Mỗi năm, cứ Tết đến, Xuân về, biết bao bộn bề của việc dân, việc nước nhưng Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn phải ra một chỉ thị về việc “quà Tết”! Bởi thế, nhiều người cho rằng sao cứ phải nhắc đi nhắc lại chuyện không có gì khó hiểu ấy! Quả thật không khó hiểu! Nhưng đâu đó vẫn có người không chịu hiểu (vì muôn vàn lý do khác nhau!) nên không phải “ngọng nghịu tập làm thơ” mà là vẫn theo “lối mòn cũ kỹ” tìm cách biếu xén với góc nhìn dân gian là một biến tướng của nịnh bợ và hơn thế, là hối lộ!
Cùng với sự sai so với các quy định của Đảng và luật pháp thì việc xe cộ rộn ràng lo chúc Tết ông này, bà kia cũng làm cho giao thông ngày cuối năm thêm tắc nghẽn và… tệ hơn là làm “tắc nghẽn” lòng người đang hướng về những thành tựu đáng mừng khi kết thúc năm 2019 để bước sang năm 2020 đầy hứa hẹn! Câu hỏi đặt ra cho ai đó rằng: Có đáng để phải cố tình không hiểu về chuyện “quà Tết”?! Nó không đáng vì cái giá phải trả có thể rất đắt trong điều kiện xã hội không chấp nhận “thói quen xấu ấy” cùng với việc Đảng kiên quyết xử lý sai phạm “không có vùng cấm”! Mặt khác, hành vi “mượn Tết” để biếu xén cũng đã lỗi thời làm cho cả người nhận và người đưa đều khó xử, và có thể nảy sinh nghi ngại! Tiếc rằng, “biến tướng quà Tết” dẫn đến “biến tướng tinh vi của cách đưa và nhận” vẫn còn của các năm trước nên Ban Bí thư vẫn còn phải ra chỉ thị về một vấn đề không mới! Vậy nên vẫn cần đôi điều trao đổi thêm đến khi không còn cần nói gì thêm nữa.
Minh họa: MẠNH TIẾN
Thứ nhất, Đảng đã có nhiều quy định rõ ràng về nêu gương, về chống chạy chức, chạy quyền… Đã chỉ rõ những biểu hiện của các hành vi sai trái. Đã từ lâu quy định rõ những điều đảng viên không được làm.
Thứ hai, Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng… và các văn bản luật pháp khác cũng quy định rõ ràng việc gì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm.
Thứ ba, một loạt vụ việc xử lý trong năm qua khẳng định quyết tâm làm trong sạch Đảng được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc thực thi nghiêm theo pháp luật với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có tổ chức, cá nhân nào nằm ngoài pháp luật đang được triển khai một cách tích cực và hiệu quả trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tất cả các điều trên khẳng định việc “lợi dụng danh nghĩa “quà Tết” để nịnh bợ, để chạy chức, chạy quyền, để đút lót, hối lộ… đều là vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Về lý thuyết, có thể nói không thiếu văn bản pháp quy và đảng quy để cán bộ, đảng viên có “hành lang” an toàn mà hành xử trong dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc lại vì còn có nơi, có cán bộ, đảng viên thực hành chưa nghiêm. Mặt khác, Chỉ thị của Ban Bí thư còn có nhiều nội dung khác thể hiện tính nhân văn sâu sắc nhân dịp Tết cổ truyền. Đó là việc quan tâm đến những gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh… quan tâm đến những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn nhiều khó khăn, các địa phương gặp thiên tai, các hộ nghèo… sao cho nhà nhà có Tết, người người có Tết. Với các cơ quan công quyền vẫn phải phân công, phân nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ nhân dân theo chức phận của mình trong những ngày Tết. Đặc biệt thông tin thông suốt, không để bị động bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn cho nhân dân vui Tết, đón Xuân. Ngay việc tổ chức vui chơi, giải trí trong dịp lễ, Tết tại các địa phương cũng phải tính toán phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tế, không phô trương, lãng phí, đặc biệt không dùng ngân sách để tổ chức các hoạt động như bắn pháo hoa, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Như vậy, nhiều nội dung quan trọng, thiết thực đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về việc đón Tết Canh Tý.
Xã hội và báo giới quan tâm đặc biệt đến chuyện “quà Tết” bởi mong muốn rằng, đừng vì chuyện không lớn “quà Tết” mà làm hỏng cả không khí Tết cổ truyền với ý nghĩa “Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy”. Ngày Tết là ngày vui đoàn tụ của gia đình… không phải lúc để trục lợi, để chạy chức, chạy quyền làm mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chuyện “quà Tết” tưởng không lớn nhưng hành xử trái quy định, trái chuẩn mực văn hóa truyền thống lại gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội. Bởi thế, nhắc lại chuyện “quà Tết” thiết nghĩ luôn cần thiết!
PGS, TS. Nguyễn Viết Chức
Theo Báo Quân đội nhân dân
Khánh An (st)