Báo chí Mỹ gọi Linebacker II - mật danh của cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 - là “Cuộc ném bom mùa Giáng sinh”. Nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ gọi sự kiện này một cách đầy tự hào là “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc đấu trí trong một “ván cờ” ngoại giao kéo dài hơn bốn năm tại Pari...

Trong cuộc đấu cờ, người thắng kẻ thua phải chính là những người chơi cờ

Trong cơn khủng hoảng về chiến lược chiến tranh, về chính sách đối ngoại và đối nội sau Mậu Thân - 1968, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon.B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam từ phía bắc vĩ tuyến 20 và: “Đã đến lúc nói lại về hòa bình và tôi sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường một cuộc xuống thang”.

DBP 1.1
B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội.

Trên trường ngoại giao, trước cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã có nhiều hoạt động “tìm kiếm hòa bình”. Những chuyến đi Bắc Kinh (2/1972) và Mátxcơva (5/1972) gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Liên Xô cũng đã thu về cho R. Nixon những thuận lợi trong sự mặc cả về vấn đề Việt Nam.

Nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã rút ra những kinh nghiệm của mình từ Hội nghị Giơnevơ năm 1954 - khi những gì phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đạt được trên bàn hội nghị không tương xứng với những gì đã đạt được trên chiến trường do những sức ép chính trị từ nhiều phía khác. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với ông Henry Kissinger trong cuộc trao đổi bí mật ngày 26/1/1971 được tác giả Larry Berman trích dẫn: “Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi” (1) .

DBP 1.2
Phố Khâm Thiên bị máy bay B52 ném bom hủy diệt ngày 26/12/1972.

Trong những năm Hội nghị Pari bàn việc kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, súng vẫn nổ dữ dội trên chiến trường. Tại Pari, nhiều cuộc tranh luận gay gắt vẫn diễn ra xung quanh chiếc bàn tròn đường kính 8m phủ vải xanh và trong những cuộc gặp bí mật. Nhưng thực lực của các lực lượng và tình thế chiến trường sẽ quyết định những điều khoản thỏa thuận đạt được trên bàn đàm phán.

Mỗi người dân bình thường nhất ở Hà Nội cũng hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của cuộc chiến đấu chống lại B52 đối với cuộc đấu tranh ngoại giao cũng không kém phần gay go quyết liệt đang diễn ra cách đó hơn 10.000 km. Tiếng bom Mỹ ở Hà Nội dội đến và gây tác động mạnh ở Pari. Mỗi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội cũng là câu trả lời đanh thép của nhân dân Việt Nam gửi tới bàn Hội nghị.

Âm mưu thương lượng trên thế mạnh

Trong tình thế phải “xuống thang” trên chiến trường nhưng muốn gây sức ép để đạt được kết quả có lợi trên bàn Hội nghị Pari, Mỹ vẫn tiếp tục cố gắng kéo dài chiến tranh ở Việt Nam, thậm chí mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới miền Nam Việt Nam bằng các cuộc hành quân sang Lào và Campuchia. Những cuộc hành quân này nhằm mục đích trước tiên là cắt đứt tuyến đường cung cấp hậu cần hậu phương của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Mặc dù vậy, những thí nghiệm cho công thức Việt Nam hóa chiến tranh: Quân ngụy + Hỏa lực Mỹ + Hậu cần Mỹ = Chiến thắng đều không mang lại kết quả như Mỹ mong muốn.

DBP 1.3
Đơn vị tên lửa X... bảo vệ Thủ đô phóng đạn đánh trả máy bay Mỹ.

Những cố gắng trên chiến trường của Mỹ phản ánh rõ mưu đồ “thương lượng trên thế mạnh”, buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấp nhận những điều khoản do Mỹ áp đặt. Từ tháng 4/1972, Mỹ phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại và bóp nghẹt miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Mật danh của chiến dịch được đặt là Linebacker I. Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị lớn khác ở miền Bắc là các mục tiêu chính. Cường độ đánh phá cũng như mật độ số lần đánh phá những mục tiêu này đều ở mức cao.

Cho đến những ngày cuối năm 1972, đỉnh cao của những cố gắng “thương lượng trên thế mạnh” của Mỹ là “cuộc ném bom mùa Giáng sinh” - đã được chuẩn bị kế hoạch từ trước với mật danh Linebacker II. Mức độ khốc liệt của Linebacker II là chưa từng có. Nếu như Linebacker I có mục đích “tiêu diệt khả năng chiến tranh của Bắc Việt” thì Linebacker II nhằm mục tiêu cao hơn: “Tiêu diệt ý chí chiến đấu của Bắc Việt; đánh phá tối đa các mục tiêu quan trọng và có giá trị nhất; gây khốn khó tối đa cho người dân...”.

“Cuộc ném bom mùa Giáng sinh” đã gây sốc cho công luận Mỹ và toàn thế giới khi biết những mục tiêu dân sự bị rải bom hủy diệt bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Sau này chính ông Kissinger đã viết trong hồi ký của mình: “Sự căm phẫn về đạo đức tăng lên từng ngày. Người ta phản đối chính phủ Mỹ đang cố tình giết dân thường. Người ta nhanh chóng buộc tội chính quyền là phi đạo đức và lừa gạt; "dã man tàn bạo" là một tính từ hay được dùng” (2).

Dũng cảm và vững vàng

Trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã đặt dấu chấm hết “cuộc cờ tàn” và kết thúc sự tham chiến trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Cả hai bên “chơi cờ” đã sử dụng tất cả những “quân cờ” của mình với cố gắng cao nhất. Nhưng cuối cùng Việt Nam đã thắng - với những “quân cờ” chủ yếu là tinh thần yêu nước, là lòng tin mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình.

Ông Kissinger và một số người đồng quan điểm cho rằng Việt Nam chỉ thắng về chính trị chứ không thắng về quân sự vì đã đưa được chiến tranh vào trong nước Mỹ. Đánh giá này không thực tế. Nếu quân Mỹ không phải chịu những thất bại nặng nề trên chiến trường thì làm sao chiến tranh Việt Nam có thể “lan” đến nước Mỹ, trở thành vấn đề của Mỹ, trở thành cuộc chiến tranh của nước Mỹ?

Trong những năm chiến tranh, những người nước ngoài nhìn thấy ở Hà Nội một dáng vẻ dũng cảm và vững vàng của người Hà Nội đối phó với bom Mỹ. Họ thán phục: “Hà Nội có rất nhiều hầm trú ẩn, các khách sạn không hề có công sự bảo vệ như Sài Gòn. Bồn chồn, bứt rứt thì người trong nước Mỹ ta bồn chồn bứt rứt nhiều. Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang”(3). Với nhân dân tiến bộ trên thế giới, Hà Nội là biểu tượng của phẩm giá và lương tri nhân loại.

Hà Nội trở thành biểu tượng bất khuất của một dân tộc yêu tự do, không chịu khuất phục trước sức mạnh của vũ khí. Chống lại “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, “con ngáo ộp” B52 và các loại máy bay hiện đại khác của Mỹ không chỉ có tên lửa SAM và máy bay MIG mà còn có ý chí của cả một dân tộc bất khuất, có nụ cười và mũ rơm của các em học sinh vẫn đêm đêm trông về Hà Nội rực sáng ánh lửa đạn và xác “pháo đài bay” đang cháy.

  (1) Larry Berman (2003) - Không hòa bình, chẳng danh dự Nixon, Kissinger, và sự phẩn bội ở Việt Nam (Nguyễn Mạnh Hùng dịch), Việt Tide xuất bản, tr 145.

(2) Henry Kissinger (2007) - Kết thúc chiến tranh Việt Nam; Tài liệu tham khảo đặc biệt; Thông tấn xã Việt Nam, Tập 2, tr 264.

(3) H.Pteco (1984) - Hà Nội trong con mắt bạn bè - Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr 77.

Theo Baotintuc.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: