Nâng cao nhận thức về đạo đức công vụ, biến nhận thức về đạo đức công vụ thành hành vi tích cực trong thực tiễn thi hành công vụ là việc làm hết sức cần thiết trong đời sống xã hội nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng. Bài viết nêu lên sự cần thiết phải xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn đạo đức công vụ; đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa: Internet
1. Bản chất và nội hàm của đạo đức công vụ
1.1. Sự cần thiết xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong thời kỳ mới
Đạo đức học là một phạm trù triết học nhân sinh đã được Aristotle (384-322 trước Công nguyên) đề cập từ rất sớm. Những nhà triết học lớn trong lịch sử như Socrat, Platon, Aristotle, E.Kant, G.Heghen, L.A.Feuerbach, Khổng Tử… đã có những đóng góp to lớn trong sự phát triển tư tưởng đạo đức học. Tuy nhiên, do hạn chế của lịch sử và điều kiện cụ thể của thời đại, các nhà tư tưởng nói trên đều có những hạn chế nhất định khi bàn về đạo đức học. Chỉ đến khi C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin đi sâu vào nguồn gốc và bản chất của đạo đức thì mới khắc phục được những hạn chế và bổ sung những hiểu biết mới quan trọng vào tư tưởng đạo đức học trước đây. C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin đã đưa ra nhận thức mới dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nhận thức các hiện tượng đạo đức phù hợp với lịch sử của thời đại.
Theo đó, đạo đức được nhìn nhận là một hiện tượng xã hội, một phương diện của đời sống xã hội, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với tư cách là hình thái ý thức xã hội, biểu hiện dưới dạng các nguyên tắc, quy tắc, các chuẩn mực, các giá trị điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động xã hội trong sản xuất ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần.
Các công trình nghiên cứu trong nhiều thế hệ đã xác lập mối tương quan giữa đạo đức và các hình thái ý thức xã hội khác, tập trung vào 3 mối quan hệ cơ bản: 1) Đạo đức và chính trị; 2) Đạo đức và pháp luật - công cụ ghi nhận các chuẩn mực, các thói quen, các giá trị được xã hội thừa nhận, tuân theo; 3) Đạo đức và tôn giáo - trong đời sống, tôn giáo có vai trò hướng dẫn và đóng vai trò của đạo đức, hình thành các giá trị và ý nghĩa của cuộc sống, có giá trị thiêng liêng, góp phần điều chỉnh hành vi của con người.
1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” - giá trị nền tảng của đạo đức công chức, đạo đức công vụ trong xã hội Việt Nam hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, là người đã phát triển sáng tạo tư tưởng của Mác - Lênin để hình thành đạo đức cách mạng. Chính đạo đức cách mạng của những người cách mạng, của các thế hệ người Việt Nam thể hiện đỉnh cao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ở sự xả thân, dám hy sinh tất cả vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tạo nên sức mạnh dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên giá trị Việt Nam, đạo đức Việt Nam.
Trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đạo đức nghề nghiệp được đặt ra và thể hiện ở hai phẩm chất đức - tài của người lãnh đạo, quản lý, của người cán bộ, công chức nói chung. Khi công chức thực thi công vụ được xác định là một nghề đặc biệt, lại càng cần một phẩm chất đặc biệt của người “công bộc” của dân. Từ thách thức chuyển vai trò người quản lý, từ cơ chế “xin-cho” sang người phục vụ nhân dân, người phục vụ phát triển là việc hình thành giá trị mới của người cán bộ, công chức - vấn đề có ý nghĩa cách mạng.
Sắc lệnh số 76/SL về Quy chế công chức của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1950 đã khẳng định: “Công chức là đầy tớ, công bộc của dân”, bốn phẩm chất “cần - kiệm - liêm - chính” là những giá trị đạo đức cần được hình thành trong đội ngũ cán bộ, công chức mới của Việt Nam.
1.3. Về đạo đức nghề nghiệp
Xã hội có bao nhiêu nghề thì tất yếu có bấy nhiêu đạo đức nghề nghiệp, đây là đạo đức xã hội đặc thù thể hiện trong các hoạt động nghề nghiệp. Với tính cách là hình thái đạo đức xã hội có quan hệ chặt chẽ với đạo đức cá nhân và được cá nhân thể hiện, đạo đức nghề nghiệp có liên quan trực tiếp tới hoạt động nghề nghiệp - được hình thành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một đặc trưng quan trọng của đạo đức nghề nghiệp được các công trình nghiên cứu về vấn đề đạo đức tập trung làm rõ là yếu tố “lương tâm nghề nghiệp” - không chỉ chứa đựng trạng thái tình cảm, tâm lý mà là một động lực bên trong tạo ra thái độ ứng xử, thái độ trách nhiệm với nghề, với sản phẩm mình làm ra, nhiệm vụ mình thực hiện. Đây là mối quan hệ tương tác quan trọng hình thành nhân cách, đạo đức, giá trị của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, cùng với nó hình thành nghĩa vụ với nghề nghiệp, thành “nghiệp” của mình.
2. Về công vụ và thực thi công vụ
2.1. Bản chất công vụ
Trong các văn bản quy phạm pháp luật, công vụ được hiểu theo nghĩa rộng là công việc của Nhà nước; còn theo nghĩa hẹp, công vụ là việc nhà nước do công chức đảm nhiệm, thực hiện. Do vậy, công vụ là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước - quyền lực công. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đề cao tính tối thượng của pháp luật, theo nguyên tắc “công chức chỉ được phép làm những việc do pháp luật quy định”, đây là yêu cầu đối với người công chức trong thực thi công vụ. Do vậy, khi xác định công chức là một nghề đặc biệt thì cũng là ở đòi hỏi người công chức phải có một phẩm chất đặc biệt, đó là đạo đức công vụ.
2.2. Những giá trị cơ bản của hoạt động thực thi công vụ
Công việc nhà nước do công chức đảm nhiệm hướng tới 2 giá trị: thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả - quản trị tốt; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho xã hội, cho nhân dân.
Về thực chất, quyền lực nhà nước thể hiện ý chí của nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho bộ máy nhà nước, mà đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm thực thi, do đó cần có những quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đây là sự ủy quyền gián tiếp, đòi hỏi cán bộ, công chức phải ý thức được rõ ràng trách nhiệm của mình, cần có những chuẩn mực giá trị đạo đức, hành vi ứng xử phù hợp, phải thực sự gần dân, nghe dân, hiểu dân và làm cho dân hài lòng - thực sự phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân. Những đòi hỏi trên đây tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước với nhân dân, hình thành những giá trị đạo đức mới cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
3. Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nay
Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đang hoàn thiện và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì quản trị nhà nước phát triển hiệu quả đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tiễn đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có trình độ quản trị mới tương ứng với các chuẩn mực đạo đức mới hình thành phù hợp với quá trình hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá theo mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Sau 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, mặc dù đất nước đã đạt được nhiều thành tựu phát triển có ý nghĩa to lớn, song chúng ta vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém trong cải cách thể chế, trong hình thành cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật tương ứng, trong xây dựng đội ngũ nhân lực công có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức - tài đáp ứng thời kỳ phát triển mới. Tính chuyên nghiệp, kỹ năng, sự thành thạo của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là thách thức lớn trong quá trình phát triển của đất nước.
Thực tiễn cuộc sống cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước đang đặt ra yêu cầu có những giải pháp tổng thể cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mới đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, “tài - đức” cho quản trị đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là:
Một là, cần phải nghiên cứu nền tảng lý luận, cơ sở triết học về các giá trị đạo đức, đạo đức xã hội làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết về đạo đức xã hội mới, về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Hai là, nghiên cứu hình thành mô hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, trên cơ sở đó hình thành các tiêu chí của bộ máy hành chính mới, tiêu chí năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức mới của đội ngũ cán bộ, công chức.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về đạo đức của công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt cần phải có một đạo luật riêng về đạo đức công vụ. Cụ thể, công chức khi thực thi công vụ phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp; vừa phải tuân thủ những chuẩn mực pháp luật của nhà nước trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với nhà nước trên cơ sở hài hòa giữa quyền và lợi ích của nhà nước và công dân. Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ phải được xây dựng trên nguyên lý: Pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội). Đồng thời với việc rà soát, bổ sung các quy định trong Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức, cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật công chức - công vụ.
Bốn là, cần đề cao vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Kinh nghiệm các nền công vụ tiên tiến trên thế giới cho thấy, trong các trường đào tạo, bồi dưỡng công chức đều có chương trình huấn luyện công chức, từ việc ứng xử trong quan hệ công chức với nhân dân tới thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, từng bước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy thước đo hiệu quả bằng sự hài lòng của người dân trở thành công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ.
Sáu là, xây dựng các thể chế tổ chức và hoạt động công vụ theo mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, quản lý nhà nước bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là cơ sở để đầy lùi bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Huy động sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội vào công việc của nhà nước, giám sát và phản biện xã hội một cách thiết thực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Bảy là, đề cao vai trò nêu gương của người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Giáo dục công chức bằng hình thức nêu gương, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, công chức có trách nhiệm, tận tâm, nhanh chóng, hiệu quả, nhất là những tấm gương “cần - kiệm - liêm - chính; chí công vô tư” trong thực thi công vụ.
Tám là, chú trọng, khuyến khích việc tự đào tạo, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức trong một xã hội học tập và nền kinh tế tri thức./.
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức Nhà nước
Đức Lâm (st)