Tháng 3, trên toàn thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến một sự kiện thường niên Giờ Trái đất, vậy bạn có biết Giờ Trái đất là gì, sự kiện này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa thế nào không?

Gio Trai dat 1

Giờ Trái đất?

Giờ Trái đất (tiếng anh: Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.

Giờ Trái đất ra đời khi nào?

Chính thức khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney, chiến dịch tắt đèn định kỳ hàng năm đã lớn mạnh trở thành một hành động về môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ các quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục cùng nhau tham gia.

Andy Ridley, Giám đốc Truyền thông của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Australia (WWF - World Wildlife Fund) mong muốn thực hiện một chiến dịch nhằm thu hút mọi người cùng nhau chống lại sự biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất. Ông cùng với các đồng nghiệp của mình suy nghĩ, tìm tòi và cùng nhau trở thành nhà đồng sáng lập của chương trình kêu gọi “tắt đèn” trong một giờ đồng hồ với tên gọi là “Giờ Trái đất”. “Giờ Trái đất” kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.

Ý tưởng của ông Andy Ridley trở thành hiện thực khi có hơn 2 triệu người và 2.000 doanh nghiệp tại Sydney cùng tham gia tắt đèn trong Lễ khai mạc Giờ Trái đất vào ngày 31/3/2007.

Ông Andy Ridley cho biết: "Sự lớn mạnh của Giờ Trái đất trong những năm qua chứng tỏ nhiều người muốn nỗ lực hơn nữa để bảo vệ hành tinh của chúng ta, cho dù đó là việc một em học sinh tạo ra sự thay đổi trong phòng học của mình, hay là việc một vị tổng thống muốn thay đổi quốc gia”1.

Logo chính thức của Giờ Trái đất

Logo của chương trình Giờ Trái đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là con số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay, logo của Giờ Trái đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.

Gio Trai dat 2
Logo chính thức Giờ Trái đất

Mục đích của Giờ Trái đất?

Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao tiết kiệm điện năng, hướng đến việc giảm lượng khí thải CO - Điôxit cacbon (loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính) và đánh động sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Bằng những hành động nhỏ như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết kiệm nước, trồng thêm một hàng cây xanh sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong suốt cả năm.

Giờ Trái đất xuất phát từ mong muốn kêu gọi mọi người cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất.

Giờ Trái đất nhằm khuyến khích một cộng đồng toàn cầu liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững.

Đã có bao nhiêu quốc gia tham gia sự kiện Giờ Trái đất?

Giờ Trái đất là sự kiện duy nhất, lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên Trái Đất. Đến nay, chiến dịch Giờ Trái đất đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố trực thuộc 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành hoạt động thường niên vào tháng 3 hàng năm, với sự tham gia đông đảo của người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.

Giờ Trái đất có bắt buộc phải tắt hết các thiết bị điện?

Giờ Trái đất chỉ yêu cầu mọi người tắt đèn không cần thiết trong một giờ, không tắt các đèn có ảnh hưởng đến an toàn công cộng. Giờ Trái đất nhắc nhở mọi người tiết kiệm điện không chỉ trong 1 giờ đồng hồ của ngày này mà mọi người hãy tiết kiệm điện bất cứ lúc nào có thể để bảo vệ Trái Đất.

Tắt điện 1 giờ/ngày đáp ứng được nhu cầu điện trong bao nhiêu ngày?

Nếu bạn tắt đèn 1 giờ/ngày và dùng số tiền đó để xây đập thủy điện ta có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn cầu trong khoảng thời gian là 08 tháng và 10 ngày (khoảng 250 ngày).

Tại sao sự kiện Giờ Trái đất được tổ chức vào cuối tháng 3?

Vì đây là khoảng thời gian của mùa Xuân và mùa Thu, điểm phân trong bán cầu Bắc và phía Nam tương ứng, cho phép thời gian mặt trời lặn gần trùng hợp ngẫu nhiên trong cả hai bán cầu, qua đó đảm bảo tác động trực quan nhất cho sự kiện toàn cầu "tắt đèn".

Dùng ánh sáng nào trong sự kiện Giờ Trái đất?

Gio Trai dat 3

Nếu cần ánh sáng hãy sử dụng nến 100% sáp ong hoặc đậu nành vì nó không độc hại, không gây dị ứng và không ảnh hưởng đến môi trường. Chúng được làm từ các sản phẩm tự nhiên, không phải từ dầu mỏ, khi đốt nến sáp ong sinh ra carbon trung tính thân thiện với môi trường (CO2 chúng phát ra đã được lấy từ không khí để sản xuất sáp, do đó khi đốt sáp ong, chúng ta có một sự cân bằng về khí thải). Hiện nay nhiều nơi trên thế giới đã thay thế việc sử dụng nến với đèn LED cho sự kiện Giờ Trái đất như một cách để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng chiếu sáng hiệu quả, một chìa khóa sự phát triển bền vững.

Giờ Trái đất tại Việt Nam

Việt Nam chính thức tham gia chiến dịch Giờ Trái đất từ năm 2009 với khẩu hiệu “Tắt đèn, Bật tương lai”. Từ 6 thành phố ban đầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế, và Nha Trang tham gia, đến nay sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố, với sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân cùng các phương tiện truyền thông. Lượng điện giảm được từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3/2009 là 140.000 KWh, tương đương 132 triệu đồng.

Gio Trai dat 4

Năm 2010, với khẩu hiệu “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn”, Giờ Trái đất diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ tính trong 1 giờ tắt đèn, Việt Nam đã tiết kiệm được 500.000 KWh điện, tương đương 450 triệu đồng. Trong suốt những ngày trước sự kiện tắt đèn, Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để nâng tầm hiểu biết của người dân về Giờ Trái đất như đạp xe tuyên truyền, giao lưu…

Năm 2011, Giờ Trái đất đã diễn ra vào ngày 26/3 với khẩu hiệu "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu", nhằm mục đích kêu gọi tiết kiệm điện quanh năm, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia và đã tiết kiệm được 400.000 KWh tương đương 500 triệu đồng.

Năm 2012, Giờ Trái đất bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 ngày 31/3 với thông điệp “Tôi và bạn hãy cùng hành động”, kêu gọi các ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức và mọi người dân tham gia chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong chiến dịch này, Việt Nam đã tiết kiệm 546.000 KWh, ước tính 712 triệu đồng.

Năm 2013, Giờ Trái đất diễn ra vào thứ Bảy, ngày 23/3, với khẩu hiệu “Tôi và bạn hãy cùng hành động”. Việt Nam tiết kiệm được khoảng 401.000 KWh, tương ứng với 576 triệu đồng.

Năm 2014, chiến dịch ngày càng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, với chủ đề: “Hãy hành động để trái đất thêm xanh”, đây là lần thứ 8 Chiến dịch này được tổ chức trên thế giới và thứ 6 tại Việt Nam. Trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của chiến dịch Giờ Trái đất tối 29/3, Việt Nam tiết kiệm được sản lượng điện 431.000 KWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng.

Năm 2015, với thông điệp “Tiết kiệm năng lượng - Ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giờ Trái đất diễn ra vào ngày 28/3. Cùng với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp tục hưởng ứng Chiến dịch này bằng nhiều hình thức phong phú như đạp xe cổ động, diễu hành tập thể, phát tờ rơi, poster, vận động lấy cam kết… Cả nước đã tiết kiệm được 520.000 KWh tương đương khoảng 850 triệu đồng.

Năm 2016, với chủ đề "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", đây là năm thứ 8 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Theo thống kê, trong 1 giờ tắt đèn, Việt Nam đã tiết kiệm được 451.000 KWh điện, tương đương tiết kiệm được hơn 731 triệu đồng. Chiến dịch Giờ Trái đất là một trong những hành động của Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 góp phần cùng thế giới chung tay trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm 2017, với thông điệp “Tắt đèn - Bật tương lai”, trong Giờ Trái đất, hệ thống điện Việt Nam đã tiết kiệm được 471.000 KWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

Năm 2018, “Go More Green - Hôm nay tôi sống xanh hơn” là thông điệp của năm thứ 10 Việt Nam tham gia. Hệ thống điện Việt Nam đã tiết kiệm được 485.000 KWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu đồng.

Năm 2019, năm thứ 11 Việt Nam tham gia chiến dịch với khẩu hiệu “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất” được tổ chức từ 20h30 - 21h30 ngày 30/3. Giờ Trái đất 2019 sẽ cùng với các đại sứ truyền tải các thông điệp sâu sắc hơn, từ đó lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của chương trình, kêu gọi cộng đồng cùng tích cực hưởng ứng để cùng hành động bảo vệ “mái nhà chung”. Nhiều hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất 2019 sẽ được tổ chức như: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình; kết nối với các nhà máy thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện trong sản xuất; tọa đàm với chủ đề “Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai”; các đại sứ giao lưu với các học sinh, sinh viên; dán poster, phát tờ rơi tuyên truyền về chiến dịch; tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội...

Gio Trai dat 5  Gio Trai dat 6 

Sau cùng, Giờ Trái Đất - có phải chỉ là tắt đèn?

Giờ Trái đất khơi dậy một cảm hứng, một tinh thần nhiệt huyết cống hiến trong mỗi cá nhân để mỗi người trong chúng ta sẽ truyền cảm hứng này, tinh thần này đến những người xung quanh và lan tỏa khắp cộng đồng. Đây cũng chính là ý tưởng mà Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - đơn vị sáng lập ra Chiến dịch hướng tới: Lan tỏa từ một nhóm nhỏ đến một cộng đồng lớn, từ một giờ đến cả năm, từ một hành động nhỏ là tắt đèn đến những suy nghĩ lớn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Gio Trai dat 7

Hãy bắt đầu từ ngay bây giờ, từ những hành động nhỏ của các bạn như sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp với những quãng đường dưới 2km, tiết kiệm điện bằng nhiều cách như không để nhiệt độ điều hòa dưới 26oC vào mùa hè, nhắc mọi người tắt đèn và các thiết bị điện khác ở nhà và công sở khi không dùng, không để đồ điện ở chế độ chờ, hạn chế sử dụng túi nylon để giảm thải chất thải nhựa, tắt máy xe khi chờ đèn đỏ trên 16 giây, trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh bạn… hoặc chỉ đơn giản là có thói quen bỏ rác vào đúng chỗ ở nơi công cộng là góp phần bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu, tạo ra một thế giới phát triển bền vững./.

Phương Thúy (tổng hợp)

Chú thích:

1. https://vnexpress.net/khoa-hoc/cau-chuyen-ra-doi-cua-gio-trai-dat-2965541.html

Bài viết khác: