1. Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019.

Nghị định quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn như sau:

- Không có người phụ trách về an toàn hóa chất có trình độ trung cấp trở lên về hóa học.

- Nơi bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm.

- Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng một trong các điều kiện yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Trang thiết bị sơ cấp cứu không đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 tháng đến 03 tháng.

2. Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg ngày 09/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2019.

Theo Quyết định này, điều kiện cho vay là: 1. Người lao động có hộ khẩu thường trú từ đủ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 2. Người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

Mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.

Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

3. Thông tư số 15/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2019.

Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille quy định về quy tắc đọc và viết ô Braille, hệ thống ký hiệu và quy tắc viết chữ nổi Braille tiếng Việt cho người khuyết tật dùng để đọc, viết.

Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật quy định tại Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động giáo dục và các hoạt động khác liên quan đến người khuyết tật.

chu noi braille
Ảnh minh họa/ Internet

4. Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/8/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019.

Thông tư này hướng dẫn thí điểm về:

- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y học gia đình sau đây:

+ Trạm y tế xã, phường, thị trấn; bệnh xá; trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;

+ Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa tư nhân;

+ Phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân dân y;

+ Khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc trung tâm y tế quận, huyện hoặc bệnh viện của trường đại học y.

- Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình.

- Văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.

Theo Thông tư, cơ sở y học gia đình là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình.

Cơ sở y học gia đình có nhiệm vụ: Quản lý sức khỏe cộng đồng; tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; thực hiện các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; các chương trình mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, dân số - kế hoạch hóa gia đình, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh; chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về y học gia đình; là cơ sở thực hành trong đào tạo chuyên ngành y học gia đình theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quy định.

5. Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2019.

Thông tư quy định nguyên tắc xây dựng danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng là:

- Bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người.

- Hài hòa với tiêu chuẩn, quy định quốc tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

- Cập nhật theo các khuyến cáo về quản lý nguy cơ đối với phụ gia thực phẩm của cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam, CAC, JECFA, nước ngoài.

Sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ...

6. Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2019.

Theo đó​, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này và các nguồn thông tin khác có liên quan.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

7. Thông tư số 52/2019/TT-BTC ngày 16/8/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 217/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân; Thông tư số 258/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2019.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 217/2016/TT-BTC như sau:

“Điều 3. Tổ chức thu phí

Tổ chức thu phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo cầu của cá nhân, bao gồm: Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 258/2016/TT-BTC như sau:

“Điều 4. Tổ chức thu phí

Tổ chức thu phí là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy gồm:

1. Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).

2. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

8. Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2019.

Thông tư quy định mức thu lệ phí như sau:

- Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

- Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí, bao gồm:

- Các trường hợp miễn lệ phí:

+ Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

- Các trường hợp không phải nộp lệ phí:

+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân;

+ Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Căn cước công dân;

+ Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: