Trong số những mối lo toan thường trực của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân cho nước, bão lụt - hạn hán - hỏa hoạn... chiếm một vị trí quan trọng.
Bà Mađơlen Rípphô, nữ nhà báo Pháp, có lần dẫn lời một đồng chí được sống gần gũi với Bác: Hồ Chí Minh rất ít ngủ. Người bận lo toan tới những chiến sỹ, những thanh niên xung phong đang xông pha ngày đêm dưới bom đạn quân thù. Và tất nhiên có nhiều đêm Người mất ngủ vì bận lo lắng, suy nghĩ tới những nạn hạn hán, mùa lũ đang đe dọa nhấn chìm đồng ruộng, người dân, cả nơi thôn quê đến chốn thị thành.
Bác Hồ thăm nông dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang gặt lúa đông xuân, năm 1953.
Nghe tin lũ lớn ở Kiến An, năm 1955, gây thiệt hại lớn về người và của, Bác Hồ cho gọi đồng chí phụ trách lên nắm tình hình. Nghe báo cáo những con số thiệt hại, nước mắt Bác rơm rớm. Bác liền chỉ thị cho Thành ủy Hải Phòng phải sớm có phương án tỉ mỉ khắc phục hậu quả, mà trước hết là không để cho một người dân nào bị đói... Cứ đến mùa nước lũ, kỳ hạn hán, Bác thường trực tiếp xuống địa phương tham gia chống hạn, chống lũ cùng dân. Có lần, Bác đến công trường Đại Thủy nông Bắc Hưng Hải tham gia lao động như một người dân thực thụ. Trên đường, thấy một chị đẩy xe cút kít nặng nề lên dốc, Bác vội chạy đến đẩy giúp chị... Người hòa vào khí thế lao động khẩn trương của công trường, làm tăng thêm niềm vui, sức mạnh cho cả một biển người đang lao động quên mình ở một công trình thủy lợi lớn trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.
Giai đoạn trước năm 1945, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng sống dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến bù nhìn. Trước những thiên tai dồn dập do bão lụt, hạn hán gây ra, tuy đã có tìm một số giải pháp phòng ngừa và cứu hộ, họ đã không toàn tâm toàn ý, thậm chí ở nhiều nơi và nhiều lúc, chính quyền đã bỏ mặc dân chúng. Các soạn giả cuốn sách Lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong hai thế kỷ XIX - XX (2002) có cho bạn đọc biết thêm: "Ngay cả việc cứu hộ cũng triển khai chậm và không toàn diện, chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là chống đói kịp thời, nên dân chúng thường phải chịu cảnh điêu đứng kéo dài trước nạn thiên tai". Cách mạng Tháng Tám (1945) gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh, đã mở ra một chương khác!
Tính sơ bộ từ năm 1947 tới năm 1959, có tới 13 bức thư, bài viết của Bác Hồ khen ngợi, động viên, chia sẻ hoặc nhắc nhở, chỉ bảo cán bộ, đồng bào, chiến sỹ trực tiếp hoặc gíán tiếp liên quan tới việc chống thiên tai bão lụt... Trên thế giới, có lẽ hiếm hoi những lãnh tụ quan tâm một cách thường xuyên, cụ thể, khoa học, và đau đáu đối với vấn đề an dân trước thiên tai, như Bác Hồ của chúng ta?!
Riêng với Nghệ An là một tỉnh lớn của miền Bắc, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng; là tỉnh đất rộng, người đông, tài nguyên khá phong phú, nhân dân có truyền thống anh dũng, cần cù. Mặc dầu vậy, Nghệ An là tỉnh thường xuyên phải đối phó, chống đỡ và khắc phục hậu quả nhiều trận bão lụt, hạn hán hiếm có trong lịch sử; rồi cháy nhà, cháy rừng, lũ ống, lũ quét, mưa đá... Trước rất nhiều khó khăn, thách thức ấy, Bác vẫn yêu cầu: "Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc".
Năm 1961, được tin vụ cháy ở thị xã Vinh gây thiệt hại tới tài sản của đồng bào, Bác Hồ gửi thư tỏ ý rất phiền lòng, đồng thời khen ngợi đồng bào, bộ đội, công an, cán bộ thị xã đã hết sức tham gia chữa cháy, giúp đỡ bà con bị nạn. Cũng năm này, lần về thăm quê thứ hai, sáng ngày 09/12/1961, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà, Bác khen: "Đã đấu tranh vượt qua những khó khăn do hạn và lụt năm ngoái để lại, và đẩy mạnh sản xuất tiến lên". Nhưng, Bác cũng nghiêm khắc với Nghệ An khi phải nói câu "Thủy lợi ở Nghệ An còn kém lắm", và kém là do hợp tác xã kém! Về việc trồng cây gây rừng của tỉnh nhà, trực tiếp liên quan tới môi trường, Bác cũng nêu nhiều nhận xét, đề nghị thẳng thắn, đến nay còn có giá trị về phương pháp luận!
Bác Hồ quan niệm, thời kháng chiến bọn Pháp và Nhật xâm chiếm nước ta nên chúng ta coi chúng là giặc và phải đánh đổ chúng đi; nay miền Bắc tạm hòa bình, phải tập trung chống thiên tai, chống nghèo đói, chống lạc hậu. Mà muốn chống thiên tai thì phải làm tốt công tác thủy lợi để chống hạn chống úng kịp thời. Lũ lụt là "giặc", chúng đồng minh với giặc đói, giặc dốt, bởi thế Người phát động phong trào đắp đê giữ đê cũng như một chiến dịch và tổ chức thi đua, những chiến sỹ hoặc những nhóm có thành tích đặc biệt, đều được Bác và Chính phủ khen thưởng, nêu gương kịp thời...
Bước sang thế kỷ XXI, môi trường toàn cầu càng trở nên xấu đi, thiên tai càng hung hãn khôn lường. Tìm hiểu và ôn lại những câu chuyện, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm chống lại, làm hạn chế thiên tai mục đích bảo vệ tính mạng và của cải người dân, là việc làm luôn có tính thời sự, cần đi sâu hơn nữa. Cũng qua đó, ta thấm thía thêm giá trị nhân văn vì con người trong đạo lý sống, đạo lý làm người của một Danh nhân!
Kim Hùng
Theo http://baonghean.vn
Thu Hiền (st)