Từ hàng nghìn đời nay, các thế hệ người Việt luôn nhận rõ tầm quan trọng của biển, đảo đối với đời sống xã hội, nên đã xác lập chủ quyền và coi đó là một phần “máu, thịt” hợp thành “cơ thể” đất nước. Vì thế, giữ vững phần “máu, thịt” này là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và với mỗi người Việt Nam dù sinh sống, học tập, công tác ở trong nước hay ở nước ngoài.
I
Biển, đảo - phần “máu, thịt” của đất nước
1. Biển đem đến nguồn sống, văn hóa, tín ngưỡng cho một bộ phận cư dân Việt Nam từ hàng nghìn đời nay.
Câu chuyện về Lạc Long Quân đem 50 người con xuống biển được lưu truyền và in đậm trong tâm khảm mỗi người Việt Nam cho thấy, đời sống của một bộ phận cư dân người Việt luôn gắn liền với biển ngay từ thời sơ khai dựng nước. Đến nay, với phát hiện, phân tích về “đống vỏ sò”, “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa: Quỳnh Văn, Bàu Tró, Thạch Lạc, Hạ Long,… của khảo cổ học đã chứng minh sự hiện diện của biển trong đời sống một bộ phận tổ tiên người Việt từ hàng nghìn đời nay là một thực tế. Hoa văn “dấu vỏ sò” trên đồ gốm của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ, những hiện vật về công cụ lao động, những chế tác từ sản vật của biển,... là những dấu ấn sinh động về đời sống xã hội gắn liền với biển của bộ phận cư dân nơi đây. Họ sớm biết: “Nấu nước biển để lấy muối” (dấu vết của nghề này hiện còn lưu tại làng Nại Hiên, Đà Nẵng và nhiều nơi khác trên cả nước); biết chế biến những sản vật khai thác từ biển thành những “đặc sản” phục vụ nhu cầu ẩm thực (điển hình là nước mắm truyền thống được lưu truyền đến ngày nay). Những lễ hội: Cầu ngư, tục thờ cúng cá Ông và những vị thần có nguồn gốc từ biển do nhân dân tưởng tượng ra,... đã đi vào đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt sinh sống ở các vùng ven biển từ hàng nghìn năm trước được lưu truyền đến ngày nay. Cùng với đó, việc thiết kế nhà ở, chọn hướng nhà và gọi tên những chi tiết trong kiến trúc nhà ở cũng in đậm sự hiện diện của biển, góp phần tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa Việt Nam.
Không những thế, để đáp ứng nhu cầu phát triển địa vực sinh sống, người Việt luôn tìm cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn”,… biến những đầm lầy hoang vắng, những vùng đất khô cằn ven biển thành những làng quê phì nhiêu, trù phú. Điển hình của thành tựu này là sự hình thành hai huyện: Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) và Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) vào thời Nguyễn (1802 - 1945), gắn liền với tên tuổi Doanh điền Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Để ghi nhớ công ơn của Ông, nhân dân hai huyện này đã tôn Ông là bậc thánh, dựng đền thờ từ đó đến nay. Điều đặc biệt là Ông được nhân dân đúc tượng, lập đền thờ từ khi còn sống.
Trong các cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với tiếp tục mang lại nguồn sống, văn hóa, tín ngưỡng,... cho đồng bào ta thì giao thông đường biển, điển hình là Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1975 đến nay, nhất là từ khi đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát huy lợi thế về biển, như: Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; khai khoáng; du lịch; dịch vụ; bến bãi, cảng biển,... nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân các tỉnh ven biển. Nhờ đó, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân các vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả; đời sống của nhân dân ở 28 địa phương có biển được cải thiện. Các khu kinh tế ven biển có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm1 v.v.
2. Quá trình xác lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, các triều đại phong kiến Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn,… đều coi trọng và đầu tư xây dựng lực lượng thủy binh hùng mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thời Nhà Nguyễn (khởi đầu từ chúa Nguyễn Hoàng năm 1558) đã để lại nhiều di tích, văn bản, châu bản và nhiều bộ sử ghi chép rõ chủ quyền biển, đảo nước ta bao gồm hai quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa. Từ thế kỷ XVI - XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các lân bang, như: Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Nam Dương, Xiêm La, v.v. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa2 dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc. Cư dân người Việt từ các làng quê ven biển đã tìm đến những hòn đảo để khai hoang, lập làng cư trú mưu sinh. Với chủ trương mở cửa giao thương, buôn bán, nhà Nguyễn đã lập ra Thương cảng Hội An (Quảng Nam), cho phép người nước ngoài cư trú lâu dài, lập phố xá, làm ăn và chung sống với cư dân bản địa, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Sau khi lên nắm quyền, nhà Tây Sơn đã xóa bỏ ranh giới chia cắt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài, thống nhất đất nước, gồm: Bờ biển từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, hàng nghìn hòn đảo ven bờ và hai quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa.
Để giữ vững chủ quyền biển, đảo, mở rộng giao thương, góp phần phát triển đất nước, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn quan tâm xây dựng đội thuyền (thủy binh) hùng hậu, điển hình như: Chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức và duy trì hoạt động thường xuyên của 200 chiến hạm (mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác), 500 chiến thuyền nhỏ (từ 40 đến 44 tay chèo), 100 chiếc thuyền lớn (từ 50 đến 75 tay chèo),… nhờ đó, năm 1644 đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An). Từ thế kỷ XVII, các triều Nguyễn luôn duy trì hoạt động hiệu quả của đội Hoàng Sa. Hằng năm, Đội được lựa chọn, tuyển mộ người vào làm binh, phu đi khai thác, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và được gọi là “thế lính”. Từ đó đến nay, vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đều tổ chức Lễ khao “lề thế lính” (tại Âm Linh Tự - di tích được xếp hạng quốc gia) để ghi nhớ công ơn những người đi tìm kiếm sản vật, cắm mốc biên giới hải phận không trở về. Các triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị,... tiến hành thực thi chủ quyền biển, đảo thông qua các hoạt động: Vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác sản vật, tổ chức thu thuế, cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết, v.v. Mộc bản triều Nguyễn và các sách lịch sử: Bộ sách Đại Nam Thực lục Chính biên; Đại Nam nhất thống chí, do vua Tự Đức chỉ thị cho Quốc sử quán tổ chức biên soạn,… hiện đang lưu hành đều thống nhất: Biển Đông là vùng biển rộng, dài, chạy dọc và che chở toàn bộ mặt Đông lãnh thổ, tính từ Móng Cái (cực Bắc) đến mũi Cà Mau (cực Nam), mở rộng ra toàn bộ các dải đảo ven bờ và hai quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, chưa hề có sự tranh chấp với bất kỳ nước khác. Năm 1858, thực dân Pháp và Tây Ban Nha đánh vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược nước ta, lực lượng thủy quân của triều đình phải tập trung đối phó với chiến tranh nên không có điều kiện duy trì hoạt động thường xuyên trên hai quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng ý thức trách nhiệm về chủ quyền đối với hai quần đảo này vẫn luôn được giữ vững.
3. Một số quan điểm, chính sách lớn về biển, đảo từ trước tới nay
Cách đây gần 500 năm, với nhãn quan sáng suốt và tài năng, trí tuệ uyên bác của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), hiệu là Bạch Vân cư sĩ, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI đưa ra dự báo chiến lược về Biển Đông thông qua hai câu thơ: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình. Với hai câu thơ này, Ông muốn nhắn nhủ các thế hệ người Việt rằng: Đời đời con cháu Việt Nam phải biết bảo vệ, giữ gìn Biển Đông để muôn đời cõi trời, cõi đất nước Nam sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình, thịnh trị. Quan điểm này của Ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và vẫn mang tính thời sự.
Tháng 3-1961, trong chuyến đi công tác về vùng biên giới, hải đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người cộng sự, cán bộ địa phương, chiến sĩ bộ đội Hải quân vào hang Đầu Gỗ (đảo nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long - Nơi đây xưa kia là công binh xưởng mà đội quân tinh nhuệ nhà Trần đã vót hàng nghìn cọc gỗ cắm trên sông Bạch Đằng đánh thắng quân Nguyên Mông). Tại đây, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” và Người xác định: “... Nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.
Năm 1984, trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, Đô đốc Giáp Văn Cương (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đô đốc đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam), Tư lệnh Hải quân với tầm nhìn chiến lược đã đưa ra dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”. Vì thế, Ông đã yêu cầu bộ phận Tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch, phương án phòng thủ Trường Sa; mặt khác, ông chủ động, kiên trì đề xuất và được Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) chấp thuận Kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Để bảo đảm pháp lý trong các hoạt động: Quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên, giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên làm tốt việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản quan trọng3, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Trong đó, Hiến pháp - Đạo luật cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm: 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2013 đều khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”; “Mọi âm mưu và hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị nghiêm trị theo pháp luật”4. Thời gian gần đây, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Như vậy, từ muôn đời nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở các vùng biển, ven biển luôn hòa quyện, gắn bó với biển, đảo, xác lập và thực thi chủ quyền bằng những chủ trương, chính sách phù hợp để quản lý, khai thác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo - một phần “máu, thịt” gắn liền với sự trường tồn Tổ quốc.
Văn Thành
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
__________
1. Đến hết năm 2017, cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, tổng diện tích gần 845.000 ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. Cả nước có 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600 ha, v.v.
2. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa được Lê Quý Đôn ghi trong Phủ Biên Tạp lục: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiết, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiêm, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo (Thuận An), đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”.
3. Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9-02-2007 về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết của Quốc hội ngày 23-6-1994 về việc phê chuẩn Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (số 06/2003/QH11 năm 2003); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 1993 (Luật số 10/2008/QH12); Luật Thủy sản (số 17/2003/QH11); Luật Hàng hải Việt Nam (số 40/2005/QH11); Luật Cảnh sát Biển Việt Nam (số 33/2018/QH14); Nghị định 25/2009/NĐ-TTg, ngày 26-3-2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Quyết định 568/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020, v.v.
4. Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 8, 13.
Kỳ sau: II. Kiên quyết, kiên trì giữ vững phần “máu, thịt” của đất nước”.