1. Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Luật Trồng trọt có 7 chương, 85 điều quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Hoạt động trồng trọt bao gồm hoạt động về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.
Ảnh minh họa: Internet
Luật Trồng trọt mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi quy định về hoạt động trồng trọt và liên quan; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt (Điều 1). Trồng trọt được xác định là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp có liên quan đến việc gieo trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn để phục vụ mục đích của con người, bao gồm hoạt động về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng (Khoản 1, Khoản 2 Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật, chi phối toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật.
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt: Luật Trồng trọt lần đầu tiên quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm các nội dung sau: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, về sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt, giống cây trồng, phân bón, nước tưới và cơ sở dữ liệu khác về trồng trọt.
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt (Điều 9), gồm 10 hành vi, bao gồm: (i) Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép; (ii) Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; (iii) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; (iv) Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; (v) Cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố; (vi) Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón; (vii) Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng; (viii) Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; (ix) Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học; (x) Khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.
Ngoài ra, Luật còn quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.
2. Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 gồm 8 chương, 83 điềuquy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi:
- Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
+ Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi.
+ Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
- Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
+ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc.
+ Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn.
+ Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
+ Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 và các hoạt động sau đây:
+ Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi.
+ Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác.
+ Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nội dung chính của chiến lược phát triển chăn nuôi bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án và tổ chức thực hiện.
Các nội dung về giống và sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi… được quy định cụ thể trong Luật này.
3. Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Luật có 207 điều, được quy định thành 16 chương.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục, thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại chấp hành án.
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật đã bổ sung điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27).
Theo đó, phạm nhân có các quyền sau đây:
- Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án.
- Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
- Được lao động, học tập, học nghề.
- Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.
- Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
- Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
- Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.
Trước đây, Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định có 06 đối tượng được giam giữ riêng, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng nữa. Như vậy, hiện tại theo quy định có tổng cộng 08 đối tượng có thể được giam giữ riêng: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính.
Bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù (Điều 35). Cụ thể: Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng, 01 năm. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục. Đồng thời, căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém. Luật cũng quy định, kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù.
Bổ sung quy định về tái hòa nhập cộng đồng (Điều 45), trong đó quy định về nội dung, kinh phí, biện pháp bảo đảm cho công tác tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.
Những nội dung mới quy định về thi hành án tử hình:
- Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình (Điều 78) theo hướng quy định cụ thể hơn về thời gian, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc thành lập Hội đồng thi hành án tử hình. Theo đó, Luật quy định cụ thể Hội đồng thi hành án tử hình bao gồm: Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng; Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp. Giúp việc cho Hội đồng thi hành án tử hình có Thư ký là cán bộ, công chức của Tòa án, do Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án phân công.
- Luật đã bổ sung Điều 80 về hồ sơ thi hành án tử hình, trong đó quy định cụ thể về những tài liệu có trong hồ sơ, đồng thời giao cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập, quản lý và được lưu giữ, bảo quản theo chế độ hồ sơ do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Tại Điều 83, ngoài quy định về việc nhận tử thi và hài cốt, Luật bổ sung quy định về việc nhận tro cốt của người bị kết án tử hình, theo đó trường hợp thân nhân hoặc người đại diện của người bị thi hành án tử hình muốn nhận tro cốt của người bị thi hành án và tự chịu chi phí hỏa táng thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bàn giao tử thi và hỗ trợ đưa tử thi về nơi hỏa táng.
Bổ sung quy định thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại như sau:
- Về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án, để bảo đảm thống nhất hệ thống tổ chức thi hành án hình sự và không làm phát sinh đầu mối mới về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Điều 158 quy định: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp quy định tại các điều 78, 79, 80, 81 và điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của Luật này. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Do lĩnh vực kinh doanh, hoạt động của pháp nhân thương mại rất rộng, chịu sự quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan khác nhau; đồng thời, các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại rất đa dạng, vì vậy trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, ngoài quy định đối với cơ quan thi hành án hình sự, Luật còn quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại (Điều 164).
- Ngoài ra, để việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại vừa mang tính khả thi, đạt hiệu quả, vừa mang tính trừng trị, răn đe cao, Luật cũng quy định cụ thể thủ tục mà pháp nhân thương mại phải tuân thủ khi chấp hành án (khoản 1 Điều 160).
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 50/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2020.
- Cụ thể sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng: Máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 như sau:
“2. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật này.”.
Khánh Linh (tổng hợp)