Bà Lê Tâm là một cán bộ hoạt động Công đoàn chuyên nghiệp. Suốt cuộc đời tham gia cách mạng, bà đã vinh dự 2 lần được đến chúc Tết và ăn Tết cùng với Bác Hồ. Kỷ niệm về hai sự kiện này đã ghi sâu trong tâm khảm của bà. Khi chạm tới niềm sâu thẳm đó, bà rưng rưng tâm sự:

Tết Độc lập đầu tiên năm 1946, tôi công tác ở Hội Công nhân cứu quốc, trụ sở tại 51 Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được cơ quan cử tham gia Đoàn đại diện cho các đoàn thể đi chúc Tết Bác Hồ và ông Vĩnh Thụy.

Đoàn đến 51 Trần Hưng Đạo - nơi ở của ông Vĩnh Thụy. Ông ta mặc bộ comlê vải đũi, đầu chải bóng loáng ra tiếp. Chị Hải đại diện cho Đoàn cầm hoa tặng, ông Vĩnh Thụy cảm ơn nhận hoa và tỏ ra xúc động lắm. Sau đó, Đoàn về Nhà khách Chính phủ chúc tết Bác. Các đồng chí Văn phòng bảo Đoàn chờ tại phòng khách. Bác mặc bộ đồ kaki màu vàng đã bạc, giày vải, nhanh nhẹn đi ra phòng khách tươi cười chào mọi người.

2 tet
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng cán bộ - nhân viên
Văn phòng Phủ chủ tịch - Tết 1963. Ảnh: Tư liệu

Nhìn Bác gầy, đôi mắt trũng sâu nhưng ánh mắt vẫn sáng, ai cũng xúc động và thương Bác quá. Chúng tôi kính tặng Bác bó hoa layơn trắng rồi vây quanh Bác như đàn con cháu tíu tít bên người cha, người ông trong ngày Tết cổ truyền. Bác vui lắm cảm ơn cả Đoàn. Bác chúc Tết mọi người rồi căn dặn, chúng ta vừa giành chính quyền, dân còn khổ, các cô các chú phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Ai nấy đều thắc mắc, ở thành phố lấy đâu ra đất để tăng gia. Bác nói: “Phải tận dụng mọi chỗ nếu tận dụng được... phải chống mù chữ... Lần sau đến chúc Tết Bác, chỉ cần báo cáo cho Bác biết trồng được bao nhiêu rau, giúp được bao nhiêu người biết chữ”. Rồi Bác hỏi thăm và gửi lời chúc Tết gia đình, thăm hỏi bà con. Khi về cơ quan, tôi đã đi vận động nữ công nhân trồng rau ở bãi Phúc Tân, Phúc Xá, vận động nhau học chữ. Công việc tăng gia và học chữ quốc ngữ được mọi người thực hiện tốt cho đến khi Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ.

Đầu năm 1952, đồng chí Trần Danh Tuyên cho phép 2 đại biểu đến ăn Tết ở Trung ương. Đại diện cho nam giới là đồng chí Trần Bảo, còn tôi đại diện cho phụ nữ. Hai anh em, sáng 30 Tết khăn gói lên đường từ cơ quan Tổng Liên đoàn (Sơn Dương- Tuyên Quang) đến trưa tới đèo De thì mở cơm nắm ra ăn, chiều đến chiến khu gặp anh Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách dân vận trực tiếp phụ trách công vận.

Anh Việt đưa đến thăm anh Thận (đồng chí Trường Chinh), anh Thận mời ở lại ăn Tết với vợ anh vừa ở khu Ba lên. Buổi chiều, chúng tôi trở về chỗ anh Hoàng Quốc Việt. Thời gian này chị Thục Chinh chuẩn bị tổ chức đám cưới với anh Nguyễn Lương Bằng; nhưng có việc đột xuất ở biên giới, anh Bằng đi công tác ở đó nên hoãn đám cưới lại. Chị Thục Chinh đang ở chỗ Bác. Các anh cho phép tôi lên cùng chị Thục Chinh ăn Tết với Bác. Vừa tới nơi, Bác quan tâm hỏi:“ Cháu có mệt không?”. Tôi phấn khởi quá trả lời: “Thưa Bác, cháu không thấy mệt ạ!”.

Tối 30 Tết, Bác ngồi đọc tài liệu. Tài liệu rất nhiều, nhiều nhất là thư của công nhân, nông dân, bộ đội, thiếu nhi gửi Bác. Bác bảo tôi đọc những bức thư đó cho Bác nghe, chỗ nào lưu ý Bác bảo dừng lại, Bác đánh dấu để dễ tìm khi cần đọc lại. Khuya Bác bảo tôi đi ngủ, còn Bác vẫn chong đèn đọc tiếp. Bác ở nhà sàn, còn chúng tôi ở nhà ngang, đêm ấy chúng tôi không ngủ được vì thấy Bác vẫn thỉnh thoảng ho nên lo cho sức khỏe của Bác. Bảo vệ giục Bác đi ngủ nhiều lần nhưng Bác vẫn thức.

Sáng mùng 1 Tết, tỉnh dậy chúng tôi xuống bếp đã thấy Bác ở đấy, chúng tôi ùa vào chúc Bác mạnh khỏe sống lâu muôn tuổi. Bác nói, muốn Bác mạnh khỏe sống lâu, các cô cần làm việc tăng gấp 2 - 3 lần... Một lúc sau, các cháu thiếu nhi con em của các đồng chí lãnh đạo đến chúc Tết, Bác đưa các cháu lên nhà sàn bắt nhịp cho các cháu hát rồi chia kẹo, chia quà. Gần trưa, gia đình các đồng chí Trường Chinh, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt... đến chúc Tết Bác, không khí lúc này rất vui và quá đầm ấm.

Tất cả quây quần bên Bác như một gia đình lớn có nhiều thế hệ. Bữa cơm trưa mùng một Tết có một đĩa thịt lợn kho tàu, cá kho, trứng rán, dưa chua và một bát canh tôm nấu với rau cải soong. Rau cải soong do tự tay Bác trồng. Đến đâu Bác cũng ở gần suối. Dưới suối Bác thả bè rau cải soong, ở trên đồi Bác trồng rau cải, rau muống. Tôi hỏi đồng chí phụ trách bếp, Tết của Bác sao lại không có bánh chưng.

Đồng chí đó nói đồng bào gửi biếu Bác nhiều thứ, bánh chưng, giò, còn có cả con bò, bà con vùng kháng chiến cũng gửi quà cho Bác nhưng Bác bảo mang cho bộ đội, thiếu nhi... Thức ăn mỗi bữa, Bác bảo chia nhau ăn hết không được lãng phí. Đang ăn, anh Cù Huy Cận đến, một lúc sau bác sĩ Chánh là bác sĩ phục vụ Bác cũng tới. Mọi người cười nói, chuyện trò rôm rả. Sau bữa ăn là tiết mục sinh hoạt văn nghệ, có người lấy soong nồi lên gõ đệm cho người khác hát, anh Huy Cận đọc thơ, có người hát chèo, tôi và chị Thục Chinh rụt rè e ngại. Bác động viên mãi, tôi đọc bài thơ của anh Tố Hữu:

“Em là con gái Bắc Giang, Rét thời mặc rét nước làng em lo...”. “Nhà em con bế con bồng, Em cũng theo chồng đi phá đường quan”... Bác cười, bây giờ không được vận động bà con phá đường mà vận động bà con đắp đường để bộ đội, dân công có đường đi đánh giặc. Bác cháu sinh hoạt văn nghệ vui quá, vui đến tận chiều... Tối hôm đó khi Bác cháu cơm nước xong, Bác bảo hai chị em đi xem phim do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức. Ở chỗ chiếu phim, hai chị em gặp anh Trường Chinh, anh Hoàng Quốc Việt,... phim hay thích xem, nhưng hai chị sốt ruột muốn về.

Các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cũng đốt đuốc về cùng. Tới nhà, thấy Bác vẫn chăm chú đọc tài liệu. Mấy anh chị em trước cảnh tượng Bác ngồi làm việc áo đại cán khoác hờ trên vai, quên cả cái rét cắt thịt cắt da ở miền núi mà thấy nao lòng. Chúng tôi ăn Tết với Bác hết ngày mùng 3, hằng ngày hai chị em xuống bếp giúp các đồng chí phục vụ làm bữa... Bác bận tiếp khách ban ngày, ban đêm đọc tài liệu, đọc sách.

Sáng mùng 4, chúng tôi chào Bác để trở về cơ quan công tác. Bác cho mỗi chị em một gói cơm nếp lạc và dặn chúng tôi lúc chia tay: “Các cháu đi đâu cũng phải gần gũi dân mới được dân giúp đỡ... Công tác tốt sang năm lại lên ăn Tết với Bác”.

Đỗ Văn Phú
Theo http://www.tinmoi.vn
Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: