1. Bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV
Thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (nCoV);
Để bảo đảm việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 1074/BTC-HCSN ngày 05/02/2020 về việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV, trong đó đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện như sau:
Về bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV:
- Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo quy định tại Điều 60 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
- Trước mắt, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống dịch bệnh nCoV chủ động sử dụng dự toán NSNN năm 2020 đã được giao, sử dụng các nguồn lực sẵn có, tại chỗ để bảo đảm kịp thời kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nCoV.
- Sau khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc trong trường hợp cần thiết phải bổ sung kinh phí, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó:
+ Về sử dụng dự phòng ngân sách trung ương: Đối với các khoản chi trên 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi đầu tư phát triển và các khoản chi thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi còn lại. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức chi không quá 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, định kỳ hằng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
+ Về sử dụng dự phòng ngân sách mỗi cấp: Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, có trách nhiệm chủ động sử dụng dự toán ngân sách nhà nước 2020 đã được giao để bảo đảm kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Kinh phí thực hiện và chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và trách nhiệm chi trả chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, đơn vị, UBND cấp tỉnh và các tổ chức được giao nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch bệnh nCoV, có trách nhiệm chủ động sử dụng dự toán ngân sách nhà nước 2020 đã được giao để bảo đảm kinh phí để thực hiện các hoạt động chống dịch và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động tham gia chống dịch. Nội dung chi, mức chi đối với công chức, viên chức, người lao động tham gia chống dịch, thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:
- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
- Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 26/02/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV
Ngày 06/02/2020, Bộ Y tế đã có Công văn số 505/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành để hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Theo đó, trường hợp được miễn chi phí KCB theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/12/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bao gồm:
- Ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV.
- Ca bệnh có thể nhiễm nCoV.
- Ca bệnh xác định nhiễm nCoV.
Các ca bệnh nêu trên được xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao để chẩn đoán, điều trị thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý KCB về danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao cho đơn vị điều trị cách ly.
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế:
- Người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí KCB đã được miễn nêu tại khoản 1 công văn này.
Trường hợp người bệnh điều trị tại nơi không có hợp đồng KCB BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí KCB đã được miễn nêu tại khoản 1 công văn này.
- Người bệnh không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB.
Trường hợp người bệnh tự đi KCB được cơ sở y tế kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế, thì người bệnh có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB.
3. Danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Ngày 07/02/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 155/QĐ-BTC về Danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Miễn thuế nhập khẩu khẩu trang y tế phục vụ phòng chống dịch. Ảnh minh họa/Internet
Theo đó, ban hành Danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, gồm các mặt hàng cụ thể là:
- Khẩu trang y tế.
- Nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng).
- Nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế: Vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế; màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế; dây thun để sản xuất khẩu trang y tế; thanh nẹp mũi để sản xuất khẩu trang y tế (dạng thanh/cuộn).
- Nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch).
- Vật tư, thiết bị cần thiết khác: Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm: Quần, áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày).
Chính sách quản lý đối với các mặt hàng thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện theo quy định hiện hành.
Thủ tục, hồ sơ miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 155/QĐ-BTC này có hiệu lực kể từ ngày 07/02/02020 đến ngày có văn bản công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền.
Thu Hiền (tổng hợp)