Triết lý giáo dục cách mạng Việt Nam đương đại được định hình ngay từ quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 và được thể hiện trong thực tiễn những thập niên sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến tạo và tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa triết lý này ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày nay trong kỷ nguyên công nghệ và hội nhập quốc tế, những tư tưởng của Người vẫn giữ nguyên giá trị như yếu tố nền móng nhằm thúc đẩy xã hội học tập.
Giáo dục góp phần vào quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của mỗi cá nhân về trí tuệ,
đạo đức, trình độ học vấn và năng lực hành động. Ảnh: anninhthudo.vn
Giáo dục - đào tạo trong nền kinh tế tri thức
Giáo dục - đào tạo hình thành và phát triển trong những hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Hệ thống giáo dục vừa là sản phẩm của thời đại, vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia.
Giáo dục nhà trường chỉ là một phần, một giai đoạn ngắn trong toàn bộ cuộc đời của mỗi con người. Vai trò của giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục liên tục ngày càng lớn (gia đình, xã hội). Sự phân chia giữa các loại hình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hẹp, trên thực tế luôn có sự giao thoa của hai loại hình này trong nhiều năm qua, do tri thức và năng lực sử dụng tri thức trở thành nhân tố quan trọng có tính quyết định đến đời sống cá nhân và lao động nghề nghiệp. Cùng với phổ cập giáo dục là quá trình phổ cập nghề nghiệp. Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp trở thành nền tảng của quá trình phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục đại học chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, giáo dục phổ cập.
Giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin mà còn hướng tới phát triển nhân cách toàn diện trên cơ sở phát triển năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động để người học tự tìm tri thức, vận dụng, sử dụng tri thức, trên cơ sở đó kiến tạo tri thức mới cho bản thân hoặc xã hội; góp phần quan trọng vào quá trình chuyển hóa các loại tri thức dưới dạng tiềm năng thành năng lực thực hiện thông qua việc lựa chọn, tích hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống. Như vậy, kinh tế tri thức thay đổi căn bản nền giáo dục từ quan niệm nhận thức đến hệ thống giáo dục, nhà trường, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình giảng dạy, đặc biệt là phương pháp giảng dạy và mô hình quản lý nhà trường. Từ đó hình thành nền giáo dục dựa trên tri thức và mô hình văn hóa nhà trường dựa trên tri thức. Những giá trị tài sản vô hình của nhà trường (danh tiếng, uy tín, vốn tri thức) sẽ không kém các giá trị tài sản hữu hình.
Mô hình các tổ chức học tập có sự thay đổi cơ bản. Đây là quá trình biến đổi từ nhà trường truyền thống sang nhà trường hiện đại thích ứng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức. Trong mô hình này, nhà trường sẽ trở thành nơi tổ chức học tập đa dạng và thường xuyên đổi mới. Giáo dục sẽ chủ yếu tập trung hình thành nền tảng tri thức là nền móng vững chắc cho việc phát triển học tập suốt đời, tạo cơ sở cho người học phát triển kiến thức và năng lực nhận thức cũng như phát triển tài năng. Các loại hình hoạt động của nhà trường đa dạng về tổ chức và cách thức. Hình thành các mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với xã hội và đòi hỏi sự bình đẳng rộng rãi giữa các trường về vị thế, điều kiện và triển vọng phát triển.
Nhà trường có chức năng mới, là nơi tổ chức học tập đa dạng và thường xuyên đổi mới, có khả năng đóng góp tích cực và năng động vào quá trình phát triển của đất nước. Không gian đào tạo rộng mở, không bó hẹp trong phạm vi nhà trường như một tổ chức cụ thể ổn định mà nó được thực hiện như một hệ thống, trong đó nhà trường là chủ thể có vị trí trung tâm, luôn có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, doanh nghiệp, các công ty công nghệ, các trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Giáo dục - đào tạo mang đặc trưng thị trường và sự chọn lựa là đặc điểm nổi bật luôn có khả năng thích ứng với nhu cầu phục vụ của xã hội. Đặc điểm này có tác động trực tiếp đến việc xác định mục tiêu, cơ cấu ngành, nghề, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với người sử dụng và điều kiện của người học. Nhà trường tôn trọng cá tính cá nhân, không gò bó người học vào một kiểu đào tạo, một hướng học vấn mà mở ra nhiều hướng, nhiều sự lựa chọn, phát triển nhiều loại hình đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước và phù hợp với điều kiện của người học, để không ai lâm vào “ngõ cụt” trên con đường học vấn.
Sự phát triển xã hội học tập
Ngày nay học tập suốt đời ở nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới không chỉ là một khái niệm hay một nguyên tắc đơn thuần trong học tập mà còn trở thành một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng mô hình xã hội học tập có nghĩa là xây dựng nền giáo dục của một xã hội học tập suốt đời toàn diện và tích hợp, một xã hội mà trong đó tất cả những yêu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc đều được đáp ứng. Mô hình xã hội học tập tuy mới ra đời nhưng đã tỏ ra là một mô hình hữu hiệu, xây dựng một xã hội học tập suốt đời dựa trên cơ sở bốn yêu cầu cơ bản hay còn gọi là bốn trụ cột mà Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đề cập đến, đó là học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau và học để làm người.
Trong xã hội hiện đại, mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển cần có cơ hội và khả năng học tập liên tục để thu nhận thông tin, tiếp thu, xử lý và tạo lập, sử dụng, làm chủ tri thức để trở thành những công dân có hiểu biết rộng trong cuộc sống và trong lao động nghề nghiệp. Học tập trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người ở trong cũng như ngoài nhà trường, bất kể sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, lứa tuổi, giàu nghèo... Học tập trở thành hoạt động cơ bản của đời sống xã hội vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện của mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Học tập giúp con người hình thành và phát triển nhân cách, hiểu được các giá trị của cuộc sống, hiểu biết môi trường sống và làm việc của mình để sống có ích trong cộng đồng, phát triển trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và giao tiếp xã hội. Nếu trình độ học vấn tạo nên giá trị nền tảng của nhân cách thì trình độ chuyên môn (kỹ năng) dựa trên tri thức, sự hiểu biết tạo nên giá trị gia tăng của sức lao động, giá trị tinh thần và vật chất cho cá nhân và xã hội. Điều này trở thành nguyên lý căn bản của nền giáo dục hiện đại ở tất cả các bậc học, ngành đào tạo với các mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức thích hợp.
Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục nhân bản, vì con người, hướng tới con người. Giáo dục góp phần vào quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của mỗi cá nhân, tinh thần và thể xác, trí tuệ và tình cảm, đạo đức và niềm tin, trình độ học vấn và năng lực hành động... Vì vậy, học tập không đơn thuần để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực lao động nghề nghiệp hay có một vị trí xã hội nào đó mà trước hết là để thành người và qua đó góp phần vào sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng và của toàn xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản của nền giáo dục hiện đại là mang lại cho mọi người những cơ hội học tập và phát triển để trở thành những con người tài năng, có khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo, năng động, tự khẳng định mình và góp phần cải biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thế giới hiện đại với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và nền kinh tế tri thức đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân của tri thức nhân loại trên mọi lĩnh vực. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng tri thức của nhân loại sau năm đến bảy năm sẽ tăng gấp đôi, trong khi đó thời lượng học tập và số môn học trong nhà trường, đặc biệt là giáo dục phổ thông, giáo dục phổ cập đã và đang đòi hỏi ngoài các nội dung khoa học truyền thống cần phải bổ sung nhiều nội dung mới, cập nhật, như giáo dục công nghệ, môi trường, giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống... Con đường cơ bản để giải quyết quan hệ này là xây dựng chương trình theo quan điểm tích hợp, liên ngành và cách tiếp cận theo mục tiêu. Xác định phần cơ bản, cốt lõi chương trình và phát triển các nội dung tự chọn, mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học không chỉ về nội dung tri thức mà còn dạy cho người học cách thu thập, tìm kiếm, sử dụng tri thức thông qua các hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm, thực hành, phát triển năng lực tư duy, trí tuệ, cảm xúc và năng lực hành động.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cơ hội lớn để thực hiện xã hội học tập
Hiện nay, thế giới đang ở trong giai đoạn bản lề của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu của công nghệ đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Những thay đổi này mang tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi. Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực chịu sự tác động lớn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi vị thế của giáo dục - đào tạo. Khác với các xã hội trước đó, xã hội nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp, trong nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức. Giá trị hàng hóa dịch vụ chủ yếu phụ thuộc vào hàm lượng tri thức và công nghệ, chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và trở thành động lực chủ yếu của phát triển. Yêu cầu của kinh tế tri thức và khoa học - công nghệ làm thay đổi quan niệm về chất lượng giáo dục - đào tạo, chủ thể quyết định là nguồn nhân lực được đào tạo trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, nguồn tri thức có sự thay đổi căn bản. Nếu như trước đây, tri thức chủ yếu nằm trong sách vở, thư viện hoặc tùy thuộc vào trí nhớ của người thầy sau đó được truyền thụ chủ yếu trên giảng đường, thì ngày nay nhờ những tiến bộ về công nghệ, nhất là phổ dụng mạng internet và các công cụ truyền thông đa phương tiện, tri thức có sẵn chỉ là hữu hạn. Tri thức và quản trị tri thức từ chỗ là độc quyền của các nhà khoa học và nhà giáo thì ngày nay được phổ dụng với nhiều hình thức chia sẻ phong phú và đa dạng có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Trong điều kiện như thế, mô hình tri thức mà người thầy thu thập, lưu giữ, quản trị, truyền thụ trên giảng đường trở nên hạn hẹp. Nếu không xác định được điều này sẽ không tận dụng được tri thức rộng lớn của nhân loại và sẽ không tránh khỏi những bất cập, khủng hoảng về quản trị tri thức hoặc không đủ năng lực tiếp cận, nắm bắt khi đối diện với tri thức phong phú đa chiều của thời đại số hóa.
Tổ chức học tập có sự thay đổi căn bản. Lý thuyết giáo dục hiện đại cho rằng, học tập là kiến tạo tri thức, vì vậy phương pháp dạy học được đổi mới mạnh mẽ với những hình thức phong phú theo hướng tích hợp phát triển năng lực, thực hiện hướng vào những vấn đề cụ thể. Chấp nhận sự khác biệt là nền tảng của sáng tạo. Nếu như trong giảng dạy truyền thống, giảng viên có chức năng truyền thụ tri thức một chiều, người học là đối tượng tiếp thu thụ động, trong hình thức này phương pháp thuyết trình tỏ ra hữu dụng, thì để truyền bá tri thức trong thời đại số hóa đòi hỏi phải cấu trúc lại chức năng từ cả hai phía người dạy lẫn người học và sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.
Trong mô hình tổ chức học tập mới, người học giữ vị trí trung tâm vừa tiếp cận, vừa kiến tạo tri thức. Mục tiêu học tập không chỉ học để biết mà học để làm và học để sáng tạo. Động cơ học tập cũng rõ ràng hơn. Thành quả của mỗi người tùy thuộc vào tự học để có đủ năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo thể hiện tính nhạy bén trước những nguồn thông tin đồ sộ và luôn thay đổi. Ngoài ra, thành quả đó còn phụ thuộc vào trạng thái và quá trình tâm sinh lý. Năng lực học tập và năng lực lao động với sự vượt trội của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc đẩy mạnh xã hội học tập. Không gian rộng mở và hiện đại là điều kiện quan trọng cho mọi người có thể tiếp cận tri thức từ nhiều nguồn mà không cần nhiều chi phí. Người học có lợi thế để kết nối những cái đã biết và chưa biết, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thật và ảo để lựa chọn thích hợp, hình thành tri thức và kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu công việc của mình./.
PGS, TS. Nguyễn Cúc
Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I
Theo Tạp chí Cộng sản
Thanh Huyền (st)