Đền tưởng niệm Bác Hồ do vợ chồng bà Đến xây dựng ở An Khê - Gia Lai
Sau tuần hương tưởng niệm Bác, chúng tôi được hai vợ chồng bà Đến mời đi tham quan khung cảnh xung quanh ngôi đền. Không phải là thi sĩ để cảm nhận cảnh đẹp bằng những câu thơ sâu lắng, trữ tình... song tất cả chúng tôi đều có chung một nhận xét là rất đẹp và ấn tượng. Ly cà phê vơi chưa đầy nửa, thì bà Đến đã bưng lên mời khách một mâm ngũ quả mà theo bà đó là "sản phẩm” cây nhà lá vườn sau khi đã thắp hương cúng Bác.
Sống ở Gia Lai chắc ai cũng biết hương vị cây trái của vùng đất An Khê huyền thoại. Cùng nhâm nhi cà phê và "điểm tâm” thêm mấy món trái cây quen thuộc như ổi, mãng cầu, đu đủ... bà Đến vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện tình cảm động của vợ chồng ông bà trong những ngày kháng chiến và đặc biệt chuyện "Xây đền tưởng niệm Bác Hồ” ngay trong khuôn viên nhà mình với một tình cảm cao quý và lòng biết ơn Bác.
Sinh ra trên vùng đất Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam được coi là "quê hương cách mạng kiên cường”. Đầu năm 1970, trong dòng người lánh nạn, không biết cơ duyên nào đưa đến mà người con gái đất Quảng đã gặp và đem lòng thương "chàng trai ở Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Yêu thì nhiều lắm, nhưng cái khó buộc họ chưa cưới được nhau là vì ông Nguyễn Đình Cẩn đang mang trên mình bộ quần áo "lính ngụy”. Với suy nghĩ "thương không hẳn là quên phận mình với dân tộc, với Tổ quốc”, cứ một lần bên người yêu "mặc nhầm áo lính” là một lần bà Đến lại động viên người yêu sống hướng thiện có ích cho xã hội, gia đình và con cái sau này.
Một lần, hai lần, rồi ba lần chưa xuôi cái bụng, nhưng đến lần thứ tư, thứ năm thì chàng trai đất võ Bình Định đã rũ bỏ tất cả những gì trước kia đã "lầm đường lạc lối” và cùng người con gái đất Quảng vượt đèo lên An Khê - Gia Lai lập nghiệp và tham gia các hoạt động tuyên truyền cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đi theo cách mạng, ủng hộ cách mạng đánh đuổi Mỹ - Ngụy, giải phóng quê hương.
Khai hoang, canh tác đất đai trồng lúa, bắp, đậu... và cứ thế 8 đứa con của ông bà ra đời trong niềm vui, hạnh phúc của hai vợ chồng...
Cuộc đời cứ bình lặng đi qua như dòng sông ngàn đời vẫn trôi chảy, nếu không có một ngày cuối năm 2007, bà Đến ra tham quan Nghệ An, về thăm Làng Sen quê Bác, rồi ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Có lẽ là thời gian cuối năm, nên hôm đó có rất nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị làm lễ tổng kết và về báo cáo thành tích với Bác tại Quảng trường Ba Đình... tự nhiên bà Đến thấy mình nhỏ bé quá, chưa làm được gì để báo công với Bác.
Từ suy nghĩ "có Bác là người dân mình có tất cả”, lúc còn sống Bác chưa lên được Tây Nguyên để thăm bà con đồng bào các dân tộc, nhưng trong trái tim Bác lúc nào cũng hướng về Tây Nguyên... Nhớ Bác, biết ơn Bác, nhưng nhiều người dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng chưa có điều kiện ra Hà Nội để viếng Bác, nên vợ chồng tôi quyết định gom hết tất cả tiền bạc dành dụm, tích luỹ được để làm đền tưởng niệm Bác. Hằng ngày và nhất là những dịp lễ tết mọi người sẽ đến đây đốt nén hương thơm để tưởng nhớ về Bác.
Đến nay, bà Đến vẫn nhớ như in sáng ngày 27-4-2009, khi gia đình bà bắt đầu khởi công xây dựng đền tưởng niệm Bác. Nhiều người dân địa phương đã đến thăm. Nhiều người đến cũng vì tính tò mò... có nhiều người khen, nhưng cũng có người chê.
Vợ chồng bà Đến thắp hương tưởng niệm Bác
Trả lời câu hỏi của chúng tôi "Kiến trúc sư nào thiết kế đền tưởng niệm Bác ở Tây Nguyên nhưng rất Hà Nội”, ông Cẩn cười rất vui rồi chỉ tay về phía bà Đến:
- Sau chuyến về Làng Sen quê Bác, rồi ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác, tham quan một số di tích lịch sử, văn hoá... Khi ý định xây đền tưởng niệm Bác ở Tây Nguyên xuất hiện, vợ tôi đã chọn hình tượng Chùa Một Cột để thiết kế rồi tự làm theo khuôn mẫu, ý tưởng... Đền được xây theo hình vuông, mái uốn cong như hình tượng một bông sen đang nở trên mặt hồ rộng, dưới nước thả sen, mặt đền hướng về phía Tây nam, diện tích khoảng 40m2, có cầu bê tông bắc nối tiếp từ trong ra đền. Bên trong, ngoài tượng Bác được trang trọng đặt trên bàn thờ (cấu tạo hình dáng như bàn thờ tổ tiên, dòng tộc), hai bên tường là những câu thơ được trích đóng trong khung kính như: "Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son...”; "Ôi Bác Hồ ơi những xế chiều/ Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu/ Ra đi Bác dặn "còn non nước”/ Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều...”
Sau 8 tháng tập trung xây dựng, đền tưởng niệm Bác Hồ được hoàn thành, từ đó đến nay đã có nhiều đoàn cán bộ và bà con đồng bào các dân tộc ở địa phương, đặc biệt các cháu học sinh đã đến dâng hương tưởng niệm Bác. "Hàng tháng, cứ đến ngày mùng một, ngày rằm và các ngày lễ, Tết, gia đình chúng tôi và bà con địa phương đều mua hoa quả đến thắp hương tưởng niệm Bác, riêng ngày 2/9 chúng tôi làm mâm cơm thịnh soạn để cúng Bác. Hình ảnh Bác như gần gũi hơn, thân thiết hơn với cuộc sống người dân, cuộc sống gia đình chúng tôi...”, bà Đến chia sẻ.
Không giấu được niềm vui, ông Phạm Thanh Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường An Phú, thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: "Khi vợ chồng bà Đến có ý tưởng xây đền tưởng niệm Bác, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Đây là nguyện vọng chính đáng của bà con, tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ông Cẩn và bà Đến chỉ là hai vợ chồng nông dân thuần tuý, nhưng đã gom góp, tích lũy cả đời mình được trên 300 triệu đồng (năm 2009) để xây đền tưởng niệm Bác, với mong ước hết sức đơn giản là để cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn Gia Lai và Tây Nguyên đến thắp hương tưởng niệm Bác, báo công với Bác... trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc làm đáng trân trọng, có ý nghĩa sâu rộng.
..."Bác còn sống mãi với quê hương đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương. Bác Hồ ơi!”. Lời ca vang lên trong chiều tà dưới làn khói hương trầm ấm cúng. Bác Hồ ơi! Bác vẫn còn đây, Bác vẫn sống mãi với mọi người dân Việt Nam!
Lê Quang Hồi
Theo http://daidoanket.vn
Thu Hiền (st)