Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Nam Tư, năm 1957 (ảnh Tư liệu)
Bác Hồ từng viết: “Tính tôi rất yêu trẻ con…” Quả đúng như vậy, mà không phải tận lúc tuổi Người đã cao và không có gia đình riêng. Ngày còn bôn ba hoạt động ở nước ngoài, hễ có dịp, Người lại dành cho em bé những tình cảm nồng thắm, cũng như dành cho các bạn chiến đấu của Người – khi ấy cùng trang lứa – tình đồng chí keo sơn, bất kỳ các bạn thuộc đất nước nào, châu lục nào. Như có lần Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng nói: “Cách đây hơn 30 năm, hồi ở Pa-ri, tôi đã quen thân Hồ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch đã là người dẫn đường cho tôi. Hồi đó, Hồ Chủ tịch đã là một người mác-xít thành thục, còn tôi thì mới vào Đảng, Hồ Chủ tịch là anh cả của tôi”. Bác Hồ cũng nói: “Đồng chí Chu Ân Lai là anh em của tôi, là bạn chiến đấu thân thiết của tôi!”
Một tình bạn, một tình đồng chí tuyệt vời giữa hai người cộng sản thuộc hai đất nước từ thời trai trẻ, và sau này đều trở thành những chính khách nổi tiếng của thế giới.
Đọc quyển sách giản dị mà hấp dẫn của Trần Dân Tiên “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, chúng ta sẽ chứng kiến đầy đủ về sự quan tâm của Bác Hồ - ngay khi còn trẻ tuổi – đối với những thanh niên ưu tú của các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập tự do, nhất là những thanh niên của Châu Phi. Một ví dụ: Trước khi Người rời Pháp bí mật sang Nga, đã gửi lại cho các đồng chí của mình bức thư tràn đầy tình cảm. Các bạn người Sê-nê-gan, Ma-rốc, An-giê-ri, Man-gát…, những thanh niên đầy nhiệt tình cách mạng, từng quây quần bên Nguyễn Ái Quốc để thảo luận, viết bài, in Báo “Người cùng khổ”, hôm nay xúc động cùng nghe bức thư của đồng chí Nguyễn:
“Các bạn thân mến,
Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dù chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.
Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân, chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.
Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta…”
Sau khi khẳng định tác dụng và ảnh hưởng của Hội Liên Hiệp các thuộc địa và tờ Báo Người cùng khổ, đồng thời chỉ ra những công việc trước mắt và lâu dài mà các đồng chí của mình còn tiếp tục làm trên đất Pháp, bức thư viết tiếp:
“Các bạn thân mến,
Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.
Các bạn tha lỗi cho tôi không hôn các bạn trước khi đi. Các bạn biết rằng tôi bị theo dõi riết.
Khi các bạn được thư này, Nguyễn của các bạn ít nhất cũng đã xa nước Pháp hai bốn giờ rồi…”
Đó là bức thư gửi cho những người đồng chí cùng thế hệ. Thật cảm động và thắm tình thân ái. Giữa hoàn cảnh gấp gáp lúc lên đường tới một chân trời xa, Người vẫn không quên các con của một người đồng chí người Ang-ti. Người viết thư căn dặn các cháu bằng tình cảm thân yêu của “Chú Nguyễn”, của một người cách mạng lớp trước:
“Bây giờ, một vài lời với cháu trai và cháu gái.
Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.
Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm, và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô A-lít-xơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn là cô bé A-lít-xơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú. Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Ma-ri-uýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ Quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.
Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất lâu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.
Chú Nguyễn”
Nhận được thư này, chắc hẳn gia đình ông B, vị luật sư người Ang-ti ấy và các đồng chí khác sẽ xúc động biết nhường nào, kể cả hai bé Pôn và A-lít-xơ ngày ấy.
Chừng 20 năm sau đó, nước Việt Nam của “chú Nguyễn” đã độc lập, và chú trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là “Bác Hồ” của tất cả thanh niên và thiếu nhi Việt Nam. Không rõ A-lít-xơ và Pôn có biết điêu đó không và cũng không rõ sau này họ ở đâu, làm gì.
Nhưng, có một điều chắc chắn: Bác Hồ đã luôn luôn nhớ tới họ và đã đi trên con đường mà ba má họ, mà chú Nguyễn và các chú khác đã từng đi.
Không biết A-lít-xơ và Pôn ở đâu một cách cụ thể, song, trong cảm nhận của mình, chúng ta hình dung họ đi đầu trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của quê hương, xứ sở của mình, của những vùng trời Á, Phi, Mỹ La tinh…
Họ thấp thoáng đâu đó trong hình bóng của những chiến sĩ ưu tú của Châu Phi. Như Tổng thống Ghinê Xeecu Turê mà Bác Hồ đã đón tại Hà Nội vào mùa thu năm 1960, được Người gọi là “người anh em kính mến của tôi”. Người rất cảm động vì “trong lúc phong trào giải phóng dân tộc đang cuồn cuộn lên cao như nước thủy triều, thì Tổng thống và các vị đã từ bên kia Đại Tây Dương sang bên này Thái Bình Dương để mang lại tình anh em thân thiết của nhân dân Ghinê đến cho nhân dân Việt Nam”. Trong niềm cảm động ấy, Người đọc hai câu thơ mang đậm ý nghĩa sâu xa:
“Bây giờ mới gặp nhau đây,
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên!”
Vâng, lòng đã chắc từ những ngày tuổi trẻ mà bao nhiêu đồng chí Phi châu đã cùng Người chiến đấu, hy sinh.
Hay như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa dân chủ Angieri, Chủ tịch Hội đồng cách mạng Huari Bumêđiêng từng viết trong Sổ tang khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời:
“Ôi! Vị anh hùng! Đây là một ngày đau thương, ngày Người vĩnh biệt chúng tôi, Người đã dẫn đường, chỉ lối cho các thế hệ trong suốt cuộc đời của Người hiến dâng cho cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, chống sự nô dịch và bóc lột.
Người đã đấu tranh để giành tự do cho dân tộc của Người, một dân tộc tự hào về phẩm chất của mình, một dân tộc đã đi tiên phong trong sự hy sinh và lòng dũng cảm, đã nêu một tấm gương đấu tranh sáng nhất ở mọi nơi và trong mọi lúc, một dân tộc đã chứng tỏ mình là một trong những dân tộc vĩ đại của thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan những cơ cấu của sự tàn bạo và đã góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đã giành lại nhân cách của mình trên lĩnh vực tinh thần, ngôn ngữ và kinh tế để làm cho các dân tộc đoàn kết lại với nhau, tiến tới một nền hòa bình mà đặc điểm của nó là tự do, phẩm cách và đoàn kết, thống nhất.
Người mất đi là thế giới thứ ba mất một người dũng cảm vì cuộc đời chiến đấu của Người cũng là một cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức của Châu Phi, của Palextin, của Việt Nam, của Châu Á và của thế giới thứ ba, để giành lại phẩm cách và danh dự cho mình. Cuộc chiến đấu đó sẽ còn tiếp tục cho đến thắng lợi hoàn toàn và sẽ vẫn là tượng trưng cao cả nhất cho cuộc đấu tranh này”.
Thấu hiểu sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các dân tộc và thanh niên thế giới, Chủ tịch H.Bunúcđiêng kêu gọi:
“Mong rằng tấm gương của Người và cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam hành động cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới”.
Không chỉ là thấp thoáng trong hình bóng, trong suy nghĩ và hành động của các nhân vật ưu tú của Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Pôn và A-lít-xơ mà “chú Nguyễn” ngày xưa xiết bao yêu quí cũng có mặt trong những dòng người Châu Phi rước chân dung Bác Hồ, trong số những người chiêm ngưỡng bức tượng kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm Antananariô, Thủ đô nước Cộng hòa dân chủ Mađagaxca… Và họ sẽ không bao giờ quên các nhân vật ưu tú từng quây quần bên Nguyễn Ái Quốc ra Báo Người cùng khổ (Le Paria) với lời khẳng định trong số đầu tiên (tháng 4 năm 1922): “Báo ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Mađagaxca, ở Đông Dương, ở quần đảo Angti và Guyan”
Bị thực dân Pháp cấm đoán nghiêm ngặt, song Tờ báo ấy đã vượt qua vòng vây của chủ nghĩa thực dân, đến với các dân tộc xứ thuộc địa, như một lá cờ thức tỉnh họ đứng lên trong sự nghiệp giải phóng.
Tình hữu nghị, tình chiến hữu, tình của người cách mạng lớp trước đối với thế hệ sau đã được thể hiện thật cụ thể trong hai bức thư viết tại Pa-ri năm nào của chú Nguyễn – tức của Bác Hồ kính yêu.
“Chú sẽ luôn luôn nhớ tới các cháu”. Bạn đọc chúng ta sẽ cảm nhận đầy đủ tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu qua các bức thư, bức điện, trong các cuộc đón tiếp và trao đổi với các nhà chính khách và các bạn trẻ Châu Phi.
“Chú sẽ thay mặt các cháu
bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam”. Cũng là từ ấy, trên đất Pháp, Người nhen nhóm và đặt những viên gạch đầu tiên cho tình hữu nghị chiến đấu vĩ đại giữa tuổi trẻ Việt Nam và tuổi trẻ quốc tế.
Tâm Trang (st)