Một trong những bí ẩn của cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt Nam là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng, một lực lượng không quân (KQ) hùng mạnh nhất thế giới và một lực lượng KQ sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Không nói về những khía cạnh chính trị, bài viết cố giải mã những bí ẩn của cuộc chiến tranh có quá nhiều bí ẩn. Ngay cả với những người trực tiếp cầm cần lái và nhấn nút phóng tên lửa...
Quyết định ném bom miền Bắc lần thứ 2
Ngày 6-5-1971, phi đội F-4 tập kích phi đội MiG-21 đang chuẩn bị tấn công máy bay cường kích A-7, một chiếc MiG-21 bị trúng tên lửa. Cũng trong ngày hôm đó, một phi đoàn F-4 không chiến với phi đội 4 chiếc MiG-21. Một chiếc MiG-21 bị tấn công bởi 6 quả tên lửa, nhưng phi công tránh thoát, sau đó anh quay lại tham chiến và bị tấn công thêm 3 quả tên lửa, máy bay bị thương nặng, nhưng phi công nhảy dù được.
Các phi công và máy bay tiêm kích MiG-17 sẵn sàng tham gia chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu
Ngày 8-5-1971, KQ Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker I, kéo dài đến 23-10-1971. Trận đánh lớn nhất của Không quân Việt Nam là ngày 10-5-1971 khi Không quân Việt Nam thực hiện 64 lần xuất kích, triển khai 15 trận đánh và bắn rơi 7 máy bay F-4. Ngược lại, Không quân Việt Nam cũng mất 2 MiG-21, 2 MiG-17 và 1 J-6.
Trong một trận không chiến vào ngày 10-5-1971, Phi đoàn MiG-17 xuất kích để giải tỏa một sân bay quân sự đang bị không kích. MiG-17 bí mật bay với độ cao thấp, ẩn nấp theo địa hình tiếp cận đối phương và ngay trong lần cận chiến đầu tiên bắn hạ một máy bay F-4. Phi đội 2 MiG-17 quần chiến với 4 máy bay F-4 và bị bắn hạ một chiếc. Nhưng khi F-4 và MiG-17 lăn xả vào vòng xoáy truy đuổi nhau thì từ sân bay đang bị phong tỏa xuất kích hai MiG-21, nhanh chóng chiếm độ cao, ở khoảng cách 2km, MiG-21 phóng R-3S bắn hạ 2 F-4 với 2 tên lửa.
Ngày 11-5-1971 hai máy bay MiG-21 bay làm mồi nhử kéo 4 chiếc F-4 vào ổ phục kích của 2 chiếc MiG-21 bay ở độ cao thấp, MiG triển khai tấn công và bằng 3 tên lửa tiêu diệt 2 máy bay F-4.
Ngày 13-6-1971, một phi đoàn MiG-21 đánh chặn một nhóm F-4 Phantom II. Lao vào giữa đội hình, 2 máy bay MiG-21 đã làm đội hình chiến đấu của F-4 tan vỡ, các máy bay Phantom hoảng loạn cơ động. Hai máy bay MiG còn lại phóng tên lửa hạ 2 chiếc F-4.
Ngày 18-5-1971, KQ Việt Nam đã 26 lần xuất kích và triển khai 8 trận đánh, bắn rơi 4 máy bay F-4, phía Việt Nam không có tổn thất. Trong một trận đánh cùng ngày, 2 máy bay MiG-21 đánh chặn một phi đội F-4, chỉ huy trưởng phi đội, đại úy Ngự khi quay nửa vòng xoáy đã phóng tên lửa tiêu diệt một F-4.
Mùa hè năm 1972, tần suất hoạt động của Không quân Mỹ giảm xuống. Ngày 12-6-1972, phi đoàn máy bay Phantom đụng độ với 2 máy bay MiG-21 và bị rơi một chiếc, ngày tiếp sau lại có hai cuộc không chiến giữa F-4 và MiG-21, KQ Mỹ mất thêm 2 chiếc F-4 nữa. Phía Việt Nam không có tổn thất.
Như vậy, mùa xuân và mùa hè năm 1972, có 360 máy bay Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Bắc và 96 máy bay của Không quân hải quân Mỹ, đại đa số là máy bay F-4 mẫu nâng cấp cuối cùng. Chống lại khối lượng vũ khí khổng lồ này là 187 máy bay Không quân Việt Nam MiG-17, MiG-21 và J-6. Trong số đó chỉ có 71 máy bay có khả năng tác chiến, trong đó có 31 MiG-21.
Bắt đầu Linebacker II
Vào tháng 12-1972, Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II tấn công ồ ạt trên toàn bộ miền Bắc, tập trung vào các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác, nhằm mục đích đạt được mục tiêu chính trị trên bàn hội nghị Pa-ri. Để đạt được mục tiêu tàn phá các trung tâm kinh tế, quân sự của miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã sử dụng hầu hết máy bay chiến lược B-52 ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Kế hoạch chuẩn bị một chiến dịch lớn với số lượng máy bay khổng lồ không giữ được bí mật, lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã chuẩn bị cho Không quân Mỹ một đòn đánh quyết liệt. Các máy bay MiG-21 đã được cất giấu trong những sân bay dã chiến và được ngụy trang kỹ càng, sẵn sàng xuất kích nhờ bộ hỗ trợ tăng tốc bằng thuốc phóng.
Tháng 9-1972, duy nhất có một trận không chiến có sự tham gia của cố vấn quân sự, phi công Xô-viết. Trên máy bay MiG-21US huấn luyện 2 chỗ ngồi không được trang bị vũ khí, phi công tiêm kích Việt Nam và cố vấn quân sự Xô-viết thực hiện chuyến bay huấn luyện thường xuyên.
Ở tầm xa 8km cách sân bay họ nhận được thông báo về một tốp F-4 đang tiếp cận ở độ cao thấp. Lúc đó MiG-21US còn lại 800 lít dầu. Thực hiện kỹ thuật thùng trượt, đội bay thoát khỏi đòn tấn công tên lửa thứ nhất, sau đó F-4 liên tục tấn công bằng tên lửa 2 lần liên tiếp, nhưng MiG-21US với kỹ thuật xoáy vít đã thoát khỏi, tên lửa bay trượt mục tiêu, lần thứ 3 F-4 lại tiếp tục tấn công và cũng không thu được kết quả.
Nhưng những lần cơ động đó đã tiêu hao toàn bộ lượng dầu còn lại của MiG-21US. Quyết định thông minh cuối cùng là nhảy dù, khi MiG-21US lấy độ cao thì động cơ chết máy, 2 phi công bung dù khi chiếc MiG-21US anh dũng trúng tên lửa trong lần tấn công thứ 4. Đội bay Việt-Xô tiếp đất an toàn.
Trong 8 trận không chiến của 12 ngày chiến dịch Linebacker II, người Mỹ đã triệt để sử dụng kỹ thuật gây nhiễu tích cực; kỹ thuật này đã gây rất nhiều khó khăn cho các phi công MiG-21, do không ít lần trên màn hình ra-đa vũ khí của MiG-21 hoàn toàn bị tín hiệu nhiễu phủ kín, các phi công Việt Nam phải bắn bằng kính ngắm thường và sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, nhưng khi sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn bị giảm sút và khoảng cách phóng cũng không chính xác.
Đây cũng là điểm yếu nhất của MiG-21 về ra-đa bám và theo dõi mục tiêu. Dù vậy, trong 8 trận không chiến, KQ Mỹ cũng bị mất 7 máy bay, trong đó có 4 máy bay F-4; đồng thời Không quân Việt Nam cũng mất 3 chiếc MiG-21. Dù với lực lượng phi công đã được huấn luyện kỹ về các chiến thuật chống MiG-21, cùng với chiến thuật áp dụng nhiễu dày đặc và bay đêm, người Mỹ vẫn bị tổn thất nặng nề.
Để phục vụ cho mục tiêu chiến lược, biết được tâm lý sợ MiG-21 và tên lửa SAM S75 của phi công Mỹ, các máy bay MiG-21 thực hiện chiến thuật không tham gia vào không chiến tay đôi. Các máy bay MiG được lệnh đánh chặn từ xa, bất ngờ tấn công phóng tên lửa phá đội hình đối phương (không cần kết quả) sau đó thoát ly chiến trường và trở về sân bay, buộc các máy bay tiêm kích ném bom nặng nề F-4 phải hạ độ cao làm mồi cho hỏa lực phòng không dày đặc trên mặt đất. Mặc dù áp dụng chiến thuật như vậy, nhưng MiG-21 vẫn chiếm ưu thế về tốc độ và khả năng cơ động trong những tầm bay trung bình và thấp trước F-4E và F-4J.
Ngày 22-12-1972, đánh chặn cuộc tấn công của máy bay Mỹ, phi đội 2 chiếc MiG-21 cất cánh, trong không chiến, một MiG bị bắn hạ. Ngày 23-12-1972, phi đội 4 chiếc MiG-21 cất cánh và bắn hạ một máy bay F-4. Ngày 27-12-1972, phi đội MiG-21 lại cất cánh và không chiến với phi đoàn F-4, 2 F4 bị bắn rơi. Cùng ngày, 2 máy bay MiG-21 trực chiến trên sân bay Nội Bài, theo thông báo của ra-đa mặt đất phát hiện một phi đoàn F-4. MiG-21 bay ở độ cao thấp 300m so với mặt đất, bí mật tiếp cận mục tiêu, tăng tốc và lấy độ cao.
Mục tiêu được phát hiện bằng mắt thường ở khoảng cách 8km; sau khi xin lệnh tấn công, MiG-21 bất ngờ tiếp cận mục tiêu, F-4 không kịp triển khai đội hình phòng thủ, MiG-21 đã áp sát và phóng tên lửa diệt một máy bay F-4. Chỉ huy đội bay khi quay về phát hiện thêm 2 F-4 đang bám phi công số 2, bằng một kỹ thuật cơ động điêu luyện, số 1 đã phá đội hình đối phương, cắt số 2 khỏi tốp F-4.
Vòng xoáy hỗn chiến xảy ra giữa từng đôi MiG và Phantom II. Kết quả, số 1 thoát khỏi truy đuổi của F-4 hạ cánh an toàn, số 2 khi thực hiện xoáy trôn ốc lên cao đã bắn hạ thêm một F-4, nhưng máy bay cũng bị thương nặng do tên lửa Sidewinder nổ gần với ống xả phản lực. Phi công Việt Nam nhảy dù an toàn.
Trong đợt không kích của B-52, do sợ MiG-21 tấn công, F-4 đã đóng vai trò mục tiêu giả và phục kích, phi đội F-4 bay với tốc độ hành trình và đội hình đi sát với nhau. Trên màn hình ra-đa, mục tiêu tương tự như mục tiêu B-52, khi MiG tấn công, F-4 sẽ bay tản ra, cơ động tấn công MiG.
Trong các tài liệu của Không quân Việt Nam không có nguồn tài liệu nào ghi lại một trận đánh như vậy. Nhưng 2 máy bay B-52 đã bị MiG-21 bắn hạ, một chiếc bị phi công anh hùng Phạm Tuân bắn hạ ở tầm bắn 2000m, một chiếc bị phi công anh hùng Vũ Xuân Thiều bắn trong tầm bắn gần, máy bay đã lao vào điểm nổ. Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều hy sinh.
.............
(Còn nữa)
Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân - Viện CLQP/BQP
Theo lời kể của Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng LLVT nhân dân
Tâm Trang (st)