hành động theo những gì họ nói. Những hành động đó không những làm vẩn đục môi trường chính trị, đạo đức nơi địa bàn họ sống, tập thể nơi họ công tác mà còn ảnh hưởng đến cả sự tồn vong của chế độ. Tác động của cái xấu có thể có sức công phá bằng nhiều quả bom nguyên tử cộng lại, phút chốc làm băng hoại cả một truyền thống xã hội tốt đẹp được nhân dân bồi đắp qua bao thế hệ.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự trọn vẹn của chân - thiện - mỹ, không bị tha hóa. Từ thuở thiếu niên cho đến cuối đời, từ lúc hàn vi với thân phận của một người dân nô lệ, luôn bị mật thám đế quốc theo dõi, bị tù hai lần, bị xử án tử hình vắng mặt, rồi đến lúc ở vị trí người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng Người không bao giờ bị tha hóa bởi quyền lực. Mọi sự cám dỗ thường thấy đối với một con người không hề làm cho Người bị lung lay. Chủ tịch Hồ Chí Minh hành đạo, cái đạo “làm người” cho đến trọn vẹn cuộc đời. 

Người dân có cảm tình với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa trước hết là qua gương sáng của cán bộ, đảng viên, những gương đó có sức mạnh cảm hóa, đưa đến cho người dân niềm tin. Trong lúc kêu gọi những người có ăn cứ 10 ngày nhịn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo để cứu giúp những người đang bị đói ngay sau Cách mạng Tháng Tám, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm gương trước. Kêu gọi mọi người ra sức chống hạn để cứu lúa, thì Người đi tát nước, đi cấy lúa với máy cấy thí nghiệm, v.v… Đã có học giả phương Tây nhận xét rằng, bơ gạo của Hồ Chí Minh đã cứu đói cho cả một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi một người dân khoẻ mạnh thì cả dân tộc khoẻ mạnh, do đó Người kêu gọi mọi người hàng ngày tập thể dục. Người nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập”. Nói chuyện với cán bộ ở một trường huấn luyện (tháng 11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?... Miệng nói tay phải làm mới được”2. Phải thực sự gương mẫu thì mới khéo làm công tác dân vận được, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết bằng 19 chữ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kỵ giáo điều, là một con người luôn luôn đổi mới. Người đã nhiều lần đề cập đến vấn đề giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong buổi nói chuyện với cán bộ của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng năm 1968, Người nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất”3 và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”4. Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng lối “thị phạm”, tức là làm mẫu để dạy người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh không “lên lớp”, không “dạy” ai cả, mặc dù những câu, những bài Người viết, những lời Người nói, những việc Người làm đều toát lên tính làm gương. Tự lời ăn, tiếng nói, cách hành xử hàng ngày của Người chính là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta học tập. 

3. Một số vấn đề đặt ra

3.1 Hiểu cho đúng và làm cho phù hợp

Lâu nay, muốn để hiểu cho đúng thì các tổ chức đảng thường tổ chức học tập quán triệt nghị quyết của Đảng. Nhưng việc tổ chức học tập phải thiết thực trên cơ sở từng cán bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ và vận dụng liên hệ vào bản thân mình. Làm cho phù hợp là ở chỗ, ngoài quyết tâm, bản lĩnh, còn cần cả phương pháp, đó là: Phải hợp với địa bàn, phải hợp với hoàn cảnh từng lúc và phải biết thứ tự ưu tiên công việc. Việc gì làm trước, việc gì làm sau. Điều này cũng đòi hỏi thứ tự hành động phải là: Trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau. Cán bộ chủ chốt các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cao, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phải là người đi tiên phong trong số những người đi tiên phong.

3.2 Cần rà soát để loại bỏ đặc quyền, đặc lợi 

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp nếu bản thân không tự ý thức được trách nhiệm nêu gương của mình sẽ dẫn đến sự đặc quyền, đặc lợi, làm cho họ xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Họ cần phải nhận thức được quyền lực của mình là do nhân dân ủy thác, thay mặt nhân dân thực thi quyền lực đó trên thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương sáng cho việc quan niệm và sử dụng đúng chức quyền của mình. Từ đầu năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người đã nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui"5

Để thực sự làm gương sáng, các đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải làm tròn trách nhiệm của mình, tránh xa mọi cám dỗ. Nếu làm tốt điều này thì con người sẽ không bị tha hóa, xã hội sẽ lành mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới cần xây dựng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề trách nhiệm nêu gương, đồng thời có các chế tài và giám sát, kiểm tra, thi hành theo kỷ luật Đảng một cách nghiêm minh đi liền với sự giáo dục một cách kiên trì, bền bỉ. Đặc quyền, đặc lợi chính là “gót chân Asin” của mọi quy định, vấn đề là những quy định đó phải được áp dụng trên thực tế.

3.3 Trách nhiệm nêu gương từ việc lớn đến việc nhỏ 

Việc lớn hay nhỏ là tùy nhận thức của mỗi người. Những hành vi đối với không gian gia đình, làng xóm, họ tộc, khu dân cư mà cán bộ, đảng viên đó sinh sống cũng không được xem nhẹ. Bản thân cán bộ phải chịu trách nhiệm với những hành vi của những thành viên trong gia đình, phải làm gương sáng cho gia đình noi theo, đồng thời cũng phải là tấm gương tốt trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống, quyết không để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm việc xấu. Cán bộ, đảng viên cần nêu gương tốt cả lúc mình còn làm việc và khi nghỉ hưu.

3.4 Tăng cường việc xây dựng môi trường văn hoá đạo đức 

Môi trường đạo đức trong xã hội nói chung và trong hệ thống chính trị nói riêng ở Việt Nam hiện đang đến mức báo động.

Tệ nạn ma túy đã làm hủy hoại sức khỏe, giống nòi, gia đình, cộng đồng, xã hội nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực đang có xu hướng phát triển rất mạnh. Bạo lực diễn ra trên diện rộng, ở cả ba không gian: gia đình, học đường, xã hội. Có bạo lực ở học đường là do có bạo lực ở gia đình, xã hội và ngược lại. Mức độ tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức cũng đang có xu hướng tăng lên, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý nhất và thật sự nguy hiểm khôn lường là sự gia tăng của tội phạm có tổ chức. 

Văn hóa chính trị ở Việt Nam đang có nhiều tiêu cực. Ngay trong Đảng, tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả trong cán bộ cấp cao nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều cán bộ, đảng viên không làm chủ được mình trước sự cám dỗ của đồng tiền; nhiều chuẩn mực quan hệ ứng xử của con người bị phá hỏng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính. 

Vì vậy, trách nhiệm làm cho môi trường đạo đức trong sạch không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết và cơ bản nhất là của các tổ chức đảng, của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của những cán bộ chủ chốt các cấp. 

Cần nâng cao ý thức tự giác của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên. Chính ý thức và hành động của mỗi người là điều kiện để tạo ra môi trường văn hóa đạo đức tốt đẹp. Con người là vốn quý của xã hội. Đội ngũ đảng viên, trong đó cán bộ chủ chốt có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Việc xây dựng đội ngũ này liên quan trực tiếp tới chất lượng của Đảng và sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành một nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Việc thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có hiệu quả là thể hiện quyết tâm của toàn Đảng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đưa đất nước vững bước phát triển vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội./.

GS, TS. Mạch Quang Thắng
 - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo tcnn.vn
Trần Thanh Huyền (st)

------------------
 Ghi chú:
1. https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-8-822843.vov.
2,3,4. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr.101-102, tr.558.
5. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr.187.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb CTQG, H.2016.
3. Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận Trung ương, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, H.2015.
4. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2011.
5. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H.2011.
6. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011.
7. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011.

Bài viết khác: