Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là nghệ thuật, kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đồng thời là truyền thống, bài học, kinh nghiệm quý báu, có giá trị của dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại. Vì vậy, nghiên cứu, nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo, nghệ thuật kế sách này vào điều kiện thực tiễn đất nước hiện nay là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

ảnh Kế thừa 1 
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189, tháng 02-2011.
Nguồn: Sách Quốc phòng Việt Nam 2019

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta luôn lấy lợi ích quốc gia làm trọng, đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc”, giữ yên bờ cõi, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc; trong đó, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên suốt, trở thành nghệ thuật, kế sách giữ nước trong mọi thời đại. Nghiên cứu, vận dụng và phát triển quan điểm, tư tưởng này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là nội dung quan trọng, cần thiết, nhằm chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt, nhất là về quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng động viên cho thời chiến, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Kế sách bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, ngay trong thời bình, khi chưa xảy ra chiến tranh được hình thành trên cơ sở kế thừa những tư tưởng, quan điểm nổi bật, đặc sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, như: Thượng tướng Trần Quang Khải đã khái quát: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ cựu giang san”1 (“Thái bình nên gắng sức. Non nước vững nghìn thu”), hay trong tổ chức phòng bị đất nước, Vua Lê Thái Tổ đã viết: “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ung tu kế cửu an”2 (“Biên phòng cần có phương lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài”) và căn dặn con cháu, muôn dân trăm họ phải tập trung “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Cùng với đó, tổ tiên ta đã thực hiện nhiều chính sách làm cho “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú, binh cường”, kết hợp chặt chẽ giữa việc “binh” và việc “nông”, đẩy mạnh “khoan thư sức dân”; khi đất nước thanh bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, khi có “biến” thì tập trung làm việc “binh”, nhằm vừa giảm chi phí nuôi quân, vừa có lực lượng đánh giặc, bảo vệ đất nước. Coi trọng nuôi dưỡng lòng dân, lấy dân làm gốc; tổ chức phòng bố, phòng bị, giao cho các quan tước cai quản, bảo vệ từng vùng; xây dựng thành lũy, hình thành các tuyến phòng thủ, phân chia khu vực, khai hoang, lập ấp ở những nơi xung yếu, “phục binh sẵn, phá thế giặc dữ” từ xa, củng cố vững chắc phên giậu; rèn, đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, chuẩn bị lương thảo, sẵn sàng động viên khi có họa xâm lăng...

Để chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, tổ tiên ta thực hiện nhiều chính sách chiêu mộ, tuyển dụng hiền tài, ban bố luật lệ, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, gắn bó với dân, bảo đảm quyền hành chính trị tập trung, giang san thu về một mối, “vua sáng, minh quân - tôi hiền, trung liệt”, trên dưới đồng lòng, “phụ tử chi binh”, cả nước góp sức; bộ chỉ huy tối cao đoàn kết, không chia bè phái. Kiên trì phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”, bên trong thì tăng cường chống cát cứ, xây dựng cơ sở, nghiêm trị tạo phản; chăm lo xây dựng quân đội theo phương châm “quân cốt tinh mà không cốt đông”, kết hợp quân triều đình với quân các hương, lộ, phủ và quân ở trong dân, với chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, bảo đảm “quân hùng, tướng mạnh, thống soái tài ba”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”, tăng cường cảnh giác, đề phòng giặc giã; bên ngoài thì đẩy mạnh các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết, tránh nạn binh đao, ngăn ngừa, kết thúc chiến tranh, duy trì hòa hiếu, giữ yên biên thùy. Đặc biệt, tổ tiên ta sớm khẳng định độc lập, chủ quyền đối với cương vực, lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở pháp lý đấu tranh, ngăn chặn mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang: Sông núi nước Nam Vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời...

Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” tiếp tục được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Sinh thời, Bác Hồ khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”3 và căn dặn toàn dân, toàn quân ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”4. Thấm nhuần những quan điểm, tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý báu đó, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX và khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về quốc phòng, an ninh đã xác định những vấn đề cơ bản về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; được Đảng, Nhà nước ta nghiên cứu, khái quát, cụ thể hóa và triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, phương diện của đất nước; trở thành tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết thực tiễn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dự báo tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực và trong nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”5; “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt;... giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy”6. Như vậy, tư duy về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng đã có sự phát triển mới, nội hàm bảo vệ Tổ quốc không chỉ có bảo vệ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, mà còn giữ ổn định bên trong; không chỉ chiến đấu bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị về mọi mặt (chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,...) ngay từ trong thời bình. Thực tế công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh từ bên ngoài biên giới, lãnh thổ; xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề bên trong tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị, an ninh, như tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, coi trọng phát triển kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc... Thực hiện tốt phương châm “trong ấm, ngoài êm”, bởi lịch sử dân tộc ta đã tổng kết: Khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi yên ổn. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ dòm ngó, xâm lăng.

*

*        *

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, dễ gây mất ổn định. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng; chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt; xung đột vũ trang, khủng bố, tấn công mạng gây bất ổn ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị và chủ quyền đất nước. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội; đối tác, đối tượng chuyển hóa mau lẹ, khó đoán định; tình hình an ninh, chính trị ở một số địa phương, cơ sở chưa thật sự ổn định vững chắc; việc mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, sự cần thiết phải bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; kế thừa, phát huy truyền thống, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dân tộc vào điều kiện cách mạng mới; trong đó, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù”.

ảnh Kế thừa 2
Thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng,
tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: TL

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, chúng ta cần tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Tiếp tục kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng; làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, ngăn chặn cài cắm, móc nối, chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, kiểm soát quyền lực, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khắc phục triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” - Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, nhưng cơ sở lại chần chừ, buông lỏng, hoặc đường lối, chính sách thì đúng nhưng triển khai thực hiện không triệt để, không hiệu quả. Chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quốc phòng. Nghiên cứu những vấn đề mới, phát triển lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để tham mưu, đề xuất với Trung ương trong nhiệm kỳ tới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”... Tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không để hình thành các tư tưởng, tổ chức chính trị đối lập.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các chiến lược về quốc phòng, an ninh cả trong thời bình và thời chiến; củng cố, kiện toàn cơ quan, cán bộ làm công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạch định đường lối, thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết về quốc phòng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở; khả năng hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của các chiến lược quốc phòng, an ninh(7) vào thực tiễn. Thường xuyên giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng cường tiềm lực kinh tế, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khoa học, phù hợp. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các mô hình kinh tế, hình thức sở hữu, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường, điều kiện ngày càng thuận lợi, an toàn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và tự chủ, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường, tạo động lực phát triển các thành phần kinh tế khác. Quá trình phát triển phải bảo đảm hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên phát triển chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh; chú trọng kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động tham gia và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để gia tăng tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển; mọi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều phải gắn chặt với mục tiêu quốc phòng, an ninh, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế, xây dựng, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế quốc phòng, nhất là ở địa bàn trọng điểm, chiến lược. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo kế hoạch, phương án động viên các lĩnh vực của xã hội, trọng tâm là lĩnh vực kinh tế cho chiến tranh và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, rà soát, bổ sung thường xuyên. Cùng với kinh tế, phải coi trọng xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quốc phòng, an ninh,... vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các chính sách giảm thuế nông nghiệp, quyết tâm từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, cuộc vận động, phong trào, như “Xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”... Bảo đảm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; từ đó, phát huy trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ của nhân dân trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương, cơ sở. Phát huy cao độ quyền dân chủ của nhân dân trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

ảnh kế thừa 3
Tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước,
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Ảnh: TTXVN

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp giữ nước, với sức mạnh quân sự là đặc trưng và sức mạnh của Quân đội là chủ yếu, kết hợp quốc phòng với an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đối ngoại, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, lấn chiếm, khuất phục, lật đổ của các thế lực thù địch trong thời bình, giữ vững hòa bình, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước về mọi mặt, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức. Muốn vậy, trước hết, cần tập trung xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí quyết tâm cao; trung thành tuyệt đối, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích quốc gia - dân tộc. Cùng với đó, cần tăng cường cảnh giác, chủ động phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội; kiên quyết đấu tranh chống “dân sự hóa”, hạ thấp, phủ nhận vai trò của Quân đội, gây mâu thuẫn giữa Quân đội với Công an của các thế lực thù địch...; tiếp tục bảo vệ, phát huy phẩm chất, truyền thống của Quân đội trong điều kiện mới.

Đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 07-7-2017, của Bộ Chính trị, “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021”, xây dựng Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”, có cơ cấu tổ chức hợp lý, chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, hoàn thành tốt sứ mệnh được giao. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức với công tác chính sách; đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu huấn luyện, đào tạo trong Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012, của Quân ủy Trung ương, về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và “Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020”; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục - đào tạo với huấn luyện, chiến đấu và hoạt động thực tiễn ở cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt công tác bảo đảm và chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện. Duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; nâng cao chất lượng tham mưu, dự báo chiến lược; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến; tổ chức luyện tập, diễn tập với nhiều hình thức, quy mô, đề mục khác nhau, bảo đảm sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Tăng cường rèn luyện chính quy, chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức, văn hóa pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác huấn luyện, giảng dạy; nghiên cứu, phát triển lưỡng dụng, công nghiệp quốc phòng, khoa học - công nghệ, kỹ thuật quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tăng cường các giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Quân đội với Công an và dân quân tự vệ, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội.

Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; tiếp tục thực hiện quan điểm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, tạo thế đan xen lợi ích vững chắc. Trong đó, ưu tiên quan hệ hợp tác toàn diện, ổn định vững chắc với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; thực hiện tốt các điều ước quốc tế đã ký kết; đưa các quan hệ ngoại giao ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; chú trọng công tác đối ngoại đa phương, xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, các đối tác. Thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh, trong đó cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước. Mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân với đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh, kinh tế, văn hóa và ngoại giao chính trị, hình thành các trụ cột của mặt trận ngoại giao, phát huy sức mạnh tổng hợp trong quan hệ, hợp tác và đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Đối với công tác đối ngoại quốc phòng, cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, công nghệ kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng..., tranh thủ huy động các nguồn lực từ bên ngoài vào đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, nền quốc phòng, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường nghiên cứu, dự báo chiến lược, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Trước mắt, đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và thể hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện tốt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh:
“Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn”./.

Ngô Xuân Lịch

Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Cộng sản

Đàm Anh (st)

Chú thích:

1, 2. Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, t. 1, tr. 328, 471.

3. Hồ Chí Minh :Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr. 2.

4. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 552.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149.

6. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-4-2018, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”

7. Như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, “Chiến lược Quân sự Việt Nam”, “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, “Chiến lược An ninh quốc gia”, “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”...

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: