Đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng ông Nguyễn Sỹ Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vẫn không quên những ngày ở Trường Mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội, đặc biệt là kỷ niệm các lần được gặp Bác Hồ kính yêu khi Người đến thăm nhà trường. Tình yêu thương và lời dạy ân cần của Bác luôn hiện hữu và đồng hành trong suốt cuộc đời người phi công, người cán bộ chủ chốt ngành Hàng không Việt Nam này...

Cháu nào ho thế?

Thật tình cờ mà cũng là một may mắn khi chúng tôi được chứng kiến cuộc gặp mặt cảm động giữa hai cô trò của Trường Mẫu giáo đầu tiên của quân đội. Cô Phan Thanh Hòa năm nay đã 80 tuổi, tóc bạc da mồi nhưng còn khá nhanh nhẹn và sôi nổi. Trò Nguyễn Sỹ Hưng tuổi cũng đã ngoài 60, nói chuyện vẫn thưa cô, xưng con một cách lễ phép, kính trọng. Câu chuyện của họ ngược thời gian trở về những ngày ở chiến khu Việt Bắc…

Trường Mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội ra đời từ cuối năm 1951 theo gợi ý của Bác Hồ. Trường có 100 cháu hầu hết mới 4-5 tuổi là con cán bộ cao cấp trong quân đội lúc bấy giờ. Do điều kiện chiến tranh, bố mẹ các cháu giao hẳn con cho các cô, có cháu vài năm sau mới gặp lại gia đình, có cháu không bao giờ gặp lại người thân. Trường được xây dựng với những căn nhà lá xinh xắn, núp kín đáo dưới rừng cọ ở thôn Tỉn Hóa, bản Piềng, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trường cách nơi ở và làm việc của Bác Hồ khoảng hơn một cây số. Người đã nhiều lần đến thăm và dành cho trường sự quan tâm đặc biệt. Cô giáo Phan Thanh Hòa và người học trò Nguyễn Sỹ Hưng nhớ nhất lần đầu tiên Bác đến vào đúng Ngày Sinh nhật lần thứ 63 của Người.

Tinh bac nhu nhung canh bay
Ngày 19-5-1953, Bác Hồ thăm Trường Mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội (cô giáo Phan Thanh Hòa phía sau bên trái Bác Hồ, Nguyễn Sỹ Hưng hàng ngồi đầu tiên ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu

Buổi sáng hôm ấy cô Hòa đang cặm cụi dán những bài báo lên tường nhân ngày 19-5 theo chủ đề mừng thọ Bác thì nghe thấy tiếng nói: “Cô giáo đang dán báo tường?”. Cô quay lại và sững người khi Bác đã đứng trước mặt. Được tin Bác đến, các cháu cũng ùa ra để đón Bác và vui sướng được Bác chia kẹo, chụp ảnh, rồi cùng Bác dự buổi sinh hoạt, kể chuyện. Tiết học đó, cô Hòa xúc động được vị Chủ tịch nước “dự giờ”. Cô kể chuyện: “Những ngày còn ở Pháp, Bác Hồ rất nghèo, phải đi làm thuê lấy tiền sinh sống và hoạt động cách mạng. Mùa đông nước Pháp rất lạnh, đêm ngủ không có chăn đắp, Bác Hồ phải nướng viên gạch cho nóng rồi bọc trong giấy báo, ôm vào người cho ấm”. Nghe đến đây, Bác Hồ giơ tay rồi đứng dậy nói: “Cô Hòa cho Bác ý kiến. Cô kể như vậy là chưa đúng lắm đâu. Mùa đông nước Pháp đúng là rất lạnh, lúc ấy Bác cũng có chăn nhưng không đủ ấm nên phải nướng thêm viên gạch nóng ủ cho ấm người”.

Trước lúc ra về, Bác có nghe thấy một cháu bé ho. Người hỏi: “Cháu nào ho thế?”. Cô giáo trả lời: “Thưa Bác, cháu Bích Nga ạ!”. Hôm sau, Bác gửi sang cho Trường một chai mật ong vàng óng để các cháu chữa ho.

Tình Bác nâng những cánh bay

Tháng 11 năm 1954, Trường Mẫu giáo nội trú quân đội chuyển về Hà Nội. Cũng như các bạn khác, Nguyễn Sỹ Hưng tiếp tục theo học phổ thông ở các lớp của Thủ đô. Ông kể: “Về Hà Nội tôi và nhiều bạn học cùng Trường thỉnh thoảng vẫn còn được vinh dự gặp Bác Hồ. Được Người gọi vào Phủ Chủ tịch cho kẹo, xem phim… Khi chụp ảnh, chúng tôi ào đến quanh Bác, ai cũng muốn được gần Bác. Lúc ra về, Bác còn căn dặn: “Các cháu phải ngoan, học thật giỏi để lần sau Bác lại gọi đến chơi và chụp ảnh”. Trong suy nghĩ thơ bé lúc ấy, tôi đã quyết tâm học thật giỏi để còn được vào gặp Bác…”.

Thực hiện lời Bác dạy: “Phải học thật giỏi”, Nguyễn Sỹ Hưng đã liên tục phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn để trưởng thành. Có thể nói cuộc đời của anh là quá trình liên tục học và học. Năm 16 tuổi anh khám tuyển và trúng phi công, sau đó đi học ở Trung Quốc và Liên Xô 6 năm. Sau đó, anh làm giáo viên ở Trung đoàn Không quân 951, Sư đoàn 371. Từ năm 1976 đến 1981 anh học ở Học viện Lê-nin. Thời gian này anh học cùng với 5.000 học viên là các cán bộ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa. Anh tốt nghiệp Thủ khoa của khóa, là một trong hai người (một của Liên Xô) nhận Huy chương và được khắc tên lên bức tường danh dự của trường. Về nước, anh làm giảng viên Học viện Không quân được 4 năm thì lại tiếp tục đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Năm 1990, Nguyễn Sỹ Hưng chuyển ngành sang Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và gắn bó với môi trường này từ đó đến nay.

Ở lĩnh vực mới, Nguyễn Sỹ Hưng và đồng nghiệp đã vượt qua nhiều trở ngại để khẳng định thương hiệu Việt Nam Airlines. Thời điểm 1991-1994, hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Máy bay ta đang dùng chủ yếu là của Nga so với phương Tây khá lạc hậu, vừa ồn, lại tốn nhiên liệu. Nhờ sự năng động, quyết liệt của thế hệ lãnh đạo lúc ấy và sự ủng hộ của Chính phủ, chúng ta đã tiến hành chuyển giao công nghệ thành công.

Trong hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thì hai năm vừa qua cũng là thời điểm rất khó khăn với Nguyễn Sỹ Hưng và Việt Nam Airlines. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn tới ngành hàng không các nước. Nhiều hãng hàng không lớn của các nước lao đao, thậm chí bên bờ của sự phá sản. Vậy nhưng Việt Nam Airlines vẫn đứng vững và phát triển. “Một trong những biện pháp mà chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề tiết kiệm. Nói đến tiết kiệm là tôi nghĩ đến Bác Hồ. Hồi còn ở Việt Bắc, Bác dặn chúng tôi: “Các cháu ăn cơm phải hết, không nên để thừa trên bát. Còn hạt nào là lãng phí…”. Học Bác và vận dụng vào thực tiễn, chúng tôi đã triệt để thực hành tiết kiệm. Từ những việc cụ thể như tổ chức nắn lại các đường bay để mỗi chuyến bay tiết kiệm thời gian được vài ba phút. Ngắn ngủi vậy thôi nhưng một năm với hàng trăm ngàn chuyến bay, chúng tôi đã tiết kiệm được tới hơn chục triệu đô-la rồi”.

Theo anh Hưng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hiện nay đang tiếp tục được hiện đại hóa với 70 máy bay loại mới, tiên tiến, bảo đảm chất lượng và an toàn. Đến năm 2020 phấn đấu có 160 chiếc máy bay, trở thành một trong những hãng hàng không đứng ở tốp đầu khu vực và có uy tín trên thế giới.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Sỹ Hưng nói nhiều về cô Phan Thanh Hòa và các bạn thuở cùng mái Trường Mẫu giáo nội trú quân đội ở Việt Bắc ngày trước. Anh tâm sự:

- Trong bước đường đi lên của cuộc đời, chúng tôi luôn tự hào vì có một thời ở “vườn ươm” này, được Bác Hồ, các cô giáo quan tâm, dạy dỗ. Mọi người đều có ý thức tự lập. Nhiều người trưởng thành trở thành lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh trong quân đội.

Hoàng Trung
Theo baomoi.com.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: