84
Bác cùng thiếu nhi thế giới

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. - Thư Bác Hồ gửi cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, nhân dịp Tết Nguyên đán, năm 1946.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức phong phú và sôi nổi của mình, Bác kính yêu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ và để lại cho thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới những tình cảm quí báu và những lời dạy thiết thực đối với lớp lớp con cháu. Còn nhớ, cuối tháng 3 năm 1961, tại Đại hội đại biểu qoàn quốc làn thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam – nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác đã đến thăm và nói chuyện. Bác nói: “Thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới! Hãy hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản!”

Lới nói “mộc mạc” ấy chính là lời kêu gọi nóng bỏng từ tấm lòng của một nhà hoạt động quốc tế sôi nổi, suốt đời phấn đấu không chỉ vì nền độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của dân tộc mình mà còn vì tương lai tươi sáng của toàn nhân loại. Vì cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, Người đã tới và hoạt động ở hơn 40 nước và vùng của 4 châu: Á, Âu, Phi, Mỹ, Trong một quãng thời gian là hơn 30 năm trời, từ một thanh niên tên là Nguyễn Tất Thành ở tuổi 21 cho đến ngày trở về Tổ quốc là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở tuổi ngoài 50 và ít năm sau trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi nước nhà bước vào kỷ nguyên của độc lập - tự do, Người lại có những cuộc hành trình đầy tình hữu nghị tại nhiều nước anh em, bầu bạn, từng gắn bó với bao nhiêu con người thuộc mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo, chính kiến, lứa tuổi. Tư tưởng nhân văn của Người: “Giang sơn muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”, thấm đậm trong mỗi việc làm, trong từng câu nói, trong mọi cử chỉ xử thế, có một sức hấp dẫn kỳ lạ, nhất là đối với các thế hệ thanh niên và thiếu niên. Các bạn quốc tế cũng gọi Người là Cha, là Bác, là Anh. Năm 1946, khi sang thăm Pháp trên cương vị thượng khách của Chính phủ nước này, Bác có nhiều dịp tiếp xúc với đủ các giới chính khách, báo chí, văn nghệ, đảng phái, đoàn thể, quần chúng. Trên đất Pháp, Người đã trải qua cả một thời tuổi trẻ và kết bạn với nhiều chiến sĩ cách mạng cùng lứa tuổi. Sau này, chính Người tự nhận: “Tôi đã nhiều năm từng là dân Pa-ri”. Vâng, trên đất Pháp, Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản của nước này và Đoàn đại biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới đã xin phép Người được gọi là “Bác Hồ”.

Người “Bác” và người “Cha” thân yêu Hồ Chí Minh từng nói: “Tất cả trẻ em trên thế giới là con tôi!”. Người nói câu ấy khi tiếp bố mẹ của một người con gái Nga được Bác đỡ đầu. Những người con đỡ đầu của Bác Hồ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác nhau, như Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ, Anh, Trung Quốc…

Ngoài một số người được Bác nhận làm “con đỡ đầu”, “con nuôi”, “con nhận” khi đã đến tuổi trưởng thành, như trường hợp các nữ nhà báo Mađơlen Ríp-phô, Hanôlôre Khao-phen hay ca sĩ Đỗ Lệ Hoa, còn nói chung, những người con đỡ đầu được Bác nhận khi còn rất bé, thậm chí mới lọt lòng – đó là Êlidabét ở Pháp (mà Bác gọi thân mật là Babet), ở Bệnh viện Phụ sản Bôđơlốc, đại lộ Po Roayan, thuộc quận 5, Pa-ri, ngày 15-8-1946; Knút Vôn-căng ở Đức, có cùng ngày sinh với Người (19/5), là con của ông bà Hátman ở thành phố Dépnitxơ nổi tiếng với nghề làm hoa nghệ thuật, ra đời năm 1951 Irina Đimitơriépna Đênia, sinh vào mùa xuân năm 1958 trên đất nước Nga…

Patơrixia, con gái của Luật sư người Anh Lôdơbai, vị ân nhân không chỉ là của Bác Hồ mà của cả dân tộc ta (qua “vụ án Hồng Kông” vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước) hoặc Inđira Ganđi, con gái của cố Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru… được biết Bác khi ở tuổi thiếu nhi.

Tất cả họ, những người “con đỡ đầu” của Bác Hồ, dù thuộc quốc gia nào, đều đã sống, phấn đấu và trưởng thành xứng đáng với sự mong đợi của người cha đỡ đầu.

Những mối quan hệ “cha - con”, “bác - cháu”, “anh - em” như Bác Hồ với người nước ngoài rõ ràng cũng là một nét độc đáo trong đời thường của vị lãnh tụ vĩ đại. Đó là những quan hệ tình cảm giữa những con người với nhau, không hề có sự cách biệt giữa nhà lãnh đạo tối cao của một nhà nước đối với những người bình thường trong đời sống, ở nước ta cũng như ở các nước anh em, bầu bạn.

Chúng ta còn nhớ, năm 1946, Bác Hồ kính yêu đã sang thăm hữu nghị nước Pháp với tư cách vị thượng khách của Chính phủ nước này. Thời gian cuối của chuyến đi lịch sử ấy, Bác ở tại nhà ông Raymông Ôbrắc, đã kết nghĩa “anh em” với người chủ nhà này. Đúng dịp ấy, vợ ông Ôbrắc sinh con gái đầu lòng. Từ năm 1946 này, hằng năm, cứ vào khoảng 15 tháng 8, kể cả trong chiến tranh, Bác Hồ vẫn có thư và quà gửi tới ông bà Ôbrắc và con gái đỡ đầu của mình. Quà của Người là những quả cầu nhỏ hoặc một con trâu bằng ngà, một bức ảnh chân dung của Người. Về phía mình, khi lớn lên, Ba-bét hàng năm cũng gửi thư và quà cho cha đỡ đầu. Một lần, cô gửi cho Người một chiếc hộp vuông chứa đựng một quả trứng đẽo từ một thứ đá quí, quà của Babét mang ý nghĩa: Quả trứng là biểu tượng của sự sống, tương lai và sự hoàn hảo. Cô giải thích: “Cha đỡ đầu của tôi là hiện thân của những điều đó”.

Một lần, sang công tác ở Hà Nội, ông Ôbrắc đã được Bác Hồ tiếp, ôm hôn rất chặt và nhờ hôn dùm Babét. Người đưa cho ông một gói nhỏ và bảo: “Đây là tấm lụa để Babét may áo cưới!”.

Cho đến khi Người qua đời, Babét không được gặp cha đỡ đầu. Năm 1990, cô được Nhà nước ta mời sang Hà Nội cùng ông Ôbrắc dự lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người. Lúc này, ông Ôbrắc là Ủy viên toàn quốc Hội Hữu nghị Pháp – Việt. Còn Babét cũng đã 44 tuổi, là giáo viên, mẹ của ba đứa con xinh đẹp. Lập gia đình xong, Babét vẫn trân trọng giữ xấp lụa vàng Bác Hồ tặng chị. Babét thường nói với chồng và các con rằng: “Chúng ta đang sống lại một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời mà Bác Hồ đã dành cho chúng ta!”.

Trường hợp Knút Vôn- căng ở miền Nam nước Đức nhận làm con đỡ đầu cũng khá đặc biệt. Như đã nói, Knút sinh ngày 19-5-1951 (cùng ngày sinh với Bác Hồ). Người cha của Knút, ông Vante Hátman, chủ nhiệm phòng bưu điện thành phố, viết thư lên Bác Hồ với nguyện vọng xin được Người nhận con trai ông làm con đỡ đầu. Gần 4 tháng sau, vào ngày 15-9-1951, sau bao nhiêu mong đợi, gia đình ông đã nhận được thư trả lời của Bác Hồ. Đó là một sự kiện to lớn đối với gia đình ông, vì thư gửi đi không có địa chỉ rõ ràng, mà Bác Hồ đang ở một nơi bí mật giữa núi rừng Việt Bắc - vậy mà, thật kỳ diệu, thư ông vẫn đến với Người và được Người đáp lại rằng Người “rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đầu”. Người còn gửi biếu cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng tiền Việt Nam để làm kỷ niệm. Bác mong “ông bà nuôi dạy cháu mau lớn, vui vẻ, mạnh khỏe, mai sau trở thành một chiến sĩ tốt”.     

Tháng 7 năm 1957, Knút và cha mẹ, bà ngoại cậu đã được Bác Hồ tiếp tại làng Môritxbuốc trong dịp Người sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Knút đã được cha đỡ đầu xoa đầu trìu mến. Tấm ảnh chụp ghi lại những giờ phút hiếm hoi đó được Knút luôn mang bên mình, khi còn đi học ở trường cũng như khi tham gia quân đội nhân dân. Sau mấy năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, Knút học một lớp nghiệp vụ và trở thành một cán bộ kỹ thuật của một Xí nghiệp Lai bò giống. 

Còn Irina ở Nga ít hơn Knút 7 tuổi, là con gái đầu lòng của một đôi vợ chồng trẻ. Họ rất mong muốn được chia sẻ niềm vui to lớn đó với Bác Hồ - người mà họ chưa một lần được gặp, nhưng cảm thấy rất gắn bó và tin yêu. Trong lá thư gửi sang Hà Nội, họ viết những dòng sau đây tới Bác Hồ:

“Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và của trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục tốt đẹp của nước Nga, chúng cháu chân thành yêu cầu Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúng cháu – con gái tên là Irisơca”.

Đối với đông đảo người dân Nga, ngay từ giữa những năm thế kỷ 20, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nổi tiếng và có sức hấp dẫn vô cùng. Báo chí Liên Xô hồi đó liên tục đưa tin, viết bài về sự phát triển anh em giữa Liên Xô và Việt Nam – mối quan hệ do Người và các nhà lãnh đạo tiền bối của Liên Xô hồi đó gây dựng và vun đắp nên. Lúc đầu, bố mẹ của Irina không hề nghĩ là Bác Hồ sẽ trả lời bức thư của họ, càng khó hi vọng là Bác sẽ nhận làm cha đỡ đầu cho cô con gái. Đôi lúc họ nghĩ: Thực ra, con gái họ cũng bình thường như bao em bé khác, việc gì mà phải viết thư cho một vị lãnh đạo Nhà nước vốn bận rộn với bao công việc hệ trọng. Nhưng, xét cho cùng, vẫn có một động cơ sâu xa thúc giục họ cầm bút viết thư lên Người. Ấy là, như họ nói, ở nước Nga thân yêu của họ, từ thuở xa xưa đã có tục nhận cha nuôi cho trẻ mới sinh. Những người được mời làm cha nuôi là người đáng kính nhất.

Tuy vậy, không phải họ chọn Bác Hồ - vị Chủ tịch của nước anh em, một nhà cách mạng nổi tiếng, làm cha nuôi Irina với lý do bình thường theo tục lệ cổ truyền. Đây chính là cách bày tỏ tình đoàn kết của họ đối với sự nghiệp tốt đẹp của nhân dân Việt Nam và cũng là để tỏ lòng kính trọng của họ, cũng như của mọi người dân Xô-Viết đối với vị Chủ tịch của nước Việt Nam tự do… Họ vô cùng sung sướng khi nhận được thư trả lời của Người:

“Cô An-na Xta-xi-a Va-xi-lép-na và chú Đi-mi-tơ-ri Gơ-ri-gô-rê-Vích thân mến!

Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú. Tôi mong rằng sự nhận lời của tôi sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô.

Hôn con gái đỡ đầu bé nhỏ của tôi và chúc cháu được mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc cô chú đạt nhiều thành tích trong công tác, trong cuộc sống.

Chào thân ái,

Hồ Chí Minh”

Ngoài lá thư ra, Bác còn gửi kèm một bức chân dung của Người. Trên tấm ảnh, Người viết dòng chữ Nga rất rõ nét:

“Hôn con Irasơca, chúc con mạnh khỏe và hạnh phúc.

Cha nuôi Hồ”

Tất cả những thư, điện, hình ảnh, quà tặng mà sau đó Bác Hồ gửi cho đều được Irina gìn giữ cẩn thận như những kỷ niệm quí báu nhất.

Và cho đến mùa thu năm 1960, nhân chuyến Bác Hồ sang thăm Liên Xô, gia đình Điôminnưi đã được mời đến thăm Người. Bé Irina lúc này mới được hơn hai tuổi, âu yếm gọi Người là ông nội. Tại cuộc gặp gỡ ấm cúng, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc con đỡ đầu, cho bé nào táo, nho, nào kẹo, bánh. Người còn kể chuyện cổ tích Việt Nam và cùng bố mẹ cháu hát bài Cachiusa Chiều ngoại ô Mátxcơva. Cả nhà còn được mời ở lại ăn trưa với Bác Hồ.

Irina hiện nay đang làm gì? Một nhà báo Nga đã hỏi giùm chúng ta như thế. Cha mẹ cô cho biết: Cô đang cùng chồng là Igo Tribrixốp khai thác dầu khí ở Chiumen (Tây Xiberi). Sau khi tốt nghiệp Trung học loại ưu Irina đã từng phục vụ trong ngành công an. Chồng cô là cán bộ hàng không dân dụng. Hai vợ chồng đã có cô con gái, tên là Varônica. Cha của Irina nói với nhà báo:

- Igo là phi công lái trực thăng khai thác dầu. Ở vùng này, khí hậu ác  nghiệt, mùa đông dưới 50 độ âm. Tuy vậy, thiên nhiên vùng Xiberi cũng thật đẹp… Con, cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những người yêu lao động và dũng cảm đã trụ vững trên vùng đất này.

Kim Yến (Tổng hợp)

 

 

Bài viết khác: