Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được đổi mới mạnh mẽ. Một phương thức cầm quyền mới là cầm quyền khoa học, dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm. Cầm quyền theo pháp luật phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, các ngành. Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên bầu cử trong Đảng có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020),
tháng 10-2015. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Quy chế bầu cử trong Đảng
Bầu cử trong Đảng không chỉ giúp lập ra các cấp ủy đảng để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, mà còn là căn cứ có ý nghĩa quyết định để Đảng phân công cán bộ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị. Bầu cử trong Đảng là công tác vô cùng hệ trọng; bảo đảm cho mọi đảng viên thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Điều lệ Đảng để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào cấp ủy một cách dân chủ, nghiêm túc, đúng Điều lệ; làm cho Đảng ta thực sự là một tổ chức cách mạng chặt chẽ, đoàn kết, kỷ cương, thống nhất cao. Vì vậy, Đảng ta luôn coi trọng công tác bầu cử, xem đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nhiều nhiệm kỳ qua, cùng với đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng cũng có nhiều đổi mới quan trọng, đáp ứng các yêu cầu của công tác xây dựng Đảng.
Các quy định về bầu cử trong Đảng luôn bám sát và tuân thủ đúng Điều lệ, các nghị quyết Đại hội Đảng, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và yêu cầu, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng trong từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng đã được cụ thể hóa thành quy chế bầu cử trong Đảng. Điều này tạo cơ sở vững chắc cho công tác bầu cử được triển khai theo đúng nguyên tắc, đúng quy trình; bảo đảm quyền của đảng viên trong bầu cử, ứng cử, cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác bầu cử.
Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành theo Quyết định số 77-QĐ/TW, ngày 22-6-2000, của Bộ Chính trị khóa VIII; Quyết định số 220-QĐ/TW, ngày 17-4-2009, của Bộ Chính trị khóa X; Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09-6-2014, của Bộ Chính trị khóa XI đánh dấu những bước phát triển quan trọng của chế độ bầu cử trong Đảng ta qua các kỳ đại hội. Đáng chú ý, Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09-6-2014, của Bộ Chính trị khóa XI đã có nhiều đổi mới và bổ sung quan trọng so với các nhiệm kỳ trước đây. Các quy chế bầu cử trước đây chỉ áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng, từ chi bộ đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương; còn việc bầu cử ở cấp Trung ương có quy chế riêng. Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 có đối tượng điều chỉnh được mở rộng hơn, áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng, từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Các tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được vận dụng theo quy chế phù hợp với thẩm quyền. Như vậy, việc mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 đã tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong công tác bầu cử của mọi tổ chức đảng trong hệ thống.
Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 đã quy định cụ thể về ứng cử và đề cử của đảng viên, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ để được bầu vào các cơ quan lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo và ủy ban kiểm tra các cấp. Các quy định này nhằm khắc phục tình trạng lúng túng, vướng mắc khi thực hiện quyền ứng cử, quyền nhận đề cử của đảng viên trong hoạt động bầu cử theo quy định của Điều lệ Đảng. |
Để thể hiện rõ hơn nguyên tắc tập trung dân chủ trong bầu cử, Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Danh sách bầu cử cấp ủy bao gồm danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử và những người ứng cử, được đề cử tại đại hội.Có thể thấy rằng, Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 đã cụ thể hóa một bước quan trọng về nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bầu cử của Đảng; đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, quy định về số dư và danh sách bầu cử. Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 quy định: “Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy. Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ. Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”.
Kế thừa quy định số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu của quy chế cũ, với mục đích để việc bầu cử trong Đảng được tập trung, khắc phục tình trạng phải bầu cử nhiều lần do phân tán phiếu bầu, Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 xác định rõ: “Số dư tối đa của danh sách bầu cử do đại hội chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và ban thường vụ có số dư từ 10% đến 15%. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội (hội nghị) quyết định (có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử). Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử. Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu. Trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định lựa chọn theo cơ cấu, tuổi đảng, hoặc có thể để số dư cao hơn 30% so với số lượng cần bầu” (Điều 16).
Đối với việc bầu cử có số lượng ít, Quy chế này quy định rõ về tỷ lệ số dư: “Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người; bầu lấy số lượng 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; bầu lấy số lượng từ 3 người trở lên thì danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 1/3 số lượng cần bầu” (Điều 16).
Các quy định về trình tự, thủ tục bầu cử tiếp tục kế thừa các quy định của các quy chế trước đây nhưng được thiết kế cụ thể, mạch lạc và chặt chẽ cho từng quy trình bầu cử: Bầu cử cấp ủy, bầu đại biểu dự đại hội cấp trên, bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị ở phiên đầu tiên của cấp ủy khóa mới; bầu ban thường vụ; bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy; bầu ủy ban kiểm tra; bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư; bầu Ban Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu Tổng Bí thư (khi có yêu cầu); bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhìn chung, các quy định về chế độ bầu cử trong Đảng được quy định phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của một Đảng cách mạng; vừa đáp ứng nhu cầu phát huy dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong mỗi hoạt động của công tác bầu cử. Những đổi mới trong công tác bầu cử trong Đảng gắn bó mật thiết với các đổi mới mỗi khâu của công tác cán bộ, góp phần tạo sự đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ công tác cán bộ, đáp ứng các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua mỗi kỳ đại hội.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Sơn
(huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nguồn: sondong.bacgiang.gov.vn
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác bầu cử trong Đảng
Công tác bầu cử trong Đảng thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng vừa có “tâm”, vừa có “tầm”, thực hiện sứ mệnh “cầm quyền của Đảng” trong các điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn công tác bầu cử trong Đảng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức cầm quyền đang đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện:
Thứ nhất, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng nói chung, trong công tác bầu cử trong Đảng nói riêng là tập trung dân chủ. Các quy chế bầu cử trong Đảng đã từng bước làm rõ hơn nội hàm của tập trung dân chủ, coi đây nguyên tắc xuyên suốt của chế độ bầu cử trong Đảng. Tuy nhiên, sự tương quan giữa nội hàm “dân chủ” và nội hàm “tập trung” vốn là 2 mặt tạo nên tập trung dân chủ trong các quy định của quy chế bầu cử trong Đảng cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn, nhất là các quy định về hạn chế quyền của cấp ủy viên không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy (Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014); danh sách ứng cử viên do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội (hội nghị) (Khoản 2, Điều 16 Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014); trường hợp danh sách nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử, ứng cử (Khoản 3, Điều 16 Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014). Các quy định này bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy triệu tập đại hội về công tác nhân sự, đề cao trách nhiệm của cấp ủy viên; sự thận trọng và chặt chẽ trong công tác cán bộ của Đảng; sự thành công của công tác nhân sự trong đại hội, nhưng xét từ góc độ hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải đồng bộ với các quy định bảo đảm yêu cầu phát huy dân chủ trong Đảng, trong công tác cán bộ nói chung và trong công tác bầu cử nói riêng.
Ngoài ra, cần có cơ chế cung cấp thông tin cho đông đảo đảng viên về công tác bầu cử trong Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự trước và trong đại hội. Làm được điều này không chỉ bảo đảm quyền của đảng viên trong bầu cử, ứng cử, mà còn góp phần thu hút đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào quá trình kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, cần có giải pháp công khai hóa ở một mức độ nhất định một số thông tin liên quan đến 2 khâu cơ bản là quy hoạch cấp ủy và danh sách đề cử chính thức của cấp ủy triệu tập đại hội. Việc sớm công khai danh sách quy hoạch cấp ủy vừa tạo cơ hội cho những đảng viên được quy hoạch có điều kiện thể hiện phẩm chất, năng lực của mình trong thực tiễn, vừa tạo cơ hội cho đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các nhân sự được quy hoạch, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những vấn đề liên quan đến các nhân sự cụ thể để kịp thời xử lý.
Theo quy định của Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014, danh sách đề cử cấp ủy mới, do cấp ủy triệu tập đại hội đề xuất với đại hội là danh sách chính thức. Do vậy, danh sách này cũng cần được sớm công bố công khai ngay sau khi đại hội khai mạc để các đại biểu đại hội sớm tiếp cận thông tin về nhân sự, quan sát, tìm hiểu phẩm chất, năng lực của từng nhân sự để thể hiện chính xác sự đánh giá, tín nhiệm của mình, tránh được tình trạng “bầu mà không biết mặt”.
Thứ hai, dân chủ trong bầu cử ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào “số dư” trong danh sách bầu cử. Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 đã xác định danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu. Đây là một số dư có thể xem là hợp lý trong điều kiện hiện nay để bảo đảm khả năng tập trung phiếu, hạn chế việc bầu thêm, bầu thiếu,... Tuy nhiên, từ phương châm “tìm nhân tài từ số đông”, từ “đa số lựa chọn thiểu số” thì tỷ lệ không quá 30% số dư so với số lượng cần bầu vẫn chưa phải là số dư lớn, chưa tạo được dư địa rộng cho người đi bầu. Do vậy, trong điều kiện phát triển mới của dân chủ trong Đảng, cần nghiên cứu tăng dần tỷ lệ số dư phù hợp trong danh sách đề cử so với số lượng cần bầu để tạo ra nhiều lựa chọn, cân nhắc bầu chọn của các đại biểu dự đại hội theo những lộ trình thích hợp.
Thứ ba, trong quy chế bầu cử trong Đảng, vấn đề công bố và trình bày chương trình hành động, tiếp xúc, tranh luận của các ứng viên trong danh sách đề cử chính thức với đại hội chưa được quy định. Dẫu biết rằng, đây là một việc hệ trọng không chỉ liên quan đến dân chủ trong Đảng mà còn liên quan đến đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nhưng trong điều kiện đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đã đến lúc cần nghiên cứu về vấn đề xây dựng và công bố chương trình hành động, cơ chế tiếp xúc và tranh luận giữa các ứng viên trong danh sách bầu cử chính thức với đại biểu đại hội và toàn thể đại hội. Để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động này, phát huy dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp; tạo lập môi trường văn hóa; xây dựng lộ trình chi tiết; lãnh đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện. Trước mắt, có thể chưa có cơ chế và điều kiện để các ứng cử viên trong danh sách bầu cử chính thức trình bày phương án, chương trình hành động của mình nếu trúng cử trước đại hội (hội nghị), để các ứng cử viên có thể tranh luận với nhau một cách công khai, bình đẳng như thông lệ, nhưng cũng cần có những hình thức phù hợp giúp các ứng viên chuyển tải được thông tin tốt đẹp về mình đến đại hội (về phẩm chất, về năng lực, về phương án thực hiện các cam kết nếu trúng cử,...). Các ứng cử viên khi được đề cử vào danh sách chính thức cần xây dựng chương trình hành động của mình với những cam kết, giải pháp cụ thể. Chương trình hành động có thể không trình bày trực tiếp và chưa thể tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên trước đại hội nhưng phải được chuyển cho các đại biểu đại hội để nghiên cứu, đồng thời là một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ nhân sự của các ứng cử viên.
Cùng với việc xây dựng chương trình hành động và công khai chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là các ứng cử viên trong danh sách đề cử chính thức của cấp ủy triệu tập đại hội, cần nghiên cứu tổ chức các hình thức gặp gỡ ứng cử viên bên lề đại hội, để các ứng cử viên có điều kiện giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với nhiều đại biểu đại hội, giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn các ứng cử viên để không chỉ đơn thuần “biết mặt, biết tên”, mà còn biết rõ thêm về năng lực và phẩm chất, phục vụ tốt cho sự lựa chọn khi quyết định bằng phiếu bầu. Điều này đòi hỏi phải sắp xếp chương trình đại hội sao cho thật khoa học, linh hoạt thì mới tạo được khoảng thời gian hợp lý để có thể tổ chức được nhiều cuộc tiếp xúc bên lề tại nơi đại hội diễn ra. Việc tổ chức các hoạt động tiếp xúc công khai, chính thức cũng giúp hạn chế tình trạng “vận động hành lang” không chính thức, vi phạm quy định.
Do tính chất phức tạp, nhạy cảm của công tác nhân sự nên việc tuyên truyền, vận động bầu cử trong Đảng cần phải được lãnh đạo chặt chẽ, đề phòng những hoạt động mang tính bè phái, lợi dụng dịp bầu cử để công kích, vu cáo, gây rối. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ, đặc biệt là những điều cấm trong tuyên truyền, vận động bầu cử và kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng tuyên truyền, vận động bầu cử để xuyên tạc, vu cáo, gây hoài nghi trước và trong bầu cử.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Chi bộ khu Bình Quyền, thị trấn Bình Liêu
(huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), nhiệm kỳ 2020 - 2022. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Thứ tư, Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 đã quy định cụ thể hơn việc bầu người đứng đầu cấp ủy. Theo đó, đại hội chi bộ bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên, đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến đảng bộ trực thuộc trung ương, nếu thực hiện việc bầu trực tiếp chức danh bí thư thì sau khi bầu cấp ủy, tiến hành lấy phiếu giới thiệu của đảng viên hoặc đại biểu của đại hội với chức danh bí thư, tổng hợp phần giới thiệu, báo cáo với cấp ủy cấp trên trước khi tiến hành bầu cử chức danh bí thư...
Quy định này mở ra khả năng đại hội bầu trực tiếp người lãnh đạo cấp ủy từ cấp cơ sở đến đảng bộ trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí, vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong điều kiện đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng. Tuy nhiên, thực tiễn bầu cử trong Đảng chưa ghi nhận thông tin về việc đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu bí thư, ngoại trừ đại hội chi bộ. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn việc đại hội chi bộ trực tiếp bầu bí thư, có cơ chế thí điểm để đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu bí thư; trên cơ sở đó, xây dựng các luận cứ khoa học để triển khai đồng bộ chủ trương đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy từ cơ sở đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương. Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế để đại hội trực tiếp bầu người đứng đầu cấp ủy theo những lộ trình thích hợp, cần triển khai nghiên cứu thí điểm đại hội bầu ủy ban kiểm tra đảng ở các cấp địa phương. Những đổi mới trong phương thức cầm quyền của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, của những người đứng đầu cấp ủy đòi hỏi phải nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan kiểm tra đảng, bảo đảm cho cơ quan kiểm tra đủ quyền hạn, đủ vị thế để thực hiện được tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước mắt, có thể nghiên cứu thí điểm mô hình đại hội đảng bộ cơ sở hoặc đảng bộ cấp huyện trực tiếp bầu ủy ban kiểm tra. Khi điều kiện cho phép, có thể triển khai chủ trương này đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương; đồng bộ với chủ trương đại hội bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy.
Đảng ta là đảng cầm quyền, đội ngũ lãnh đạo của Đảng có vị trí đặc biệt, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Việc bầu ra được những đảng viên ưu tú đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các cấp ủy để thực hành quyền lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ. Uy tín, phẩm chất và năng lực của những người được bầu vào cấp ủy các cấp tạo nên sức mạnh và niềm tin tưởng của đảng viên, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Do vậy, đổi mới công tác bầu cử trong Đảng để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng trong điều kiện phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang là một yêu cầu có tính cấp thiết. Những đổi mới công tác bầu cử trong Đảng sẽ luôn là tiền đề, là cơ sở quan trọng để đổi mới chế độ bầu cử trong Nhà nước ta, mà trước hết là đổi mới bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước./.
PGS, TS. Lê Minh Thông
Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Đức Lâm (st)