Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sự sáng tạo để mọi người học tập và noi theo.

            Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các hoạt động giáo dục, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong giáo dục.

Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những thời điểm trực tiếp là nhà giáo. Từ tháng 9 năm 1910 đến trước tháng 2  năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trong những năm 1925-1927, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam yêu nước; trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khóa học.

Thông qua các bài giảng và thảo luận ở tổ, nhà giáo Nguyễn Ái Quốc phân tích, so sánh làm cho học viên nhận thức sâu sắc tính chất triệt để, đến nơi đến chốn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga so với các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ, từ đó lựa chọn con đường của cách mạng Việt Nam: Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người luôn chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho cách mạng; tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

Quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành, đến nhà giáo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, khi đã là người cộng sản, cũng chính là quá trình nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh phấn đấu không mệt mỏi để tự học, khổ luyện trong mọi khó khăn, gian khổ để rèn luyện đạo đức, ý chí cách mạng và qua đó sự sáng tạo của Người bộc lộ sáng ngời trên mọi lĩnh vực công tác.

Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sự sáng tạo để mọi người học tập và noi theo.

Ðạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu và xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Ðặt đạo đức ở vị trí là gốc, là nguồn, là nền tảng của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tự tu dưỡng đạo đức về mọi mặt để làm gương giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an, thanh niên, thiếu nhi, giáo viên, học sinh và sinh viên, v.v.

Nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm là nét đẹp trong văn hóa phương Ðông và văn hóa Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và trở thành nguyên tắc chỉ đạo xây dựng đời sống mới và rèn luyện hằng ngày của Người. Lời nói phải đi đôi với việc làm, thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác. Do đó, Bác Hồ căn dặn: "... một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" .

Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các hoạt động giáo dục, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong giáo dục; yêu nghề, yêu ngành, yên tâm công tác, mô phạm trong quan hệ với nhân dân, đồng nghiệp và người học, thương yêu học sinh và sinh viên; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thật thà phê bình, đấu tranh, ngăn chặn nhà giáo vi phạm pháp luật và quy định nghề nghiệp. Thầy giáo, cô giáo phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ.

Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh còn nêu tấm gương sáng ngời về tu dưỡng đạo đức suốt đời. Hằng ngày, Người chăm lo tu dưỡng bản thân, ung dung tự tại, lạc quan, yêu đời, không chủ quan, tự mãn, thắng không kiêu, bại không nản. Ðồng thời, Người còn đề xuất  nhiều phong trào quần chúng rộng rãi để rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, bộ đội, công nhân, nông dân, thanh - thiếu nhi. Trong ngành giáo dục, Bác Hồ đã khởi xướng phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" từ năm 1961 và trở thành truyền thống của nhà giáo, học sinh và sinh viên từ đó đến nay.

Tự học là quá trình tự thân vận động của mỗi người để tích lũy những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm lịch sử - xã hội mà nhân loại tích lũy được trong quá trình phát triển, biến nó thành kinh nghiệm và kỹ năng riêng cho cá nhân mỗi người. Ngoài những tri thức ban đầu học được ở các thầy giáo khi còn nhỏ ở quê và khi còn trên ghế nhà trường ở Huế, thì suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tri thức, kiến thức có được chủ yếu là do tự học và bản thân không ngừng tự học.

Mục tiêu và động cơ học tập được Bác Hồ xác định rõ: Học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để chung sống, học để phục vụ Tổ quốc và nhân dân, học để thực hiện nhiệm vụ cách mạng do Ðảng và nhân dân giao phó, học để phục vụ nhân loại. Do đó, Bác Hồ rất chủ động và tự giác trong học tập.

Nguyễn Ái Quốc tự học ở sách báo, học ở bạn bè và những người cùng hoạt động, học ở trên tàu, học ở thực tiễn cách mạng của nhân dân lao động trên thế giới, học mọi nơi và mọi lúc, v.v. Người đã khắc phục mọi khó khăn, tự lao động nuôi sống bản thân, hoạt động cách mạng và học tập, tìm lấy phương pháp tự học, tự nghiên cứu để học ngoại ngữ, văn hóa, chính trị, quân sự và các lĩnh vực mà Người quan tâm.

Ngày nay, sự tự học của nhà giáo vừa là quá trình để tự hoàn thiện mình vừa là tấm gương cho học trò. Học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại  ngữ và nghiệp vụ để phục vụ công tác và hoạt động giáo dục. Rèn luyện và sáng tạo nên phương pháp tự học, năng lực tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm.

Sáng tạo là đổi mới, là tạo nên những sự vật mới, giá trị mới tốt đẹp hơn. Cách mạng là sáng tạo và sáng tạo là bản chất của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cho chúng ta tấm gương sáng ngời về sự sáng tạo. Sáng tạo về phương pháp tự học, sáng tạo về phương pháp lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, sáng tạo trong các hoạt động thực tiễn hằng ngày.

Nhờ đó, Người đã kế thừa và phát triển được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thụ được tinh hoa văn hóa của nhân loại; tiếp nhận, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngày nay, sáng tạo của nhà giáo là sự đổi mới, là tạo ra cái mới trong hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, góp phần  nâng cao chất lượng giáo dục. Các nhà giáo chân chính đều sáng tạo không ngừng trong các hoạt động của mình. Sáng tạo trong vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chế tạo đồ dùng dạy học mới, hoặc cải tiến đồ dùng dạy học đã có phù hợp với điều kiện cụ thể của bài dạy, lớp học và người học.

Ðổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Kịp thời phát hiện và xử lý tốt các tình huống sư phạm. Biết phát hiện và bồi dưỡng những người học có năng khiếu, học giỏi, đồng thời biết bồi dưỡng và phụ đạo những người học yếu kém. Ðổi mới, cải tiến phương pháp quản lý nhà trường, quản lý học sinh, sinh viên và người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.

Mỗi nhà giáo thường xuyên rèn luyện đạo đức, năng lực tự học và sáng tạo theo gương nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sẽ là bước đột phá, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sạch và vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.

TS. Phạm Văn Thanh
Theo pup.edu.vn
Phương Thúy (st).

Bài viết khác: