1. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam
Để tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Buổi Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 22/12/1944 (ảnh tư liệu)
Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội, đồng chí Hoàng Sâm được giao làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có Chi bộ Đảng lãnh đạo.
Tại lễ thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tuyên thệ dưới cờ đỏ sao vàng (nay là Quốc kỳ): Tuyên đọc 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của Quân đội cách mạng. Sau lễ thành lập, tối 22 tháng 12, toàn Đội thống nhất ăn một bữa cơm nhạt, không rau, không muối, để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, đồng cam cộng khổ và để thể hiện bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ cách mạng. Cả đêm hôm đó, từng cán bộ, đảng viên và chiến sĩ thay nhau đứng gác dưới cờ, tâm niệm 10 lời thề danh dự, bên cạnh những đốm lửa hồng mà Đội đã nhóm lên giữa núi rừng Việt Bắc.
Tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được nhấn mạnh trong Chỉ thị là: “1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực… 2. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung… Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng giòn giã liền hai trận: Phai Khắt (ngày 25/12) và Nà Ngần (26/12), mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Ngày 22/12/1944, đánh dấu sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, quân đội ta phát triển nhanh chóng, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm nòng cốt trong đấu tranh vũ trang của toàn dân, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị của quần chúng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
2. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và những chiến công nổi bật của Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đến nay
Để đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Thời cơ để nhân dân Việt Nam vùng dậy giành tự do, độc lập đã đến. Sau khi phân tích tình hình, Trung ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quân đội ta làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Trong năm đầu xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, quân đội ta vừa xây dựng, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, cùng toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc ngoài, thù trong, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia toàn quốc kháng chiến, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp (1946-1947); đánh bại âm mưu “bình định” và “phản công” của địch (1948-1952); giành thắng lợi trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1953-1975), Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” (1954-1960); chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) của đế quốc Mỹ; tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay), Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng sang một giai đoạn mới; cùng toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
Được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thật sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới. Quân đội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn cả nước. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy xu thế hòa bình hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình tình hình mới.
75 năm qua, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã cùng với toàn dân vượt qua những chặng đường đầy gian lao, thử thách, giành thắng lợi vẻ vang, không ngừng lớn mạnh trưởng thành, cùng toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với những chiến công nổi bật đó là:
Ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cải trang, dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26/12/1944, Đội đánh tiêu diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km về phía Đông Bắc).
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ vệ quốc quân, tự vệ và nhân dân Thủ đô chiến đấu đánh địch rất dũng cảm. Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Chiến thắng Việt Bắc năm 1947 (từ 07/10 đến 20/12/1947): Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan lãnh đạo và căn cứ địa kháng chiến.
Chiến thắng Biên Giới năm 1950 (từ 16/9 đến 14/10/1950): Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), mở thông giao lưu quốc tế.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (từ 13/3 đến 07/5/1954): Quân và dân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương.
Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (07/02/1965 - 01/11/1968): Quân và dân miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến, tàu biệt kích… buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc (ngày 01/11/1968).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã giành những thắng lợi vô cùng to lớn như: Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 - 03/01/1965); Chiến thắng Núi Thành (26/5/1965); Chiến thắng Vạn Tường (18 - 19/8/1965); Chiến thắng Plây Me (19/10 - 26/11/1965); Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30/01 - 23/3/1971).
Quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (06/4/1972 - 15/01/1973). Một lần nữa, quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của địch, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam vào ngày 27/01/1973.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 (từ 26 đến 30/4/1975): 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm lịch sử thiêng liêng: Sài Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Từ khi nước nhà thống nhất, quân và dân ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Những thành tích, chiến công, sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta trong 75 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo tài tình của Đảng và công ơn giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22 tháng 12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Đội quân anh hùng cách mạng, từ đó đề cao trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt “Ngày đêm giữ yên giấc ngủ của Người”.
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phối hợp với Bệnh viện Quân y 354 tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách khu vực K9
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt những nhiệm vụ trọng tâm, công tác lớn của Đề án 2341 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” được triển khai đúng tiến độ và hoàn thành xuất sắc. Công tác y tế giữ gìn thi hài Bác được thực hiện nghiêm cách, tỷ mỷ, chuẩn xác, đúng quy trình. Tổ chức quản lý, thay thế, vận hành an toàn hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm thông số, môi trường đúng quy định. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ và sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ tận tình, chu đáo các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Nguyên thủ quốc gia, đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng và Khu Di tích K9, để lại hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế mỗi dịp về Lăng viếng Người, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác Hồ./.
Nguyễn Tử Phương Thành (tổng hợp)