Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 06/02/2025

Cách đây đúng 40 năm, vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972, cả Hà Nội phải oằn mình chống đỡ những trận bom oanh tạc đáng sợ chủ yếu bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 mang mật danh Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II (LinebackerII) của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta. Song bằng ý kiến kiên cường, lòng yêu nước sắt son và bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam, quân và dân Hà Nội đã làm nên chiến thắng lẫy lừng: Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hà Nội ngày ấy…

Ngay từ đầu Xuân 1968, Bác Hồ đã nhận định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Đúng như dự đoán của Bác, trước những thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam, để cứu vãn tình thế cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, ngày 17-12-1972, Tổng thống Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II (Linebacker II)bằng B.52 sẽ bắt đầu vào 7 giờ sáng ngày 18-12-1972 (giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18-12-1972).

B.52 là loại “siêu pháo đài bay chiến lược” do hãng Boeing sản xuất, chiếc đầu tiên được đưa bay thí nghiệm vào 16-4-1952 nên được gọi B.52. Sau 20 năm, năm 1972, B.52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B.52A đến B.52G, B.52H. Mỗi chiếc B.52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12 năm  1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ. Mỗi B.52 được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống các loại ra-đa của đối phương. Khi B.52 tấn công mục tiêu còn có máy bay EB66 gây nhiễu phía ngoài và nhiều tốp F4 thả nhiễu tiêu cực là những bó sợi hợp kim nhôm trong khu vực độ dài từ 40km đến 70km, dày khoảng 2km để gây nhiễu. Trung bình mỗi B.52 đi chiến đấu có 7 máy bay chiến thuật đi kèm.

Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 với âm mưu nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.

Nhờ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về chiến dịch, chiến thuật, lực lượng và bước vào cuộc chiến đấu không khoan nhượng suốt 12 ngày đêm với lũ “giặc trời” - B.52 của đế quốc Mỹ.

Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút ngày 18-12-1972, nhiều tốp máy bay B.52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm... Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu, mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đúng 20 giờ 18 phút, Tiểu đoàn 59 Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp hạ ngay 1 máy bay B.52 (máy bay rơi xuống cánh đồng thuộc Phủ Lỗ và Đông Xuân, giữa tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nội, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B.52-G đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.

Hn a1
Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội.

(Ảnh tư liệu - Internet)

 

HN a2
Những hố bom trên mặt đất. (Ảnh tư liệu - Internet)

Trong 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng chạp năm 1972 (từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972), không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất, man rợ nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Những gì mà Hà Nội đã phải gánh chịu trong suốt 12 ngày đêm ấy đã tố cáo tội ác tày trời của đế quốc Mỹ. Tờ báo lớn nhất của Anh, The Daily Mirror, bình luận: "Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ". Thủ tướng Thụy Điển đã lên án cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên qui mô đạo đức của sự tàn bạo của phát xít tại Trại Tập trung Treblinka.

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta, hơn 100 ngàn tấn bom đạn. Chúng đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.  

Riêng Hà Nội phải hứng chịu 4 vạn tấn bom của địch, với 67 xã ngoại thành, 39 phố nội thành, 7 ga xe lửa, 4 cầu, 4 bến phà và Đài Tiếng nói Việt Nam bị oanh tạc. Trung bình mỗi đêm kẻ địch đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B.52, cao điểm lên đến 100 lượt B.52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. Như vậy, bầu trời Hà Nội mỗi đêm có 200 - 300 máy bay. Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị bom B.52 tàn phá cả chiều dài trên 1 km, gần 2000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương, có gia đình 6 người ngồi trong hầm chết toàn bộ. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B.52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong.   

Hn a3
Phố Khâm Thiên tan hoang sau khi bị máy bay B.52
ném bom huỷ diệt ngày 26-12-1972.
(Ảnh tư liệu - Internet)

12 ngày đêm kinh hoàng, biết bao người dân vô tội đã bị chết oan dưới bom đạn kẻ thù, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ bầu trời Tổ quốc, biết bao nước mắt đã đổ vì đau thương mất mát. Song vượt lên tất cả, quân và dân Hà Nội đã chứng minh cho cả thế giới thấy bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh của người Hà thành nói riêng và những người con đất Việt đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng nói chung. B52 rải thảm Hà Nội, máu rơi, nhà đổ, “đất rung, ngói tan, gạch nát”… nhưng lòng người thì vẫn đứng vững, Thủ đô của chúng ta vẫn luôn toát lên tâm thế hào hùng. Giữa chiến tranh ác liệt, bom đạn đau thương, người ta vẫn bắt gặp một Hà Nội lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống qua những hình ảnh đời thường như một đám cưới giản dị chỉ ít ngày sau trận B52; hình ảnh các thanh niên đàn hát bên chút bánh kẹo thay cho cỗ cưới; hình ảnh người Hà Nội đi chợ Tết… Tất cả đều cho thấy tinh thần lạc quan phơi phới, tin tưởng vào tương lai của những người Hà Nội trong lửa đạn khốc liệt. Đó là một trong những sức mạnh tinh thần thôi thúc người Hà thành vững tay súng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

HN a4
Dù ăn ngủ cùng những trận bom bất ngờ nhưng người Hà Nội vẫn rất lạc quan. Người dân chuẩn bị ăn Tết năm 1972 trước thời điểm sơ tán. (Ảnh tư liệu - Internet)

HN a5
Ba tuần sau đợt 12 ngày đêm B52 trải thảm, đám cưới của phóng viên ảnh
 Thông tấn xã Việt Nam  chỉ có kẹo, hoa đồng tiền và bánh mừng
chiến thắng và chờ Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu - Internet)

HN a6
Các lớp học ở ngoại thành năm 1972 vẫn diễn ra. Học sinh để sẵn mũ rơm trên bàn để sẵn sàng chạy mỗi khi máy bay Mỹ thả bom. (Ảnh tư liệu - Internet)

Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “Siêu pháo đài Bay B.52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. Phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất rất nhiều phi công. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ, là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ. Tướng Gioóc Ết-tơ, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, đã từng thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa kỳ rằng, “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.

Hn a7
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội.

(Ảnh tư liệu - Internet)

HN a8
Cô gái làng hoa Ngọc Hà và xác vụn B52 phía sau.

(Ảnh tư liệu - Internet)

 

Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7h sáng ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27-01-1973 Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.

Quân dân Hà Nội đã thực hiện được lời kêu gọi đầy quyết tâm của Bác Hồ kính yêu: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B.52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

 

HN a9
Thành ủy, Ủy ban Hành chính  thành phố Hà Nội dự lễ mừng công, trao thưởng
cho các Sư đoàn và các Trung đoàn tên lửa lập công xuất sắc
 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. (Ảnh tư liệu - Internet)

… và Hà Nội bây giờ

Cuộc chiến đã lùi xa 4 thập kỷ, Hà Nội ngày nay đã thay áo mới và đang trên đà phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quân dân Hà Nội đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hào khí và tài hoa vươn lên vượt mọi khó khăn., thử thách giành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; được bạn bè quốc tế khâm phục và đặt cho cái tên thân yêu “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Đồng thời, với những thành tích to lớn trong 2 cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình, đặc biệt là chiến công rực rỡ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhân dịp kỷ niệm 990 năm ngày Vua Lý Thái Tổ rời đô về đất Thăng Long, Hà Nội đã được Đảng và Chính phủ phong tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng”.

HN a10
Những tuổi thơ không phải giật mình vì bom đạn.

(Ảnh tư liệu - Internet)

HN a11
Phố Khâm Thiên ngày nay trở thành một khu buôn bán sầm uất với nhiều cửa hàng phong phú. (Ảnh tư liệu - Internet)

HN a12
 Vượt qua đau thương chiến tranh, Hà Nội đang từng bước phát triển vững mạnh. (Ảnh tư liệu - Internet)

Tiếng bom rơi chấm dứt đã bốn thập niên, song thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và cả mai sau. Hà Nội của hôm nay đang đầy ắp tiếng cười, trở thành thành phố Vì hòa bình trong lòng cộng đồng quốc tế. Hà Nội – Thủ đô yêu dấu ngày nay là một Hà Nội năng động, phát triển, một Hà Nội bình yên, tươi đẹp, hút hồn khách du lịch bởi vẻ đẹp nên thơ, một Hà Nội đang căng đầy sự sống. Dù trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử, song Thăng Long - Hà Nội vẫn là “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”. Hà Nội luôn gương mẫu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để: “Thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thăng Long - Hà Nội, kinh đô của nước Đại Việt xưa, Thủ đô của nước Việt Nam ngày nay đang và sẽ phát triển thành một thành phố văn minh - thanh lịch - hiện đại, có khoa học và công nghệ tiên tiến, có nền kinh tế - văn hóa và xã hội phát triển.

Thu Hiền

 

 

Bài viết khác: